1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Á "nóng lòng" chờ phán quyết về Biển Đông

(Dân trí) - Châu Á đang "nín thở" chờ một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu-châu Á, Trung Đông-châu Á.


Một phiên điều trần về vụ kiện Philippines-Trung Quốc tại La Hay, Hà Lan (Ảnh: PCA)

Một phiên điều trần về vụ kiện Philippines-Trung Quốc tại La Hay, Hà Lan (Ảnh: PCA)

Philippines đã khởi kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền quá đáng ở Biển Đông vào năm 2013, nói rằng Manila phải dùng cách này sau khi mọi biện pháp chính trị và ngoại giao với Trung Quốc trong 17 năm qua không mang lại kết quả. Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại La Hay, Hà Lan đóng vai trò thụ lý vụ kiện, trong khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được chọn làm ban thư ký cho tòa trọng tài trong vụ kiện.

Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) dự kiến sẽ công bố phán quyết về vụ kiện Philippines - Trung Quốc vào 11 giờ sáng ngày 12/7 giờ CEST (16 giờ chiều giờ Việt Nam).

Giận dữ với động thái của Philippines, Bắc Kinh tuyên bố không tham gia phiên tòa và khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết với lập luận rằng Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không có quyền phân xử về vụ việc.

Tuy nhiên, dù Trung Quốc có tuyên bố không tham gia vụ kiện thì điều này không ảnh hưởng gì tới quá trình xét xử của tòa. Các chuyên gia pháp lý đều nhận định rằng sau 3 năm rưỡi theo đuổi với 2 phiên điều trần cùng 4.000 trang bằng chứng, Philippines nhiều khả năng sẽ nhận được phán quyết có lợi cho mình.

Trước thềm phán quyết, Trung Quốc đã gia tăng các hành động ngang ngược nhằm tỏ thái độ xem nhẹ phiên tòa. Trên mặt trận thông tin, báo chí nhà nước Trung Quốc những ngày gần đây liên tục đăng tải các bài viết với giọng điệu coi thường phán quyết của tòa, tự nhận là nạn nhân của một chiến dịch nhằm hạ thấp uy tín, hay cáo buộc các nước thổi phồng mối đe dọa về Trung Quốc. Song song với đó, hải quân Trung Quốc đã trắng trợn tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại quần đảo Hoàng Sa với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Vì sao thế giới chờ đợi phán quyết?


Mời độc giả bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn

Mời độc giả bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn

Vụ kiện về Biển Đông thu hút sự quan tâm của thế giới bởi vùng biển này có liên quan tới nhiều quốc gia và ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu. Ngoài Trung Quốc và Philippines, các quốc gia Đông Nam Á khác là Việt Nam, Brunei, Indonesia và Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền ở đây. Các mâu thuẫn giữa các nước đôi khi có thể leo thang thành đụng độ, và thế giới lo ngại rằng một cuộc trạm chán nhỏ cũng có thể bùng phát thành xung đột lớn hơn.

Phán quyết ngày 12/7 là lần đầu tiên một tòa án quốc tế phân xử về bất kỳ tranh chấp nào như vậy. Vụ kiện cũng có thể tạo một tiền lệ hoặc thiết lập các nguyên tắc nhằm giảm căng thẳng. Nó cũng có thể gây ảnh hưởng chính trị trong khu vực, kiềm chế một số quốc gia trong khuyến khích các quốc gia khác.

Trung Quốc có nguy cơ thua kiện. Kể từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động nạo vét để biến các bãi đá thành các đảo nhân tạo cùng các đường băng quân sự và cảng hải quân, bất chấp sự phản đối của các quốc gia có chủ quyền chồng lấn cũng như Mỹ. Tòa có thể tuyên bố rằng các công trình xây dựng này là phi pháp.

“Một phán quyết từ tòa trong đó phản đối các tuyên bố chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc có thể tạo sự ủng hộ cho các quan điểm chính thống của các quốc gia khác trong khu vực”, giáo sư luật Cecily Rose tại trường Luật Quốc tế Công thuộc Đại học Leiden (Hà Lan) nói với AFP.

