Châu Âu như "ngồi trên đống lửa" khi Nga, Mỹ thảo luận về chiến sự Ukraine
(Dân trí) - Châu Âu bày tỏ sự lo ngại khi họ chưa được tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
![Châu Âu như ngồi trên đống lửa khi Nga, Mỹ thảo luận về chiến sự Ukraine - 1 Châu Âu như ngồi trên đống lửa khi Nga, Mỹ thảo luận về chiến sự Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/D6O374oOKZ_ExcTAxcHLKp2dgnQ=/thumb_w/1020/2025/02/13/trump-putingetty-1704951924257-1706601628708-1739455151607.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2018 (Ảnh: AFP).
Các quốc gia châu Âu lo ngại rằng họ sẽ phải gánh vác chi phí an ninh và tái thiết Ukraine sau chiến sự, trong khi vẫn ở ngoài lề các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về việc chấm dứt cuộc xung đột, Financial Times cho biết hôm 13/2.
Theo báo Anh, các quan chức châu Âu dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ yêu cầu châu Âu tài trợ cho việc tái thiết Ukraine và triển khai quân đội gìn giữ hòa bình mà không có sự tham gia của Mỹ.
Telegraph trước đó đưa tin rằng, một trong những kế hoạch hòa bình do ông Trump đề xuất bao gồm việc kêu gọi lực lượng Anh và các nước châu Âu khác thiết lập vùng đệm dọc theo tiền tuyến.
Ông Trump đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 12/2, sau đó tuyên bố rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu "ngay lập tức" và một lệnh ngừng bắn sẽ diễn ra trong "tương lai không xa".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết việc Ukraine giành lại biên giới năm 2014 là khó xảy ra và kịch bản Kiev gia nhập NATO là "bất khả thi". Lập trường này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo châu Âu.
Cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi một "nền hòa bình công bằng", nhấn mạnh rằng Ukraine, châu Âu và Mỹ phải hợp tác cùng nhau.
Chính trị gia Estonia Marko Mihkelson cảnh báo rằng "ngày hôm nay có thể đi vào lịch sử như một ngày đen tối của châu Âu", đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động nhanh chóng.
Bloomberg Economics ước tính rằng việc đảm bảo an ninh cho Ukraine và mở rộng lực lượng quân sự châu Âu có thể khiến các cường quốc EU phải chi thêm 3.100 tỷ USD trong thập niên tới.
Các quan chức an ninh cảnh báo rằng nếu phương Tây không răn đe được Nga, căng thẳng với Moscow có thể ngày càng leo thang, dẫn tới sự suy yếu hoặc thậm chí phá vỡ EU và NATO.
"Các đời Tổng thống Mỹ trước đây đều hiểu rằng an ninh xuyên Đại Tây Dương mang lại lợi ích cho cả Mỹ và châu Âu. Có vẻ như ông Trump nghĩ ông ấy biết rõ hơn. Lịch sử sẽ phán xét quyết định này", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với Bloomberg.
Các quan chức châu Âu được cho là đã bị bất ngờ trước việc ông Trump trực tiếp đàm phán với ông Putin, khi các đồng minh quan trọng không được thông báo trước, theo Bloomberg.
Điện Kremlin xác nhận họ đã bắt đầu thành lập phái đoàn đàm phán với Mỹ, sau khi ông Putin và ông Trump nhất trí chuẩn bị cho một cuộc gặp trực tiếp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, cuộc điện đàm ngày 12/2 giữa ông Putin và ông Trump diễn ra mà không có sự phối hợp với châu Âu và điều này chứng tỏ rằng "thời của họ đã qua".
"Châu Âu không được thông báo trước về cuộc gọi giữa 2 nhà lãnh đạo Putin - Trump và không được tham vấn về nội dung hoặc các tuyên bố sau đó. Điều này cho thấy vai trò thực sự của họ trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi thời của châu Âu đã qua", quan chức Nga nhận định.