Châu Âu trông đợi gì ở chuyến thăm của Tổng thống Obama?
(Dân trí) - Giữa lúc chính quyền Washington tập trung nỗ lực cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á, chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Obama được kỳ vọng là tín hiệu cho thấy Mỹ không thờ ơ trước cuộc khủng hoảng bên kia bờ Đại Tây Dương.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không ngừng đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á, cố gắng đứng ngoài những rối ren tại Trung Đông, tái khởi động quan hệ với các nước Mỹ Latinh, tăng cường hợp tác với châu Phi. Trong khi đó tại châu Âu, Nhà Trắng hầu như ít can dự với hy vọng các đồng minh tại đây có thể tự ứng phó được các thách thức.
Tuy nhiên, hy vọng đó có vẻ đã không thành hiện thực. Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng và nhiều quan chức Mỹ tin rằng khi ông Obama có bài phát biểu tại Hanover, Đức vào hôm nay (25/4), đó sẽ là bài phát biểu phải bao quát toàn châu Âu. Lục địa già đang phải đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, khủng hoảng người di cư cùng các câu hỏi về sự tồn tại của Liên minh châu Âu.
Bài phát biểu đó cũng sẽ đánh dấu sự chuyển biến trong cách suy nghĩ của ông Obama - giữa lúc nhiều nhà ngoại giao châu Âu đang tỏ ra không hài lòng khi họ cho rằng ông chủ Nhà Trắng đã không dành sự chú ý cần thiết cho châu lục này. Ngay cả một số cộng sự của Obama cũng thừa nhận rằng châu Âu đôi khi bị lu mờ trước những ưu tiên khác trong chính sách đối ngoại của ông Obama, như thỏa thuận hạt nhân Iran hay quan hệ với Trung Quốc.
Chuyến đi của ông Obama là một cách “phát đi tín hiệu rằng ông không hề thờ ơ trước những gì diễn ra tại châu Âu”, Peter Wittig, Đại sứ Đức tại Mỹ trả lời trang Politico.
Mặc dù ông Obama đã làm việc chặt chẽ với các lãnh đạo châu Âu về nhiều vấn đề then chốt, như Iran hay cuộc không kích tại Libya năm 2011, cho đến gần đây ông vẫn không xem diễn biến chính trị tại châu Âu là ưu tiên hàng đầu.
Ông Obama đến văn phòng với ý nghĩ rằng “châu Âu phải nhìn nhận bản thân là một đối tác của Mỹ, thay vì để Mỹ phải lo lắng cho an ninh của châu Âu - vốn đã là điều khiến Mỹ lao tâm khổ tứ suốt một thế kỷ”, Dan Hamilton, một cựu quan chức Bộ ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton nói.
Nhưng với việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang khiến châu Âu tổn thương từ bên trong, trong khi Nga bị cho là đang đe dọa từ bên ngoài, có vẻ như châu Âu sẽ lại khiến Washington phải bận tâm. Trong bài phát biểu tại thành phố Hanover, Obama sẽ phải nhấn mạnh sự cần thiết của một EU mạnh mẽ, cả với tư cách một cường quốc kinh tế và nguồn lực đảm bảo an ninh chung.
Ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ kêu gọi châu Âu mở vòng tay với làn sóng người tị nạn khổng lồ đang tràn vào từ Trung Đông và châu Phi - một vấn đề đã khiến cá nhân ông Obama rất quan tâm.
Cả hai vấn đề trên đều sẽ nằm trong chương trình nghị sự ngày thứ Hai, khi ông Obama gặp gỡ nhiều lãnh đạo châu Âu gồm: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Tổng thống Pháp François Hollande.
Trong khi đó, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, và cố vấn An ninh Nội địa Lisa Monaco sẽ ngồi lại với các quan chức châu Âu để bàn về mối đe dọa từ IS.
Ngoài ra, đại diện cấp cao về thương mại của ông Obama, ông Michael Froman, cũng sẽ hướng tới mục tiêu thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với EU. Brussels vẫn muốn hoàn tất ký kết TTIP trước khi ông Obama mãn nhiệm. Lâu nay, đàm phán TTIP diễn ra chậm chạp bởi nỗ lực của Mỹ trong việc đạt được Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù vậy TTIP vẫn sẽ là một trong những thỏa thuận thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới nếu được thông qua.
Các cố vấn cả hiện tại và đã mãn nhiệm của ông Obama khẳng định họ chưa bao giờ lãng quên châu Âu, và lưu ý rằng họ đã phải nhận lấy một loạt những mối quan hệ bị tổn thương nghiêm trọng của chính quyền tiền nhiệm. Cựu Tổng thống George W. Bush từng khiến nhiều chính phủ châu Âu tức giận, khi tuyên bố những nước như Đức hay Pháp là “một châu Âu cũ kỹ”.
“Sau thời kỳ của Bush và cuộc khủng hoảng quan hệ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất thời hậu chiến do vấn đề Iraq, kỳ vọng của châu Âu vào Obama là rất cao và do đó không thể đáp ứng”, Philip Gordon, nguyên cố vấn cấp cao của ông Obama về châu Âu cho biết. “Tất nhiên Obama dành rất nhiều thời gian cho Trung Đông và châu Á, cũng như những hậu quả từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sẽ là vô trách nhiệm nếu không làm vậy. Nhưng tôi không nghĩ ai đó có thể tranh luận rằng Obama “phớt lờ” châu Âu, ông Gordon nhấn mạnh.
Thanh Tùng
Theo Politico