1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chê" THAAD giá đắt, Nhật Bản có thể mua hệ thống phòng tên lửa Aegis

(Dân trí) - Nhật Bản đang nghiêng về phương án chọn phiên bản trên bộ của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, thay vì hệ thống THAAD đắt đỏ hơn, để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Truyền thông Nga cho rằng hệ thống cũng có thể được sử dụng để phóng tên lửa Tomahawk, khiến nó trở thành một mối đe dọa với Trung Quốc và Nga.


Hệ thống Aegis Ashore tại Romania (Ảnh: Navy.mil)

Hệ thống Aegis Ashore tại Romania (Ảnh: Navy.mil)

Reuters ngày 13/5 dẫn một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay Tokyo đã yêu cầu nghiên cứu khả thi về việc triển khai hệ thống Aegis Ashore - phiên bản trên bộ của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phát triển cho các tàu chiến - thay vì một hệ thống tiên tiến hơn là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mà Hàn Quốc lựa chọn, bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Ba nguồn tin từ chính phủ và 2 nguồn tin từ đảng cầm quyền cho biết chính phủ Nhật Bản đang nghiêng về Aegis Ashore vì nó có tầm bao phủ rộng hơn và giá rẻ hơn.

Nguồn tin trên cũng cho hay Nhật Bản có thể cần 6 đơn vị THAAD để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ nước này, với chi phí khoảng 6,6 tỷ USD. Trong khi đó, Aegis Ashore có giá khoảng 700 triệu mỗi bộ và chỉ cần 2 hệ thống là có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản.

Cả hai hệ thống phòng thủ trên đều do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Giá ước tính của Aegis Ashore dao động từ 618-706 triệu USD, trong khi một hệ thống THAAD có giá gần 1 tỷ USD.

Ngoài ra, việc lựa chọn Aegis Ashore cũng giúp giảm gánh nặng giám sát 24/24 đặt lên vai các tàu chiến được trang bị hệ thống Aegis của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về hệ thống mới trong những tháng tới, sau khi cử một nhóm công tác, có thể là trong tháng này, tới Hawaii, nơi các lực lượng Mỹ vận hành các cơ sở thử nghiệm của hệ thống Aegis Ashore.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hồi tháng 3 đã hối thúc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cân nhắc trang bị khả năng nhằm tấn công các căn cứ của đối phương, cụ thể là bằng việc mua các tên lửa hành trình, và tăng cường các hệ thống phòng tên lửa của Nhật Bản.

Hồi tháng 3, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa đạn đạo đồng thời, với 3 trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh của Nhật Bản. Sau vụ phóng, Tokyo đã gửi công hàm phản đối. Thủ tướng Abe khẳng định rằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất rõ ràng cho thấy bằng chứng về một mối đe dọa mới từ Triều tiên.

Nga, Trung Quốc có thể bất an

Mỹ hiện cũng đã triển khai các đơn vị Aegis Ashore ở phía đông châu Âu, một động thái mà Nga xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nga. Các hệ thống phóng mà Aegis sử dụng cùng loại với hệ thống được dùng để phóng các tên lửa hành trình Tomahawk.

Các nhà chiến lược quân sự Nga tin rằng hệ thống Aegis Ashore của Mỹ hiện đã đi vào hoạt động tại Romania có thể dễ dàng được chuyển đổi bí mật thành hệ thống phóng Tomahawk, với lãnh thổ Nga nằm trong tầm bắn. Mỹ bác bỏ các lo ngại của Nga, cho rằng chúng không có cơ sở.

Theo RT, các hệ thống Aegis Ashore tại Nhật Bản, nếu được sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk, có thể đặt khu vực ven biển của Trung Quốc cũng như các vùng Sakhalin và Primorsky Kray của Nga vào tầm bắn.

Trước đó, việc Hàn Quốc triển khai THAAD đã gây ra phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh, vốn xem hệ thống là mối mối đe dọa an ninh.

Trong chiến dịch tranh cử, Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói ông có thể cân nhắc lại về thỏa thuận THAAD.

An Bình