Chế trực thăng từ ôtô và xe máy cũ
Một sinh viên người Nigeria 24 tuổi đã biến những linh kiện xe ô tô, xe máy cũ và mảnh xác một chiếc Boeing thành trực thăng tự chế và mơ đến một ngày chính phủ sẽ đặt hàng mình, thay vì mua máy bay của phương Tây.
Mubarak Muhammad Abdullahi chỉ vào chiếc trực thăng 4 chỗ ngồi sơn màu vàng cho biết: "Tôi đã mất 8 tháng để chế tạo nó". Chiếc trực thăng này đang đậu ở trường đại học Bayero Kano, miền bắc Nigeria, nơi anh theo học ngành vật lý và từng bay được 6 lần trong khoảng thời gian ngắn. Nó được lắp ráp từ những tấm nhôm mà anh mua bằng tiền tích cóp từ việc sửa chữa máy tính và điện thoại, cộng với "kinh phí tài trợ" của người cha.
Chiếc trực thăng sử dụng động cơ cũ 133 sức ngựa lấy từ chiếc xe Honda Civic. Các ghế ngồi thì được lấy từ một chiếc xe hỏng hiệu Toyota. Một số bộ phận trên trực thăng còn được tận dụng từ xác một chiếc máy bay hạng nặng Boeing 747 bị rơi gần thành phố Kano, vài năm trước.
Buồng lái của chiếc trực thăng tự chế gồm một nút bấm để khởi động động cơ, một cần tăng ga nằm giữa hai chiếc ghế phía trước và một chiếc cần điều khiển. Ngoài ra còn có một màn hình nhỏ kết nối với chiếc camera gắn bên dưới thân trực thăng để quan sát mặt đất khi bay, cùng một máy phát tín hiệu loại nhỏ phục vụ liên lạc.
"Nhà chế tạo trực thăng" Abdullahi ngồi trong buồng lái giải thích: "Bạn khởi động cho nó chạy khoảng một đến hai phút, rồi tăng cần ga về phía trước và cánh quạt phía trên sẽ bắt đầu quay. Tiếp theo bạn lại tăng thêm cần ga để cánh quạt quay nhanh hơn và khi đạt vận tốc 300 vòng/phút bạn nhấn cần điều khiển, nó sẽ cất cánh".
Chàng sinh viên cho biết đã học nguyên lý cơ bản của việc lái trực thăng trên Internet và nảy ra ý tưởng chế tạo cho riêng mình một chiếc sau khi xem phim. "Tôi xem phim hành động rất nhiều và tôi bị những chiếc trực thăng cuốn hút tâm trí. Tôi đi đến quyết định rằng chế tạo một chiếc trực thăng còn dễ hơn một cái xe hơi", Abdullahi cho biết.
Abdullahi đang ấp ỷ hy vọng rằng chính phủ Nigeria và những đồng bào giàu có của mình sẽ chuyển sang dùng máy bay của anh, chấm dứt các đơn đặt hành dành cho các nhà sản xuất trực thăng của phương Tây.
Tuy nhiên, chính phủ Nigeria không hề có ấn tượng gì đối với dự án chế tạo trực thăng của Abdullahi. Mặc dù một số quan chức tỏ ra rất hào hứng khi xem anh thực hiện bay biểu diễn ở bang Katsina, Cục hàng không dân dụng Nigeria (NCAA) vẫn không quan tâm đến chiếc trực thăng này.
Abdullahi thừa nhận chiếc trực thăng đầu tiên của mình còn thiếu "một số thiết bị cơ bản như máy đo áp suất không khí, độ cao và độ ẩm". Tuy nhiên, anh tuyên bố đang bắt tay vào chế tạo một thiết bị bay mới mà anh khẳng định "sẽ là sự cải tiến hoàn toàn từ mẫu đầu tiên về độ phức tạp và cấu trúc".
Hiện Abdullahi đã hoàn tất một bộ khung thép cho chiếc trực thăng "thế hệ mới" của mình có hai chỗ ngồi. Anh ước tính nó sẽ có thể bay cao khoảng 4,5 mét liên tục trong 3 tiếng. Chiếc trực thăng này sẽ sử dụng động cơ hoàn toàn mới lấy từ chiếc xe máy hiệu Jincheng do Đài Loan sản xuất, đang rất phổ biến ở thành phố Kano quê hương anh.
Theo Đình Chính
Vnexpress/AFP