1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Chỉ đích danh "kẻ gây hấn" trên Biển Đông

Vì chiếm đa số nên cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 16/7 đã có kết quả đúng như dự đoán. Theo đó, liên minh cầm quyền (đảng Dân chủ Tự do và đảng Công minh Mới) đã thông qua dự luật an ninh mới gây tranh cãi, bất chấp sự phản đối của phe đối lập (đảng Dân chủ Nhật Bản, đảng Cộng sản Nhật Bản và đảng Duy tân Nhật Bản).

Trước đó (15/7), Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện đã thông qua dự luật an ninh mới với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe.

Tokyo khẳng định, dự luật an ninh mới được Mỹ hoan nghênh, bởi đây là yếu tố then chốt để đối phó với những thách thức hiện nay. Nhưng theo kết quả điều tra mới nhất qua điện thoại của Hãng Kyodo: trong khi 58,7% phản đối dự luật mới, chỉ có 27,8% ủng hộ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

“Mười tiếng nói mạnh hơn một”

Những người phản đối cho rằng, dự luật này (phải trình Thượng viện thảo luận thêm để thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 27/9) sẽ vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và có nguy cơ đẩy Tokyo vào các cuộc xung đột do Mỹ đứng đầu.

Dự luật an ninh mới nếu được thông qua sẽ mở rộng quy mô chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài; đồng thời cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước hữu hảo khác trước cuộc tấn công vũ trang ngay cả khi Tokyo không chịu bất kỳ cuộc tấn công nào.

Ngày 14/7, Hãng Reuters cho biết, Nhật Bản đã nhất trí mua 5 máy bay vận tải V-22 Osprey của Mỹ trị giá 332,5 triệu USD. Đây là thỏa thuận đánh dấu lô xuất khẩu đầu tiên loại máy bay này của Mỹ. 5 máy bay kể trên sẽ được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất nhằm củng cố năng lực phòng thủ các đảo xa trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trên biển.

Ngày 13/7, Hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn lời Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) tại Malaysia Luc Vandebon cho rằng, các nước thành viên ASEAN liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông nên cân nhắc giải quyết vấn đề với tư cách là một khối hơn là từng nước. Theo ông Luc Vandebon, dựa trên quan niệm “mười tiếng nói mạnh hơn một”, đồng thời tin rằng, các nước tranh chấp sẽ có lợi hơn nếu họ tiếp cận giải quyết vấn đề theo cách này.

Theo thông cáo báo chí của Ban Thư ký ASEAN, tại Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản lần thứ 30 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia ngày 22/6, các quan chức cấp cao ASEAN và Nhật Bản đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản, đồng thời nhất trí tiếp tục tìm hiểu những cơ hội mới để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ và hợp tác này.

Người Philippines biểu tình thổi còi bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Makati, Manila
Người Philippines biểu tình thổi còi bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Makati, Manila

Trước đó (5/2), khi phát biểu tại buổi liên hoan mừng Xuân Trung Quốc - ASEAN năm 2015 ở Bắc Kinh, Đại sứ Singapore tại Trung Quốc, Chủ tịch luân phiên Hội đồng ASEAN tại Bắc Kinh cho rằng, sự phát triển của ASEAN và đề xuất “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” của Trung Quốc sẽ bổ trợ cho nhau, và mong 2 bên cùng nhau ứng phó với thách thức, hóa giải bất đồng, tận dụng đầy đủ cơ hội kinh doanh Trung Quốc - ASEAN.

Đại sứ Singapore tại Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc và ASEAN hiện đang nỗ lực xây dựng “10 năm Vàng” thứ 2 của mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác giữa 2 bên liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, nhất là khi ASEAN đang dốc sức để hoàn thành xây dựng Cộng đồng Kinh tế vào cuối năm 2015.

 “Một giọt nước và một xô nước”

Ngày 13/7, mạng sina.com dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, Bắc Kinh đã chi 1,36 tỉ USD trong năm 2014 để nhập khẩu vũ khí từ nhiều quốc gia. Điều đáng nói là bất chấp lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc của Liên minh châu Âu, nhưng nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Anh, Thụy Điển và Đức vẫn thực hiện nhiều hợp đồng bán vũ khí cho Bắc Kinh.

Nhiều người cảnh báo, Trung Quốc chỉ tạm điều chỉnh chiến lược, còn mục tiêu nhất quán của Bắc Kinh vẫn là “liếm trọn Biển Đông”. Theo nhận định của tờ The Diplomat, máy bay tuần tra săn ngầm Cao Tân 6 (GX-6) của Bắc Kinh đã chính thức biên chế cho Hạm đội Bắc Hải và động thái này nhằm giúp Hải quân Trung Quốc gia tăng ưu thế trên Biển Đông.

Ngày 10/7, tờ Want China Times của Đài Loan đã trích lại một bài trên tạp chí mạng The National Interest do ông Gregory Poling, thành viên ban phụ trách bộ phận Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) khẳng định, Trung Quốc là kẻ gây bất ổn ở Biển Đông và Việt Nam là quốc gia đang bảo vệ các đảo của mình.

Want China Times cũng cho rằng, việc mở rộng đảo của Việt Nam tại Trường Sa “vô cùng nhỏ so với Trung Quốc”, và nếu so sánh thì việc cải tạo đảo của Việt Nam chỉ là “một giọt nước”, còn Trung Quốc là “một xô nước”.

