Châu Âu yêu cầu họp khẩn về Iran
Anh, Pháp và Đức dự định đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thảo luận khẩn cấp vấn đề hạt nhân của Iran, bước đi đầu tiên có thể đưa tới các biện pháp trừng phạt quốc gia vùng Vịnh.
Theo đề nghị này, IAEA sẽ họp vào ngày 2 – 3/2, sớm hơn 1 tháng so với lịch trình.
Mỹ, Anh, Pháp và Đức tìm cách thuyết phục Nga và Trung Quốc ủng hộ một quan điểm cứng rắn về Iran. 6 nước có cuộc họp kín ở London hôm qua. Sau buổi họp, Bộ Ngoại giao Anh cho biết các quốc gia đã nhất trí rằng Iran phải ngừng việc nghiên cứu hạt nhân ngay lập tức.
Mỹ, Anh, Pháp và Đức muốn Liên Hợp Quốc cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Trước cuộc gặp kín 6 nước ở London, Ngoại trưởng Anh Jack Straw nhận xét: “Gánh nặng đặt lên vai Iran phải hành động để cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng rằng chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn phục vụ những mục đích hòa bình”. Ông nhận xét lòng tin của phương Tây “đã bị xói mòn bởi những sự giấu giếm và lừa gạt”.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin ám chỉ rằng một biện pháp thỏa hiệp về chương trình hạt nhân của Iran vẫn còn có khả năng đạt được. Tổng thống nhận xét rằng Iran vẫn chưa bác bỏ đề xuất của Moscow về việc Nga làm giàu uranium cho chương trình hạt nhân của quốc gia vùng Vịnh. Đây là đề xuất mà phương Tây cũng tán thành, vì nó sẽ khiến Iran khó tự sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tại cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Moscow, Putin phát biểu: "Chúng ta cần phải hành động rất thận trọng". Tuy nhiên, ông cũng bình luận rằng quan điểm của Nga đối với Iran "rất gần" với EU và Mỹ.
Trong một động thái mang tính hòa giải, đại sứ Iran ở Moscow cũng lên tiếng ca ngợi đề xuất về làm giàu uranium của Nga.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei – cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc – bình luận ông không thể xác nhận rằng chương trình của Iran nhằm mục đích hòa bình.
Phương Tây tin rằng có thể thuyết phục Moscow chấp nhận quan điểm của họ, bất chấp những khoản đầu tư lớn của Nga vào ngành công nghiệp hạt nhân ở Iran. Nhưng Trung Quốc vẫn tỏ ra hết sức dè dặt với phương án đe dọa trừng phạt. “Tất cả các bên cần tỏ ra kiềm chế và giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua thương thuyết”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố hôm qua.
Các cuộc thảo luận cấp cao khác diễn ra song song với hội đàm ở London. Người phụ trách ngoại giao EU Javier Solana gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan tại New York, còn ông ElBaradei thì tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Joseph ở Vienna.
Iran tuyên bố họ sẽ không lùi bước trước sức ép của quốc tế và cảnh báo việc đe dọa trừng phạt có thể dẫn tới giá dầu tăng. Iran là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 4 thế giới. Giá dầu ở London hôm qua tăng đến gần 63 USD/thùng. Ngoài vấn đề Iran, bạo lực tại quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Nigeria cũng được coi là một nguyên nhân.
Ngoại trưởng Ảrập Xê-út Saud al-Faisal nhận xét rằng phương Tây phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng vì đã cho phép Israel phát triển kho vũ khí hạt nhân. Ông nhận xét vũ khí hạt nhân không đem lại lợi ích cho ai, và kêu gọi một khu vực phi hạt nhân ở vùng Vịnh.
Theo M.C.
Vnexpress/BBC