1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chế độ đa thê quay trở lại Indonesia

(Dân trí) - Hôm 23-12, hàng ngàn phụ nữ Indonesia trong bộ áo lễ của Đạo hồi đã tiến hành biểu tình trên các đường phố ở Thủ đô Jakarta để ủng hộ chế độ đa thê đang trở lại nước này.

Đa thê là một truyền thống xưa cũ ở quần đảo Indonesia. Tục lệ cổ xưa này khá thịnh hành, được nền Cộng hòa chấp nhận nhưng không được hưởng vị thế như hôn nhân một vợ một chồng. Luật pháp cho phép những người Hồi giáo làm lễ cưới 4 lần ở đền thờ Hồi giáo nhưng về mặt pháp lý chỉ đám cưới đầu tiên được công nhận.

Chế độ đa thê vốn chỉ được áp dụng cho những công chức, các vị bộ trưởng , thống đốc, quân nhân và binh lính, được bí mật duy trì trong những năm 1970 - 1980, giờ đang quay trở lại do đạo Hồi ngày càng có vị thế trong xã hội. Người ta rất hay nhìn thấy hình ảnh Cựu phó Tổng thống Hamzah Haz, một tín đồ Hồi giáo phe bảo thủ cùng với 3 người vợ trên các tờ tạp chí. Ông này tuyên bố: "Chế độ đa thê đảm bảo cho những người phụ nữ nghèo túng được bảo vệ".

 

Tháng trước, ông Abdullah Gymnastiar, một nhà thuyết giáo theo đạo Hồi rất được lòng dân đã làm lễ cưới với người phụ nữ thứ 2. Ông này quan niệm, nhiều vợ sẽ đem lại cho người ta 3 điều lợi: Người đàn ông không cần phải duy trì các mối quan hệ ngoài chồng ngoài vợ, nhiều phụ nữ có thể hưởng những vật chất tiện nghi và cán cân dân số vốn nghiêng về nữ giới sẽ cân bằng trở lại.

 

Khi khích lệ tất cả những người đàn ông Hồi giáo Indonesia hãy noi gương mình, nhà truyền giáo đã khiến những người theo phong trào nữ quyền vô cùng phẫn nộ. Những người này đã ngay lập tức kêu gọi Chính phủ phải đề ra luật cấm chế độ đa thê.

 

Ngược lại, rất nhiều phụ nữ trong các bộ áo lễ màu trắng của đạo hồi Indonesia đã tuần hành trên các đường phố ở Thủ đô Jakarta, đem sự ủng hộ đến với ông Abdullah Gymnastiar khi hô vang khẩu hiệu: "Chúng tôi ủng hộ chế độ đa thê".

 

Với những người theo chủ nghĩa nữ quyền thi chế độ đa thê là hậu quả của sự Hồi giáo hóa xã hội sâu sắc và là sự trở lại của một truyền thống cổ hủ đã có từ 30 năm trước.

 

Siti Musdah Mulia,  một bậc thầy xã hội học, đại diện cho Phong trào nữ quyền đã phản đối kịch liệt chế độ này. Bà cho rằng đây là một nhân tố phân biệt đối xử: "Trẻ em sinh ra từ những đám cưới không chính thống đều không được hưởng một chế độ bảo vệ nào hết. Các em bị đặt dưới mong muốn và sở thích của những người cha. Những ông bố có thể đuổi, truất quyền thừa kế thậm chí là bóc lột các em"

 

Trước đó, bà đã cho trình chiếu bộ phim có nhan đề "Chia sẻ chồng bạn". Bộ phim do Pháp và Indonesia hợp tác sản xuất đã dẫn đầu bảng trong Liên hoan phim Canne năm ngoái. Phim kể về 3 người đàn ông ở các tầng lớp xã hội khác nhau nhưng lại giống nhau ở quan điểm ủng hộ chế độ đa thê. Nữ đạo diễn Nia Dinata cho biết: "Bộ phim đã rất thành công ở Thủ đô Jakarta vì ở đây phần lớn dân số theo đạo Hồi, họ đều ủng hộ quan niệm này".

 

Theo nữ đạo diễn  Nia Dinata  thì chế độ này sẽ kéo theo hậu quả là bạo lực gia đình tăng lên. Đây là một quan niệm phong kiến của các cặp vợ chồng và của xã hội. Nhưng người phụ nữ lấy chồng không phải là để được bảo vệ mà là để được sống với người đàn ông mà mình yêu thương. Vì thế tình yêu không thể chia sẻ được".

 

Indonesia là một đất nước có tới 85% trong tổng số 230 triệu dân theo đạo Hồi. Theo thống kê có khoảng 10% dân số Indonesia hưởng ứng chế độ này nhưng với phần đông phụ nữ thì đó là một sự chịu đựng trong im lặng vì họ sợ bị coi là những tín đồ Hồi giáo xấu xa.

 

HH
Theo Le Figaro