Châu Âu phóng thành công vệ tinh Galileo vào quỹ đạo
(Dân trí) - Ngày 12/10, một tên lửa Soyuz của châu Âu đã được phóng thành công vào quỹ đạo mang theo 2 vệ tinh Galileo. Đây được xem như bước đi thành công đầu tiên mở ra cơ hội xây dựng mạng định vị toàn cầu mới, cạnh tranh với GPS của Mỹ.
Vụ phóng trên được thực hiện lúc 15 giờ 15 phút giờ địa phương (tức 18 giờ 15 giờ quốc tế) tại căn cứ vũ trụ Kourou, Guiana của Pháp. Sau hành trình kéo dài 3 giờ 45 phút, các vệ tinh nặng 700 kg đã được đưa vào quỹ đạo thành công.
Đây chính là các vệ tinh đầu tiên của hệ thống định vị Galileo được châu Âu bắt đầu triển khai từ ngày 21/10/2011. Thông thường để hình thành một hệ thống định vị mặt đất hoàn chỉnh có thể cung cấp các thông tin kinh độ, vĩ độ và độ cao của một địa điểm nào đó sẽ cần ít nhất 4 vệ tinh.
Với hệ thống Galileo, số lượng vệ tinh dự tính được phóng lên quỹ đạo sẽ lên tới 30, nhiều gấp 5 lần số lượng vệ tinh mà Mỹ đang sử dụng cho hệ thống GPS. Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu, đến năm 2015, sẽ có 18 hệ tinh Galileo được đưa vào không gian, đủ để bắt đầu triển khai dịch vụ này một cách rộng rãi. Đến năm 2020 toàn bộ các vệ tinh còn lại sẽ vào quỹ đạo.
Hệ thống này được cho rằng sẽ cung cấp thông tin chính xác tới từng mét, cao hơn rất nhiều hệ thống GPS hiện nay. Hiện GPS đang được Mỹ nâng cấp sau khi đi vào hoạt động từ năm 1995 và độ chính xác của nó dao động trong khoảng 3-8m.
Theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu, đến năm 2015, chi phí cho hệ thống Galileo sẽ vào khoảng 5 tỷ euro.
Thanh Tùng
Theo AFP