1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu ra mặt bênh Thổ Nhĩ Kỳ trước “cú đâm sau lưng” của Mỹ

Châu Âu đã bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này tác động tới hệ thống kinh tế Châu Âu do đòn trừng phạt của Mỹ.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: Dailysabah.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: Dailysabah.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 13/8 đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến kinh tế đối với toàn bộ thế giới, đồng thời cho biết, quyết định của Mỹ áp đặt rào cản thuế quan đối với nước này là “một cú đâm dao sau lưng”.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố Trabzon (Thổ Nhĩ Kỳ) nằm trên bờ Biển Đen, Tổng thống Erdogan cho biết: “Mục tiêu trong chiến dịch của Mỹ là khiến Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng trong mọi lĩnh vực từ tài chính đến chính trị. Chúng ta lại một lần nữa phải đối mặt với âm mưu gây bất ổn về chính trị, nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua được khó khăn này”.

Ông Erdogan đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh Ankara đang rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính nghiêm trọng, với việc đồng lira lao xuống mức thấp kỷ lục. Điều này làm dấy lên lo ngại về chính sách kinh tế của chính phủ và những căng thẳng ngoại giao trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất ổn kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải gánh chịu nhiều khó khăn về kinh tế kể từ đầu năm 2018 với lạm phát ngày càng gia tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức khổng lồ. Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến những tranh cãi giữa Washington và Ankara về vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Brunson.

Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Twitter ngày 10/8, khi tiết lộ sẽ tăng thuế nhập khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ lên 50% và tăng thuế nhập khẩu nhôm lên 20%, ông Donald Trump cho biết: “Mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại không được tốt”.

Ngay sau động thái của ông Trump, thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phản ứng tồi tệ. Đồng lira mất giá hơn 20% so với đồng USD. Để khôi phục niềm tin đối vơi hệ thống tiền tệ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi người dân nước này bán vàng và USD để hỗ trợ tỷ giá đồng lira đang trượt dốc thảm hại. “Đừng quên điều này: nếu họ có đồng USD, chúng ta có người dân, công lý và Chúa”, ông Erdogan tuyên bố.

Trước đó, các số liệu chính thức cho biết, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức 15,9% trong tháng 7 vừa qua, và nợ công tăng cao ở mức nguy hiểm. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 từ mức 5,5% xuống còn 4%. Theo Cơ quan Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà sản xuất thép lớn thứ 6 thế giới và cũng là nhà xuất khẩu lớn về nhôm. Tuy nhiên nước này đã trượt top 15 nhà xuất khẩu nhôm của thế giới.

Châu Âu ra mặt bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ

Mối quan hệ kinh tế và chính trị lâu dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Châu Âu đã khiến nhiều nước Châu Âu lên tiếng phản đối biện pháp trừng phạt về kinh tế của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Các bộ trưởng và quan chức chính phủ Đức và Italy đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Đức Angiela Merkel ngày 13/8 cho biết, bà muốn thấy sự thịnh vượng về kinh tế tại quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh không một bên nào có lợi khi Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế. Phát biểu với tờ Bild am Sonntag cuối tuần qua, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump.

“Cuộc chiến thương mại đã kìm hãm và phá hủy sự tăng trưởng kinh tế, tạo ra những bất ổn mới. Những kinh nghiệm từ quá khứ đã chỉ ra rằng người tiêu dùng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này vì giá cả các sản phẩm đang trở nên đắt đỏ hơn. Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp cho sự an ninh và ổn định tại Châu Âu, chúng ta cũng đang hợp tác rất tốt với nước này về vấn đề di cư”. Theo ông Peter Altmaier, Đức sẽ tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến, ông Altmaier cùng với phái đoàn danh nghiệp Đức gồm 80 thành viên sẽ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 25 và 26/10 để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Il Foglio hôm thứ bảy (11/8), Ngoại trưởng Italy Enzo Moavero Milanesi cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với sự cân bằng tài chính tại khu vực Địa Trung Hải. “Tôi cho rằng đó là điều rất quan trọng để giữ sự đoàn kết với một đối tác quan trọng trong việc duy trì cân bằng về thương mại và tại chính ở Địa Trung Hải. Tất cả các nước Châu Âu cần phải duy trì hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Giới quan sát cho rằng, việc Châu Âu bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ cũng là điều dễ hiểu bởi quốc gia này là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Châu Âu. Trong khi đó Châu Âu là đối tác xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, trong bối cảnh niềm tin đối với Tổng thống Erdogan và hệ thống tiền tệ của Thổ Nhỹ Kỳ sụt giảm, Châu Âu nơm nớp lo lắng về việc liệu rằng họ có thể thu hồi các khoản nợ của Thổ Nhĩ Kỳ hay không

Truyền thông Châu Âu ngày 10/8 cho biết, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang lo lắng về các nhánh ngân hàng phía nam Châu Âu, vốn cho Thổ Nhỹ Kỳ vay rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu của nhóm ngân hàng này có thể gặp rủi ro.

Theo Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng Tây Ban Nha đang cho các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ vay $83,3 tỷ USD, Pháp cho vay 38,4 tỷ USD và Italy cho vay 17 tỷ USD. Các nhà quản lý tại châu Âu lo rằng đồng lira suy yếu sẽ dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ vỡ nợ nước ngoài. Ông Carsten Hesse, nhà kinh tế học châu Âu tại Berenberg, nhấn mạnh, một số ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) đang chịu áp lực lớn do vốn của họ có liên quan trực tiếp đến các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN