Chăn Trung Quốc chứa hàm lượng phoóc-môn cao
(Dân trí) - Giữa lúc hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến chất lượng và độ an toàn của hàng hóa Trung Quốc còn chưa lắng xuống, thì lại có thông tin về việc chăn Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng phoóc-môn (formaldehyde) quá cao nên đang bị thu hồi tại Úc và New Zealand.
Công ty Charles Parsons ở Úc đã tuyên bố tự nguyện thu hồi sản phẩm, sau khi có thông tin về việc chính phủ New Zealand phát động chiến dịch kiểm tra khẩn cấp, do các nhà khoa học phát hiện hàm lượng phoóc-môn ở mức nguy hiểm trong quần áo bằng sợi len và cotton của Trung Quốc.
Mặc dù Parsons không công bố cụ thể số lượng chăn bị thu hồi, nhưng ông Mark Bilton, Tổng Giám đốc công ty cho biết “có nhiều” ở Úc và khoảng 800 sản phẩm ở New Zealand.
Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng phoóc-môn có trong vỏ chăn mang nhãn hiệu Superlux đã vượt quá tiêu chuẩn của cả EU và Mỹ. Vì Úc và New Zealand không quy định giới hạn đối với vấn đề này, nên nhà phân phối triển khai chương trình thu hồi tự nguyện.
Theo kết quả kiểm tra tại New Zealand, một số sản phẩm quần áo sản xuất tại Trung Quốc có hàm lượng phoóc-môn cao gấp 900 lần giới hạn cho phép.
Phoóc-môn là một loại hóa chất bảo quản, có lẽ được dùng để xử lý vải nhằm chống nhăn, ngăn nấm mốc hoặc các loại tương tự. Hóa chất này còn được dùng làm dung dịch ướp xác. Nếu người bị nhiễm phoóc-môn, nuốt hoặc tiếp xúc ngoài da, thì tùy trường hợp, có thể bị dị ứng hoặc nặng nhất là ung thư.
Hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc hiện đang trong diện bị “soi” rất kỹ, đặc biệt là tại Mỹ, sau khi xảy hàng loạt vụ bê bối liên quan đến chất lượng và an toàn của sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ thức ăn dành cho vật nuôi, kem đánh răng, thủy sản, đến đồ chơi.
Trong khi đó, Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, cũng cho biết chương trình kiểm tra hai nhãn hiệu thức ăn cho chó tại hệ thống cửa hàng của họ đã phát hiện thấy dư lượng melamine - hóa chất đã từng dẫn đến một đợt thu hồi thức ăn vật nuôi lớn vào tháng 3 năm nay.
Hồi tháng Wal-Mart cũng đã ngừng bán hai sản phẩm Chicken Jerky Strips của công ty Import-Pingyang Pet Product, và Chicken Jerky của công ty Bestro ở Thượng Hải, sau khi nhận được phàn nàn của người tiêu dùng về việc các sản phẩm này khiến vật nuôi của họ bị ốm.
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 150 mác thức ăn dành cho vật nuôi bị thu hồi sau khi thanh tra Mỹ tuyên bố thành phần gluten nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất số thức ăn này bị nhiễm melamine.
Tại Bắc Kinh, ngày 22/8, một tờ báo của Trung Quốc đưa tin mỗi ngày một cơ sở sản xuất ở Bắc Kinh đã tái chế tiêu thụ tới 100.000 đôi đũa đã qua sử dụng mà không có bất cứ hình thức tẩy uế nào.
Hãng tin Beijing News cho biết các thanh tra đã đột kích cơ sở sản xuất này và tịch thu khoảng nửa triệu đôi đũa tre dùng một lần đã được tái chế để sử dụng lại và một máy đóng gói.
Chủ cơ sở, hiện mới chỉ xác định được họ là Vũ, cho biết họ bán đũa tái chế với giá 0,04 tệ/đôi và kiếm được trung bình khoảng 1.000 tệ/ngày (130 USD).
Bắc Kinh đã kêu gọi thế giới nên tin tưởng vào sản phẩm gắn nhãn “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc), và khẳng định rằng việc dồn dập các vụ thu hồi sản phẩm trong thời gian gần đây là không công bằng, có định kiến và hàm chứa động cơ chính trị.
Ngày 22/8, Trung Quốc khẳng định đã phát hiện thấy thuốc trừ sâu, cỏ độc và chất bẩn trong một số lô hàng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, phía Trung Quốc cho rằng trong vụ đồ chơi, công ty Mattel cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi lớp sơn có chứa chì, dẫn đến việc thu hồi 19 triệu bộ sản phẩm.
Đặng Lê
Theo AP