1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chặng đường 40 năm thay đổi niềm tin của Joe Biden với Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Joe Biden từng hy vọng sẽ thay đổi Trung Quốc và khuyến khích Bắc Kinh trở thành thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nhưng niềm tin của ông đã thay đổi sau 40 năm.

Chặng đường 40 năm thay đổi niềm tin của Joe Biden với Trung Quốc - 1

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp ông Tập Cận Bình - khi đó là phó Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2011 tại Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

 Năm 2001, trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Joe Biden đã tới Bắc Đới Hà để mở ra kỷ nguyên quan trọng trong mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, bằng cách xây dựng liên kết về thương mại nhằm cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc thống nhất, thịnh vượng trên trường quốc tế, vì chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc”, ông Biden nói với ông Giang Trạch Dân - chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm đó.

Vài ngày sau, ông Biden tới một ngôi làng gần Vạn Lý Trường Thành và trò chuyện với người dân địa phương. Trở lại Washington và nhận thấy nhiều tiềm năng từ Trung Quốc, Joe Biden đã gửi tới báo giới một thông điệp tương tự với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

"Mỹ hoan nghênh Trung Quốc trỗi dậy như một siêu cường, vì siêu cường phải tuân thủ các quy tắc quốc tế trong các lĩnh vực không phổ biến vũ khí, nhân quyền, thương mại”, ông Biden nói với các phóng viên.

20 năm sau, Trung Quốc thực sự nổi lên như một siêu cường. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người Mỹ, Bắc Kinh giờ đây đã trở thành một “đối thủ nguy hiểm”. Cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng “bệ đỡ” hội nhập toàn cầu mà chính Joe Biden và nhiều quan chức khác của Mỹ mang lại cho họ.

Chặng đường 40 năm thay đổi niềm tin của Joe Biden với Trung Quốc - 2

Ông Biden bắt tay một bé trai trong chuyến thăm tới ngôi làng ở Trung Quốc vào năm 2001. (Ảnh: Greg Baker)

Vào thời điểm tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, khi quan hệ Mỹ - Trung được xem như một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, và trong bối cảnh vấp phải sự công kích mạnh mẽ từ đương kim Tổng thống Donald Trump, quan điểm của Joe Biden với Trung Quốc cũng có sự thay đổi đáng kể.

Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, công kích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Joe Biden thậm chí dọa rằng sau khi đắc cử tổng thống, ông sẽ áp đặt “nhanh chóng các lệnh trừng phạt kinh tế” nếu Trung Quốc tìm cách gây sức ép với các công ty và công dân Mỹ.

“Nước Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc”, ông Biden viết trong một bài xã luận trên tạp chí Foreign Affairs.

Theo nguồn tin từ các cố vấn và phụ tá chính sách đối ngoại hàng đầu của cựu phó Tổng thống Joe Biden, ông bây giờ coi Trung Quốc là thách thức chiến lược hàng đầu.

Chặng đường 20 năm từ “lạc quan” tới “lên án” Trung Quốc của Joe Biden đã phản ánh đúng lịch sử thăng trầm của quan hệ Mỹ - Trung.

Trong khi tránh thừa nhận những sai lầm trong quan điểm về Trung Quốc trước đây, Joe Biden hiện tại không còn đề cập tới việc thay đổi Trung Quốc mà thay vào đó, ông muốn khôi phục nước Mỹ. Điều này sẽ cho phép Washington có vị thế để tập hợp các quốc gia cùng chí hướng nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Một trong số ưu tiên của Joe Biden là tái thiết các liên minh và củng cố lại giá trị dân chủ. Kế hoạch kinh tế “Xây dựng lại Tốt hơn” của Joe Biden nhằm thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp và nghiên cứu của Mỹ, một phần để cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, Joe Biden cũng nhận thấy một số lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác gồm biến đổi khí hậu, y tế và không phổ biến vũ khí.

Mặc dù kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn hơn, nhưng Joe Biden vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho việc bằng cách nào để hai siêu cường với hai nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau có thể giải quyết những bất đồng về ý thức hệ. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi tháng 5, Joe Biden cho biết ông đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần trong năm 2011 và 2012 để tìm cách xác định liệu có thể duy trì một mối quan hệ “cạnh tranh” với Trung Quốc nhưng không phải là mối quan hệ “hiếu chiến” và “dựa trên sức mạnh”.

Thay đổi Trung Quốc

Chặng đường 40 năm thay đổi niềm tin của Joe Biden với Trung Quốc - 3

Ông Biden gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2013. (Ảnh: Getty)

Joe Biden nói rằng ông có “mối quan tâm lâu dài tới sự chuyển mình của Trung Quốc” từ sau chuyến thăm đầu tiên của ông tới nước này khi mới bước chân vào Thượng viện hồi tháng 4/1979. Khi đó, ông Biden đã gặp nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - người đã chủ trương chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.

Khi tiếp đón các quan chức Trung Quốc trên cương vị phó tổng thống vào tháng 5/2011, ông Biden cũng nhắc lại chuyến đi đầu tiên với sự hứng khởi. Mặc dù thừa nhận vẫn còn tranh cãi, song Biden cho biết ông vẫn tin vào điều ông từng tin trước đây rằng: “một Trung Quốc trỗi dậy là sự phát triển tích cực, không chỉ cho Trung Quốc mà cho cả Mỹ và thế giới”.

Vào cuối thập niên 1990, phe Cộng hòa và nhiều thành viên của phe Dân chủ ca ngợi lợi ích của một mối quan hệ thương mại tự do hơn với Trung Quốc. Tháng 9/2000, khi Thượng viện Mỹ tranh cãi liệu có nên bình thường hóa thương mại vĩnh viễn với Trung Quốc nhằm mở đường cho Bắc Kinh gia nhập WTO không, ông Biden là người ủng hộ mạnh mẽ.

Joe Biden khi đó cho rằng việc bình thường hóa thương mại vĩnh viễn với Trung Quốc sẽ khuyến khích nước này phát triển “như một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng thế giới”.

Ông Biden cũng dự đoán rằng ngành công nghiệp hóa chất và chăn nuôi gia cầm tại quê nhà Delaware của ông sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc, cùng với General Motors và Chrysler - hai tập đoàn vận hành các nhà máy lớn ở bang Delaware. Tuy nhiên, vào năm 2008 và 2009, khi Joe Biden giữ chức phó tổng thống Mỹ, các nhà máy của General Motors và Chrysler tại Delaware đã phải đóng cửa.

Tổng thống Trump bây giờ gọi việc Trung Quốc gia nhập WTO là “một trong những thảm họa địa chính trị và kinh tế khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới”.

Sau nhiều thập niên, sự chuyển đổi của Trung Quốc không được như kỳ vọng của Mỹ. Các công ty nhà nước siết chặt kiểm soát các ngành công nghiệp chiến lược, trong khi giới chức Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Trung Quốc cũng bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ của Mỹ.

Chính sách đối ngoại với Trung Quốc

Chặng đường 40 năm thay đổi niềm tin của Joe Biden với Trung Quốc - 4

Phó Tổng thống Joe Biden đứng cạnh Tổng thống Barack Obama khi đón Chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng năm 2012. (Ảnh: Nhà Trắng)

Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Barack Obama đã thực hiện bước ngoặt thay đổi đầy tham vọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuyển các nguồn lực ngoại giao và quân sự từ Trung Đông sang châu Á, chủ yếu để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Ông Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, đã gặp ông Tập Cận Bình ít nhất 8 lần trong 2 năm 2011 và 2012 để “thăm dò” nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thậm chí cả hai quan chức cùng nhau xem một trận bóng rổ tại một trường học ở tỉnh Tứ Xuyên.

Kurt Campell, người khi đó là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Joe Biden rốt cuộc cũng đánh giá ông Tập là một người cứng rắn, nghi ngờ quyền lực của Mỹ và tin vào sự ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc. Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Biden nói với các cố vấn của mình rằng họ sẽ phải “bận rộn” đối phó với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc bắt đầu nhận ra sự xoay trục trong chính sách kiềm chế Bắc Kinh của Washington. Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông. Trước thực trạng này, ông Biden đã ủng hộ quyết định của chính quyền Mỹ trong việc triển khai các máy bay ném bom và tàu chiến đi qua khu vực này.

Joe Biden cũng đánh tín hiệu với Trung Quốc về cơn giận dữ ngày càng tăng của Mỹ. Mối quan hệ trước đây giữa hai cường quốc đã phai nhạt dần.

“Tôi muốn nói rõ rằng nếu họ (Trung Quốc) tuân thủ các quy tắc quốc tế cơ bản, chúng tôi sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu họ tìm cách thay đổi cơ bản những quy tắc về hàng không và hàng hải, vốn cấu thành việc tự do đi lại, họ đã có vấn đề rồi”, ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn với New York Times.

Chính sách sau khi đắc cử

Chặng đường 40 năm thay đổi niềm tin của Joe Biden với Trung Quốc - 5

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden cùng tham dự hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Mỹ - Trung tại Washington năm 2012. (Ảnh: Xinhua)

Vài giờ trước khi Joe Biden chính thức nhận đề cử của đảng Dân chủ hồi tháng 8, trở thành ứng viên của đảng ra tranh cử tổng thống, ông đã nhận được sự ủng hộ bất ngờ. 75 chuyên gia an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa, trong đó một số người từng làm việc cho Tổng thống Trump, đã tuyên bố ủng hộ ông Biden. Họ cho rằng ông Trump thiếu năng lực để lãnh đạo đất nước.

Các chuyên gia Cộng hòa đề cập tới 2 chi tiết trong mối quan hệ nồng ấm của ông Trump với ông Tập Cận Bình: một là khi ông Trump kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc “khởi xướng cuộc điều tra” nhằm vào ông Biden hồi năm ngoái và hai là khi ông Trump ca ngợi ông Tập là “nhà lãnh đạo sáng suốt”. Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho rằng cách tiếp cận của ông Trump với Trung Quốc không nhất quán và dựa trên lợi ích cá nhân hơn là lợi ích quốc gia.

Ông Biden đồng tình với quan điểm trên, cho rằng sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc thực chất chỉ là vỏ bọc. Chiến dịch tranh cử của ông Biden thậm chí chạy quảng cáo để nhắc nhở các cử tri rằng ông Trump từng ca ngợi cách chống dịch Covid-19 của ông Tập. Ông Biden cũng nhận định thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã “thất bại”.

Joe Biden dường như đang phải đối mặt với sức ép chính trị để tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện gần đây cho thấy 73% người Mỹ được hỏi có quan điểm không thiện cảm với Trung Quốc, mức cao nhất trong ít nhất 15 năm qua. Hơn một nửa coi Trung Quốc là đối thủ của Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cứng rắn với Trung Quốc, Joe Biden vẫn lên kế hoạch hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề như biến đổi khí hậu, Iran và Triều Tiên. Susan L. Shirk, học giả về Trung Quốc tại Đại học California và là quan chức dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, cho rằng Joe Biden sẽ sử dụng cả “cây gậy và củ cà rốt”, vừa gây sức ép vừa đàm phán với Trung Quốc.