1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu, châu Á đối mặt với đợt bùng phát cúm gia cầm

Hà Dương

(Dân trí) - Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã nhận được những báo cáo về các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng, đặc biệt tại châu Âu và châu Á.

Châu Âu, châu Á đối mặt với đợt bùng phát cúm gia cầm - 1

Giới chức tỉnh Chiba, Nhật Bản kiểm tra một cơ sở bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm hồi tháng 12/2020 (Ảnh: Kyodo).

Guardian đưa tin, tình trạng này cho thấy virus cúm gia cầm đang có dấu hiệu lây lan nhanh trở lại, làm ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi gia cầm.

Các đợt bùng phát dịch cúm gần đây đã đặt ngành chăn nuôi gia cầm vào tình trạng báo động, khi số lượng tiêu hủy lên tới hàng chục triệu con. Không những vậy, điều này cũng dẫn tới các hạn chế về thương mại giữa các quốc gia.

Điều đáng nói là đã có dấu hiệu cho thấy virus có thể truyền sang người, khi Trung Quốc báo cáo rằng đã có 21 trường hợp dương tính với H5N6 ở người trong năm nay.

OIE cũng cho biết, Hàn Quốc đã bùng phát dịch cúm tại một trang trại với số lượng lên tới 770.000 con. Hiện nay, cả trang trại đang trong quá trình tiêu hủy để đảm bảo virus không lây lan nhanh chóng qua các trang trại khác.

Cũng tại châu Á, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản vào tuần trước đã xác nhận đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đầu tiên trong mùa đông 2021, tại một trang trại nằm ở phía đông bắc của nước này. Virus trong trang trại được xác định là chủng cúm H5N8.

Tại Châu Âu, Na Uy đã báo cáo đợt bùng phát dịch cúm H5N1 thuộc vùng Rogaland với số lượng lên tới 7.000 con.

Các đợt bùng phát dịch thường xảy ra vào mùa thu, nguyên nhân được xác định do các loài chim hoang dã di cư, dẫn tới sự lây lan virus.

Chính phủ Bỉ đã đặt nước này vào nguy cơ gia tăng đối với bệnh cúm gia cầm, yêu cầu các trang trại thắt chặt an toàn, giữ gia cầm trong nhà và không thả rông sau khi ghi nhận sự xuất hiện virus đầu tiên trên một loài ngỗng hoang.

Một loạt các động thái tương tự ở nước láng giềng như Pháp và ở Hà Lan vào tháng 10 cũng được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn.