1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Châu Á thức tỉnh mới về biển

Sự gắn kết liên thông giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một hiện tượng của thế kỷ XXI. Đầu thế kỷ này, vòng cung Ấn-Thái là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới. Đồng thời, theo chiến lược gia người Mỹ Robert Kaplan, “Chiến trường quyết định thế kỷ XXI sẽ là biển cả”, “Biển Đông là tương lai của cuộc xung đột”.

TS. Nguyễn Ngọc Trường
TS. Nguyễn Ngọc Trường

Những chuyển động địa - chính trị/kinh tế tại các vùng biển này tạo xung lực cho sự thức tỉnh mới của châu Á về biển, báo hiệu một cuộc hội nhập quốc tế mới của châu Á. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc hội nhập về biển lần này đi liền với chạy đua hiện đại hóa hải quân, “liệt quốc tranh hùng” mà kết cục rất có thể, nước mạnh ắt sẽ bá quyền.

Cạnh tranh hàng hải giữa nước lớn

Trung Quốc là nước dẫn đầu làn sóng mới vươn ra các vùng biển và đại dương bằng những phác thảo đại chiến lược và nỗ lực lớn xây dựng sức mạnh hải quân “biển xanh”. Sức lan tỏa của các kế hoạch này rất mạnh mẽ. Trung Quốc ngày nay là cường quốc kinh tế, cường quốc thương mại và đang đẩy nhanh quá trình trở thành cường quốc hải quân. Trung Quốc vừa là động lực vừa là tác nhân của những thay đổi trật tự trên hai đại dương, thách thức luật chơi và giới hạn của luật biển quốc tế. Các nước láng giềng giáp biển của Trung Quốc nếu không có sức đề kháng mạnh, ắt sẽ khó duy trì độc lập về kinh tế, chính trị và an ninh.

Từ thập niên 1990, Trung Quốc chuyển biến tư duy chiến lược – từ quay lưng với biển đến “tranh biển gần, ra đại dương”. Tính đột phá thể hiện trong việc Đại hội 12 Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 11/2012, đề ra mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển”. Vào dịp Hội nghị APEC-22 tháng 11/2014, Bắc Kinh chính thức phát động “Nhất đới Nhất lộ” (Một vành đai, Một con đường), trong đó Con đường tơ lụa trên biển (MSR) dự định liên kết ba châu lục Á-Phi-Âu. Trọng điểm của MSR là Ấn Độ Dương nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị, kinh tế, giải quyết dư thừa sản xuất và dư thừa ngoại hối, đồng thời để danh chính ngôn thuận tăng cường sự hiện diện hải quân tại vùng biển Ấn Độ Dương. Không thiết lập được chỗ đứng vững chắc tại đôi bờ Ấn Độ Dương, Trung Quốc không thể trở thành cường quốc toàn cầu trong tương lai.

“Nhất đới nhất lộ” của Trung Quốc dường như là sự vận dụng chủ thuyết ngoại giao thời cổ đại Xuân Thu Chiến quốc – hình thành liên kết kinh tế theo kiểu “hợp tung” - nhằm nắm quyền chủ động thương mại toàn cầu để cạnh tranh với nỗ lực của Mỹ liên kết kinh tế theo kiểu “liên hoành” thông qua hai khối mậu dịch tự do đẳng cấp cao là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narenda Modi đề ra học thuyết về biển, đặt trọng tâm vào tăng cường tiềm lực hải dương của Ấn Độ, gắn kết hợp tác an ninh với hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đó là nỗ lực tái cân bằng vị thế hàng hải của Ấn Độ. Tầm nhìn về biển của vị Thủ tướng mới được đặt trong cách tiếp cận về địa-chính trị/kinh tế mang tính chủ động.

Ấn Độ từng coi Thái Bình Dương là “đầm lầy chiến lược”, do có nhiều căng thẳng chính trị và tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Nhưng ngày nay, Ấn Độ đang phải đối diện với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. “Con đường tơ lụa trên biển” chính là sự mở rộng “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Thủ tướng Modi nhìn thấy con đường phát triển đúng đắn của Ấn Độ là trở thành cường quốc biển, thông qua tập hợp lực lượng với các nước lớn hàng hải ở Thái Bình Dương.

Nếu học thuyết biển của Narandra Modi được hiện thực hóa, 25 năm “hướng Đông” (Looking East) vừa qua sẽ được tiếp nối bằng “hành động phía Đông” (Acting East). Học thuyết Modi đặt trọng tâm hợp tác an ninh hàng hải với Nhật Bản, Australia và Mỹ; củng cố hợp tác với ASEAN và thúc đẩy quan hệ với các nước hải đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thế giới vì vậy đang chứng kiến ba cuộc cạnh tranh hàng hải tại hai đại dương – giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Nhật Bản và Trung Quốc, giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổng thống Joko Widodo của Indonesia kêu gọi dân tộc mình chấm dứt thời kỳ “quay lưng lại quá lâu với các đại dương, eo biển và vùng vịnh” và khôi phục quyền lực biển của quốc gia hải đảo này. Đây là lần đầu tiên quốc gia vạn đảo đề ra học thuyết biển.

Nhận thức rõ trung tâm chính trị thế giới đang chuyển dịch từ phương Tây sang Đông Á, Tổng thống Jokowi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Indonesia: Một quốc gia nằm ở vị trí trung tâm của các thay đổi địa lý, kinh tế và chính trị trên quy mô toàn cầu. “Do vậy, với tư cách một quốc gia biển, Indonesia cần phải hành xử với tư cách Trục hàng hải thế giới (World Maritime Axis)”. Theo học thuyết Jokowi, cả hai đại dương nên là khu vực của hòa bình và tự do thương mại, bên cạnh đó Indonesia sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên tự nhiên biển. Vị thế này, như tuyên bố của ông Jokowi, “mở ra cơ hội để Indonesia phát triển hợp tác khu vực cũng như quốc tế, đem lại sự thịnh vượng cho nhân dân”.

Biển cả vẫy gọi Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia biển. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam rộng 1 triệu km2. Với diện tích ấy, cùng với đường bờ biển dài 3.260 km và trên 3.000 hòn đảo, nằm cạnh các tuyến đường biển giao thông quốc tế huyết mạch, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng bên bờ phía Tây của Biển Đông – một tài sản chiến lược quan trọng của nước ta. Biển gắn với văn hóa, an ninh và phát triển Việt Nam. Ta cần thâm canh trên từng km2 biển cả, “giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển”.

Việt Nam ngày nay đang phấn đấu xây dựng thành một “quốc gia biển mạnh”, kiên quyết bảo vệ không gian sinh tồn, chủ quyền lãnh thổ. Ứng xử của Việt Nam trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và được nhìn nhận là một nhân tố địa-chính trị quan trọng, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông và Đông Nam Á.

Năm 2015 này, các nước châu Á sẽ long trọng tổ chức 60 năm Hội nghị Bandung mà Ấn Độ đã có đóng góp to lớn. Tại Hội nghị 1955, Thủ tướng Nehru đã giới thiệu Thủ tướng Chu Ân Lai với các nước Á - Phi. Tinh thần hòa bình, hợp tác của Bandung trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới ở thế kỷ XX cần được làm sống động lại bằng nội dung mới phù hợp với lợi ích của các quốc gia và xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI – “kỷ nguyên của đại dương”, thế kỷ của hòa bình, thịnh vượng đối với tất cả quốc gia tại vòng cung Ấn-Thái, dù là phát triển hay đang phát triển, lớn hay nhỏ.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường
Thế giới và Việt Nam