Khác xa với sự phớt lờ và coi thường của Bắc Kinh, vụ kiện giờ đây được coi là một phép thử về việc Trung Quốc muốn đi theo hướng nào - việc một cường quốc ngày càng mạnh lên tuân thủ các thể chế và luật pháp quốc tế, hay một siêu cường sẵn sàng thực hiện các hành động đơn phương chống lại các láng giềng nhỏ hơn.

Mặc dù phán quyết của tòa sẽ không phân định chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông nhưng nó được cho là có ảnh hưởng rất rộng đối với các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại một trong những vùng biển quan trọng nhất và “nóng” nhất thế giới.

Có nhiều kỳ vọng tại Washington và các quốc gia châu Á rằng tòa sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines. Phiên tòa là một nỗ lực nhằm gỡ rối vấn đề tranh chấp Biển Đông phức tạp thông qua luật pháp quốc tế thay vì mong muốn của Trung Quốc về các cuộc đàm phán song phương, mà trong đó Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ gây sức ép với các láng giềng nhỏ hơn.

Tòa dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về những câu hỏi quan trọng tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một trong những phán quyết được chờ đợi nhất trong chính trị toàn cầu hiện thời.

Kết quả của phiên tòa sẽ gây ra “phép thử lớn nhất về trật tự thế giới kể từ khi Nga sáp nhập Crimea”, trang tin The Australian dẫn lời ông Tom Miller, một nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh.

Báo chí Ấn Độ dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên tại New Delhi rằng bất kỳ bác bỏ nào của tòa về “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” sẽ được xem là một chiến thắng cho Philippines.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phán quyết sẽ ủng hộ các quốc gia khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. “Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và chúng tôi hi vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ phán quyết”, nhà ngoại giao trên nói.

“Lá bài” có thể nằm trong tay Tân Tổng thống Philippines


Biểu tình phản đối Trung Quốc hành động ngang ngược ở Biển Đông (Ảnh: Inquirer)

Biểu tình phản đối Trung Quốc hành động ngang ngược ở Biển Đông (Ảnh: Inquirer)

Theo AP, một nhân tố quan trọng có thể thay đổi hệ quả của phán quyết là Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte sẽ quyết định hành động ra sao. Người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Benigno Aquino III đã phát động vụ kiện, khiến quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh rơi vào căng thẳng. Tuy nhiên, ông Duterte đã bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte đã bóng gió rằng Manila có thể nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy viện trợ, công nghệ hay các khoản vay của Trung Quốc. Ông đã chỉ ra các lợi ích của việc tăng cường quan hệ thân thiện với Bắc Kinh, trong đó có một đề nghị của Bắc Kinh về việc cung cấp các dự án đường sắt tại Philippines.

Tuần trước, Tổng thống Duterte nói chính phủ của ông sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc nếu có được phán quyết có lợi. “Chúng tôi không muốn chiến tranh. Chiến tranh là một từ bẩn thỉu”, ông nói.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ Tổng thống Duterte đã đi bao xa khỏi lập trường chỉ trích của Manila đối với các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, do mối quan hệ thân thiết giữa Philippines và Mỹ và tâm lý chống Trung Quốc ngày càng gia tăng ở trong nước.

Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Philippines, cho rằng chính phủ nên tránh tiết lộ quân bài trước các cuộc đàm phán tiềm tàng với Bắc Kinh, nếu không “họ sẽ mất đòn bẩy mà họ có”.

Ngày 11/7, một ngày trước phán quyết, các nhà hoạt động cánh tả đã biểu tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, kêu gọi Trung Quốc rời khỏi nơi mà họ gọi là lãnh thổ của các quốc gia khác.

Ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên ASEAN dự kiến sẽ nhóm họp tại Viêng Chăn, Lào vào ngày 21/7. Phản ứng của các ngoại trưởng ASEAN đối với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc cũng sẽ rất quan trọng và được theo dõi sát sao.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm