Châu Âu quyết mạnh tay với nạn mua bán “hộ chiếu vàng” của giới siêu giàu | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu quyết mạnh tay với nạn mua bán “hộ chiếu vàng” của giới siêu giàu

An Bình

(Dân trí) - Sau cuộc điều tra gây rúng động của hãng Al Jazeera về các vụ mua bán hộ chiếu Síp của giới siêu giàu, châu Âu đang xem xét hành động mạnh tay với các chương trình đổi tiền lấy thị thực và hộ chiếu.

Châu Âu quyết mạnh tay với nạn mua bán “hộ chiếu vàng” của giới siêu giàu - 1

(Ảnh minh họa: Financial Mirror)

Chuyện ở Síp

Al Jazeera ngày 26/8 dẫn lời Cao ủy tư pháp của Liên minh châu Âu Didier Reynders tuyên bố, ông đang xem xét khả năng hành động pháp lý đối với Cộng hòa Síp về chương trình cấp thị thực thông qua đầu tư của quốc đảo này - được gọi là “hộ chiếu vàng”.

Ông cũng kêu gọi các thay đổi trên khắp châu Âu đối với các chương trình tương tự, nhấn mạnh rằng ông ủng hộ loại bỏ hoàn toàn các chương trình này.

Ông Reynders cho biết, ông đã đề nghị cơ quan pháp lý của Ủy ban tư pháp châu Âu “phân tích về việc liệu trong một khung pháp lý chúng tôi có thể xem một quy trình vi phạm hoặc đi kèm với một đề xuất lập pháp”.

Quan chức trên nói thêm rằng ông muốn nhìn thấy một số hành động từ Liên minh châu Âu về một luật mới, nhưng trách nhiệm chính thuộc về giới chức Síp.

“Sau cuộc điều tra mới nhất và một số cuộc điều tra khác trong quá khứ, điều đầu tiên là phải đảm bảo rằng một số cuộc điều tra từ hệ thống tư pháp ở cấp quốc gia. Nhiệm vụ của hệ thống tư pháp tại Síp là phân tích tình hình và giới chức Síp có thể phải tước quốc tịch”, ông nói.

Các bình luận trên diễn ra sau một cuộc điều tra của Al Jazeera cho thấy Síp đã bán hộ chiếu cho các phần tử tội phạm, những người chạy trốn hoặc những thành phần bị xem là nguy cơ tham nhũng cao.

Các tài liệu mà Al Jazeera thu thập được, bao gồm gần 1.500 đơn cấp hộ chiếu có tên của trên 2.400 người, cho thấy Síp đã không thực hiện thẩm định chặt chẽ đối với hàng chục trường hợp, qua đó để lọt các phần tử tội phạm và những người bị cấm vận quốc tế mua hộ chiếu vào quốc gia vốn là thành viên của Liên minh châu Âu.

Trong danh sách những người được cấp hộ chiếu Síp cho hơn 1.000 người Nga, trên 500 công dân Trung Quốc và hơn 350 người từ các nước Ả rập.

Ngày càng có những lo ngại về cái gọi là chương trình hộ chiếu vàng, mà một phái đoàn của nghị viện châu Âu từng miêu tả là có nguy cơ “nhập khẩu tội phạm và hoạt động rửa tiền vào toàn bộ khối EU”. 

Châu Âu quyết mạnh tay với nạn mua bán “hộ chiếu vàng” của giới siêu giàu - 2

Síp trở thành điểm đến cho những người siêu giàu, trong đó có các phần tử phạm tội tham nhũng, rửa tiền (Ảnh: Getty)

Có những lo ngại rằng cái gọi là hộ chiếu vàng có thể là cửa sau để các băng nhóm tội phạm và các quan chức chính phủ vào châu Âu để rửa những khoản tiền lớn hoặc trốn thuế. 

Síp gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004. Các công dân EU có

Việc mua bán hộ chiếu đã trở thành một thị trường toàn cầu lớn cho những cá nhân giàu có đang tìm kiếm các mức thuế thấp, giáo dục ưu việt hay chạy trốn vì các lý do chính trị. 

thể dễ dàng đi lại tự do, sinh sống và làm việc tại 27 quốc gia thành viên của khối mà không gặp các trở ngại hành chính như các công dân ngoài khối. 