Máy bay vận tải V-22 Osprey
Máy bay vận tải V-22 Osprey

Theo nhận định của tờ Straits Times (Singapore), cách hành xử hung hăng, ngang ngược của Bắc Kinh không những gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia gần 1,4 tỷ dân, mà còn hình thành tâm lý chống Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Theo nhận định của bà Ekaterina Koldunova, chuyên viên nghiên cứu ASEAN, tác động của vấn đề Biển Đông đối với chính sách đối ngoại và đối nội của các nước Đông Nam Á là điều không cần bàn cãi, và tại các nước này đang xuất hiện thái độ bất mãn gay gắt trước hành động của Trung Quốc.

Theo ước tính của chuyên gia về Trung Quốc David Shambaugh, Bắc Kinh tuy đã chi khoảng 10 tỉ USD/năm cho “tuyên truyền đối ngoại”, nhưng chiến dịch này mang lại hiệu quả hạn chế.

Còn theo học giả Joseph S.Nye, người đầu tiên đưa ra khái niệm quyền lực mềm, mặc dù Trung Quốc đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tăng cường khả năng, cũng như ảnh hưởng đối với các quốc gia, nhưng Bắc Kinh vẫn không thể vượt qua “giới hạn của quyền lực mềm”.

Bởi những gì Trung Quốc đã và đang làm có nguy cơ khiến các nước láng giềng phải lo ngại, thậm chí họ tìm cách lập liên minh để làm đối trọng. Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc và đây là những lực cản đối với chiến lược mở rộng “quyền lực mềm” của Trung Quốc.

Điều chỉnh để thích ứng

Ngày 15/7, tờ South China Morning Post đưa tin, một trong 7 Tư lệnh đại quân khu đã tháp tùng ông Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc thị sát các tỉnh Tây Bắc làm tăng đồn đoán về một cuộc cải tổ bộ máy lãnh đạo quân sự của Bắc Kinh.

Hiện dư luận đang quan tâm tới Tư lệnh đại quân khu Tế Nam, Trung tướng Triệu Tông Kỳ, tuy đã 60 tuổi, nhưng vẫn là người trẻ nhất trong số 7 Tư lệnh đại quân khu, và nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí của ông Phạm Trường Long sau Đại hội 19 bởi khi đó Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hết tuổi.

Trước đó (8/7), tờ South China Morning Post từng đưa tin, 3 tướng thuộc 3 đại quân khu Nam Kinh, Thẩm Dương và Tế Nam vừa được điều về Bộ Tư lệnh Không quân. Theo đó, tướng Vu Trung Phúc, Chính ủy Nam Kinh được cử làm Chính ủy Quân chủng Không quân, thay tướng Điền Tư Tu đến tuổi nghỉ hưu. Tướng Triệu Dĩ Lương, Chính ủy Thẩm Dương được thăng chức Phó chính ủy Quân chủng Không quân, và tướng Phạm Kiêu Tuấn, Chính ủy Tế Nam được điều làm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Không quân.

Cả 3 tướng kể trên có khả năng sẽ được thăng quân hàm trước dịp kỷ niệm thành lập quân đội Trung Quốc 1/8. Theo đó, Trung tướng Vu Trung Phúc và Trung tướng Triệu Dĩ Lương được đeo hàm Thượng tướng, còn Thiếu tướng Phạm Kiêu Tuấn được đeo lon Trung tướng.

Ngày 13/7, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Sydney công bố báo cáo cho thấy, Mỹ và Australia có chiến lược “không ăn ý” trong vấn đề Trung Quốc. Báo cáo cho rằng, cả Canberra lẫn Washington đều không có một chính sách rõ ràng và nhất quán về Trung Quốc.

Do đó họ kêu gọi Australia và Mỹ tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi là giải quyết những thách thức hàng hải và tận dụng liên minh ANZUS (Australia, New Zealand và Mỹ) để xây dựng những mối quan hệ đối tác tốt đẹp hơn như với Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia, nhằm đối phó tốt hơn trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.

Cũng trong ngày 13/7, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã bày tỏ hài lòng về mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng, tên lửa tầm xa của Bắc Kinh có thể sớm vươn tới Australia.

Trước đó (chiều 29/6), ông Tony Abbott từng nhấn mạnh, sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh khu vực, song nó đang phải đối mặt với mối đe dọa tồn tại dưới hình thức tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Đồng thời khẳng định, các dự án xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước.

Ngày 14/7, tờ South China Morning Post cho biết, dịch vụ bản đồ trực tuyến của Google (Google Maps) đã lặng lẽ xóa tên gọi “đảo Hoàng Nham” mà Trung Quốc gán cho bãi cạn Scarborough.

Trước đó, Google Maps đã chú thích Scarborough là một phần của cái gọi là “quần đảo Trung Sa” của Trung Quốc và việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối trực tuyến, yêu cầu Google phải ngừng xác nhận Scarborough là lãnh thổ của Trung Quốc.

Trước đó (8/7), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho rằng, trong tình hình hiện nay, nhân dân Trung Quốc ở 2 bờ Eo biển đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của quốc gia.

Theo bà Hoa Xuân Doanh, chủ quyền và quyền lợi liên quan tại Biển Đông của Trung Quốc đã được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, có đầy đủ cơ sở pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế!?

 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm