1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Á một năm nhìn lại

(Dân trí) - Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển dịch mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á, những động thái phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il... là những sự kiện tác động mạnh nhất đến khu vực năm 2011.

1. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam

Châu Á một năm nhìn lại - 1
 
Diễn ra từ ngày 11-19/1 với gần 1.400 đại biểu đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên, Đại hội Toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ bầu cử và sắp xếp lại nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới (nhiệm kỳ 2011-2015), đồng thời đưa ra những chiến lược về phát triển kinh tế xã hội trong mười năm 2011-2020. Sự kiện chính trị quan trọng này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị khóa XI gồm 14 người, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và có 5 ủy viên mới. Kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được giới quan sát cho rằng thể hiện sự đổi mới và cải tổ chính trị ở Việt Nam.

Kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIII diễn ra từ 21/7 đến 6/8 đã bầu ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội và ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được bầu làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm với tỷ lệ phiếu tín nhiệm lên tới 94%.

2. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á

Các chuyên gia phân tích không quá lời khi nhìn nhận 2011 là "Năm châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ. Dường như chưa có thời điểm nào mà các quan chức Mỹ lại có những hoạt động ngoại giao sôi động và nổi bật ở khu vực châu Á như trong năm 2011. Với việc là thành viên chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS- kết nối lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN với 8 quốc gia khu vực bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), nước Mỹ đã có những chuyển dịch mạnh mẽ cả trong lời nói và hành động, cả về chiến lược lẫn chính sách theo hướng coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn.

Đặc biệt, Mỹ bắt đầu có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện quân sự ở Châu Á như tăng quân đến Australia, có kế hoạch triển khai tàu chiến ở Singapore, Philippines... Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái này của Mỹ là nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với đối thủ số một - Trung Quốc, trong bối cảnh năm 2011 là năm nhiều sóng gió tại Biển Đông.

Châu Á một năm nhìn lại - 2
Mục đích của ông Obama trong chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương tháng 11/2011 là đưa ra dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục có mặt trong tư cách một sức mạnh ở châu Á, và nhắm mục đích tăng cường sự giao tiếp chính trị, kinh tế và sách lược với khu vực này.

3. Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự

Năm 2011, Trung Quốc liên tục công khai những "thành tựu" quân sự, trong đó đầu tiên phải kể đến việc quân đội nước này cho thử máy bay tàng hình đầu tiên J-20 (tháng 1) và thử tàu sân bay đầu tiên (tháng 8).

Trong năm, Trung Quốc cũng xác nhận đang nghiên cứu, phát triển tên lửa Đông Phong DF 21-D, loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Trung Quốc cũng tuyên bố thực hiện thành công nhiệm vụ tiếp nối không gian lần đầu tiên (giữa tàu vũ trụ không người lái Thần Châu-8 và phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung-1) và đã tạo bước đột phá về công nghệ thăm dò biển sâu với tàu ngầm mini có người đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo (có tên “Giao Long”, đã thử nghiệm thành công ở độ sâu 5.000 m).

Châu Á một năm nhìn lại - 3

Hình ảnh đầu tiên về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc


4. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từ trần và cục diện Đông Bắc Á

Nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã từ trần ngày 17/12/2011, thọ 69 tuổi, do bị đau tim. Mọi chú ý đang đổ dồn về việc người kế nhiệm - con trai thứ ba của ông là Kim Jong-un, 28 tuổi, sẽ giải quyết ra sao những vấn đề - như chương trình hạt nhân của Triều Tiên và những cáo buộc bắt cóc công dân Nhật Bản và Hàn Quốc từ thời chiến tranh Triều Tiên.

Các nước phương Tây hi vọng với sự chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên, chương trình vũ khí hạt nhân và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ có những thay đổi tích cực. Nhưng Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực cũng không giấu giếm những lo ngại khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ở vào giai đoạn nhạy cảm.

Châu Á một năm nhìn lại - 4

Ông Kim Jong-un được gọi nhà lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Lao Động đương quyền Triều Tiên, sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời.

5. Động đất/sóng thần/thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản tác động tới tăng trưởng kinh tế

Trận động đất mạnh 9,0 độ richter ngày 11/3 đã làm rung chuyển bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, gây sóng thần tàn phá hàng chục cộng đồng dân cư, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích và gây tổn thất về tài chính ước tính 218 tỷ USD. Trận sóng thần còn gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân khủng khiếp nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986, sau khi nó phá hỏng hệ thống làm lạnh tại nhà máy hạt nhân ở khu vực này.

Các nhà kinh tế nhận định trận động đất thảm khốc ở Nhật Bản sẽ làm chậm hơn nữa tốc độ tăng trưởng của châu Á, nơi giá dầu đang gia tăng và tỷ lệ lãi suất ngày càng cao đã "làm nguội" đầu máy kinh tế toàn cầu này.