Theo BBC, trong thời gian từ 2008 đến 2018, Síp đã cấp quốc tịch cho 1.685 nhà đầu tư và 1.651 thành viên gia đình của họ. Mặc dù vậy vào tháng 11/2019, Síp đã loại bỏ 26 nhà đầu tư khỏi chương trình hộ chiếu vàng vì các “sai sót” trong quá trình xử lý đơn xin cấp hộ chiếu. 

Chuyện ở Malta

Chính phủ Malta đã bắt đầu mở chương trình hộ chiếu vàng vào năm 2014 để thu hút đầu tư và các cá nhân giàu. Để có được hộ chiếu, các đương đơn phải đóng góp: 650.00 euro vào một quỹ phát triển quốc gia, 150.000 euro vào thị trường chứng khoán Malta hoặc cổ phiếu, mua một bất động sản trị giá ít nhất 350.000 euro. Tổng các khoản này là 1.150.000 euro. 

Các đương đơn phải có tình trạng cư trú trên 12 tháng, mặc dù không không nhất thiết phải thực sự sống ở đó.

BBC hồi cuối năm ngoái đưa tin, có 833 nhà đầu tư và 2.109 thành viên gia đình đã nhận được hộ chiếu Malta kể từ khi chương trình hộ chiếu vàng được khởi động. 

Hộ chiếu Malta cũng cho phép người sở hữu đi lại tự do mà không cần thị thực tới các quốc gia châu Âu, vì Malta là một thành viên của hiệp ước Schengen. 

Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2017 đến giữa 2018, chương trình đã thu được hơn 162 triệu euro, tương đương 1,38% GDP của Malta trong giai đoạn đó. 

Các quốc gia nhỏ như Malta có động lực rõ ràng nhằm mở các chương trình như vậy để thu hút những khoảng đầu tư lớn. Nhiều quốc gia nhỏ ngày càng trở nên phụ thuộc vào thu nhập tạo ra từ những chương trình như vậy. 

Chính phủ Malta không cung cấp thông tin về quốc gia xuất xứ của những người xin cấp “hộ chiếu vàng” mà chỉ cung cấp thông tin theo khu vực. 

Châu Âu là khu vực xuất xứ phổ biến nhất của những người xin cấp hộ chiếu tại Malta, tiếp đến là Trung Đông và khu vực vùng Vịnh, và châu Á. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU có nghĩa vụ phải công bố số người nhập quốc tịch hàng năm. 

Sau khi chương trình “hộ chiếu vàng” được mở tại Malta vào năm 2014, số lượng các công dân nhập tịch từ Ả rập Xê út, Nga và Trung Quốc đã tăng mạnh. Ví dụ, Ả rập Xê út không có công dân nhập tịch nào tại Malta trước năm 2015, nhưng kể từ đó đã có hơn 400 người. 

Có các lý do hợp pháp để xin hộ chiếu khác, nhưng cũng có các cáo buộc rằng chương trình của Malta đã bị lợi dụng. Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một báo cáo vào tháng 1/2019 nói rằng ủy ban này có những lo ngại về chương trình của Malta, vốn “ít chặt chẽ hơn” các quốc gia EU khác. 

Ví dụ, các đương đơn không bắt buộc phải sinh sống thực tế và cũng không có yêu cầu về các mối liên hệ trước với Malta. 

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố một báo cáo vào năm 2018, trong đó đưa Malta vào danh sách đen vì nguy cơ trốn thuế do chương trình hộ chiếu vàng. Chính phủ Malta cho biết nước này đã xem xét kỹ tất cả các đương đơn và những người có ảnh hưởng chính trị. 

Châu Âu quyết mạnh tay với nạn mua bán “hộ chiếu vàng” của giới siêu giàu - 3

Chương trình hộ chiếu vàng của Malta cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì mở cửa cho một số nhân vật có lý lịch không trong sạch (Ảnh: Getty)

BBC hồi năm ngoái đưa tin, doanh nhân Malaysia Jho Low, người bị truy nã vì liên quan tới vụ bê bối đầu tư quốc gia quy mô lớn, đã bị phát hiện có hộ chiếu của Síp. 

Financial Times cho biết, ông Low từng mua một bất động sản trị giá 5 triệu euro tại khu nghỉ dưỡng Ayia Napa ở Síp vào năm 2015. Ông Jow là một nhân vật trung tâm trong vụ 1MDB - vụ bê bối toàn cầu khiến hàng tỷ USD biến mất khỏi một quỹ quốc gia của Malaysia. 

"Cơn đau đầu" của châu Âu

Euractiv, trang tin chuyên các chủ đề liên quan EU, hồi tháng 3/2020 dẫn một báo cáo mới cho biết, các chương trình mua quốc tịch và thị thực cư trú vẫn rất phổ biến trên khắp khối EU. Báo cáo này đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EU) đưa ra các quy định nhằm loại bỏ các hộ chiếu vàng, đồng thời có hành động đối với các chính phủ vận hành các chương trình vi phạm luật pháp của khối. 

Theo báo cáo của Global Witness, một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng quốc tế, tính tới hè năm 2019, các chương trình mua thị thực vẫn tồn tại trên khắp 20 quốc gia thành viên EU. Ba quốc gia là Malta, Síp và Bulgaria tiếp tục đổi hộ chiếu lấy các khoản đầu tư lớn. 

“Điều này khiến toàn bộ khối EU đối mặt với các nguy cơ nghiêm trọng về tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, cũng như đe dọa an ninh của khối”, Euractiv dẫn lời chuyên gia Tina Mlinaric, một nhà hoạt động của Global Witness. 

“Các chương trình này bị bao trùm trong sự bí mật, vì vậy ảnh hưởng chỉ được biết đến khi các vụ bê bối gây xôn xao mặt báo, đồng nghĩa với việc tính cấp bách của vấn đề đang bị phớt lờ”, Mlinaric nói thêm. 

Hồi tháng 1 năm ngoái, EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên thắt chặt việc kiểm tra đối với các quốc gia ngoài khối xin cấp hộ chiếu thông qua đầu tư. Tuy nhiên, cho tới nay chưa hành động quyết liệt nào được thực thi.

Các nghị sĩ Bulgaria hồi tháng 3 năm nay đã giới thiệu một dự luật cho phép các công dân nước ngoài sở hữu hộ chiếu nếu đầu tư ít nhất 500.000 euro và tạo ra 20 việc làm mới, bất chấp các kế hoạch được Bộ Tư pháp nước này công bố hơn 1 năm trước đó nhằm chấm dứt chương trình hộ chiếu vàng. 

Giới chức Malta cho tới nay cũng chưa có những thay đổi về chương trình hộ chiếu vàng, dù có những kêu gọi từ nghị viện châu Âu và một nghiên cứu cho thấy phần lớn người dân nước này không ủng hộ chương trình. 

Bồ Đào Nha là một trong số các quốc gia châu Âu cấp nhiều thị thực vàng nhất, với hơn 22.000 thị thực kể từ năm 2012, thu về 5 tỷ euro. Sau các thông tin nói rằng chương trình này góp phần đẩy giá nhà đất và giá thuê nhà leo thang tại thành phố Lisbon và Porto, giới chức đã phải hành động nhằm đưa ra các hạn chế về địa lý. 

Tuy nhiên, phân tích cho thấy các biện pháp đó không góp phần giải quyết trực tiếp các nguy cơ về tham nhũng và rửa tiền. 

Hơn nữa, hồi tháng 1 năm nay, Bồ Đào Nha còn giới thiệu một chương trình đầu tư lấy quyền cư trú mới, một chương trình “thị thực xanh” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo và các dự án môi trường khác. Những người chỉ trích cho rằng điều này cho thấy các rủi ro tiềm tàng từ chương trình thị thực du lịch vẫn không được quan tâm. 

Cho tới nay, phản ứng từ Ủy ban châu Âu chỉ giới hạn ở việc thiết lập một nhóm các chuyên gia có nhiệm vụ phát triển bộ hướng dẫn và kiểm tra an ninh chung cho khối. Lần đầu tiên hồi năm ngoái, EU đã gọi các chương trình thị thực vàng là mối đe dọa “lớn” trong báo cáo 2 năm một lần về rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Hồi tháng 12 năm ngoái, Cao ủy tư pháp Liên minh châu Âu Didier Reynders đã phát biểu trước quốc hội nước này rằng mặc dù việc cấp hộ chiếu là chuyện riêng của các quốc gia thành viên nhưng các quyền lợi và điều kiện của hộ chiếu châu Âu “không nên bị các chương trình đầu tư đầy rủi ro của các quốc gia thành viên lợi dụng”. 

Ủy ban sẽ “xem xét xem liệu có cần đưa luật để chiến đấu với sự lạm dụng hộ chiếu vàng và liệu chúng ta có phải đưa ra các quy trình để nhận dạng sự vi phạm hay không”, quan chức trên cho biết.