Châu Á một năm nhìn lại - 5
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã bị tàn phá bởi một trận động đất lớn kéo theo một trận sóng thần, ập vào Nhật Bản ngày 11/3/2011

6. Trung Đông và “Mùa Xuân Ảrập”

Phong trào nổi dậy “Mùa Xuân Arập” đã lan khắp Trung Đông, khơi mào bởi sự ra đi của Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali hồi tháng 1/2011. Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất hồi tháng 2, châm ngòi cho cuộc nội chiến ở Libya mà cuối cùng dẫn đến cái chết của Nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, người đã cầm quyền ở nước này trong suốt hơn 40 năm, hồi tháng 10.

Tại Syria, những ngày cuối năm 2011, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục phải đương đầu với làn sóng biểu tình chống chính phủ đã làm hơn 5.000 người chết. Bahrain và Yemen cũng đang lộn xộn với những cuộc biểu tình lớn và bạo loạn.

Châu Á một năm nhìn lại - 6
Hình ảnh cho thấy nhà cựu lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi sau khi bị chiến binh nổi dậy bắt giữ ở Sirte ngày 21/10/2011

7. Bin Laden bị tiêu diệt

Ngày 2/5, tức gần tròn 10 năm sau sự kiện 11/9, quân đặc nhiệm của Mỹ đã bất ngờ tấn công dinh thự của trùm khủng bố Osama Bin Laden ngay trên lãnh thổ của Pakistan.

Sự việc là một thắng lợi của Tổng thống Obama, nhưng gây sóng gió không ít cho quan hệ hai nước. Thủ tướng Pakistan bác bỏ những cáo buộc cho rằng vụ Mỹ giết chết Osama bin Laden cho thấy Pakistan đồng lõa, hoặc bất lực trong việc để cho trùm al-Qaeda ẩn trốn tại nước này.

Châu Á một năm nhìn lại - 7

8. Myanmar và những diễn biến chính trị bất ngờ

Myanmar đã khiến giới quan sát bất ngờ với hàng loạt động thái cải cách trong vòng một năm qua, trong đó có việc thả lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, và chấm dứt nhiều thập niên nằm dưới sự lãnh đạo của giới quân sự. Giới phân tích chính trị khu vực cho rằng các diễn biến chính trị tại Myanmar “rất bất ngờ và ngoạn mục, với những thay đổi đúng lúc”.

Các lãnh đạo ASEAN ủng hộ việc Myanmar đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2014. Ngoại trưởng Hillary Clinton ngày 30/11/2011 đã tới Myanmar trong chuyến công du cấp cao đầu tiên của Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua, nhằm khuyến khích một “phong trào thay đổi” ở quốc gia Đông Nam Á này.

Châu Á một năm nhìn lại - 8

Ngoại trưởng Hillary Clinton được Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Myo Myint tại Naypyidaw tiếp đón ngày 30/11/2011

9. Thái Lan có nữ Thủ tướng đầu tiên

Với chiến thắng áp đảo của đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử hồi tháng 7, em gái cựu Thủ tướng bị truất quyền Thaksin Shinawatra - bà Yingluck Shinawatra - đã trở thành Thủ tướng thứ 28 và là nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Thử thách chính trị đầu tiên của bà tân thủ tướng là vấn đề liên quan đến người anh trai Thaksin. Tuy nhiên, trận lụt lịch sử kéo dài từ tháng 7 và đến tháng 10 đã tràn về Bangkok - làm cả vùng rộng lớn của thủ đô ngập trong nước lũ, khiến các hoạt động sinh hoạt và sản xuất bị ngưng trệ, gây thiệt hại kinh tế nhiều tỷ USD - mới thực sự là thử thách với chính phủ của bà.

Châu Á một năm nhìn lại - 9
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

10. Mỹ rút quân khỏi Iraq

Ngày 31/12/2011, đơn vị cuối cùng của Mỹ đã trở về nước. Mỹ tuyên bố sau gần 9 năm, cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq chấm dứt.

Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ gần một thập niên. Gần 4.500 người Mỹ, chưa kể hơn 100.000 người Iraq, thiệt mạng sau cuộc xâm lược tháng 3/2003. Nhưng việc rút quân này của Mỹ có thể tạo nên mối nguy hiểm là, Iraq có thể quay lại chủ nghĩa cực đoan. Một mối nguy hiểm khác là, Iran sẽ tăng cường ảnh hưởng hơn nữa để lấp khoảng trống mà Mỹ để lại ở Iraq.
Châu Á một năm nhìn lại - 10
Đối với các binh sĩ Mỹ thì cuộc chiến tranh ở Iraq đã đến hồi kết thúc.

11. Cơn bão Washi tàn phá phía nam Philippines

Trận lũ quét và lỡ đất gây ra do cơn bão Washi (tên địa phương là Sendong) tràn qua đảo Mindanao thuộc miền nam Philippines ngày 17/12 - làm ít nhất 1.200 người thiệt mạng và hơn 1.100 người khác mất tích - khiến cả khu vực bàng hoàng.

Chính phủ Philippines ước tính con số người thiệt mạng có thể vượt quá 3.000, vì hàng nghìn người vẫn mất tích. Hàng chục nghìn người may mắn sống sót đã phải đón Giáng sinh trong các căn lều tạm.

Châu Á một năm nhìn lại - 11
Hậu quả cơn bão Washi (tên địa phương là Sendong) để lại đảo Mindanao thuộc miền nam Philippines ngày 17/12


Nguyễn Viết
Tổng hợp