1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung ứng viên có thể trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp

(Dân trí) - Ứng cử viên trung hữu Emmanuel Macron là nhân vật khá xa lạ với dư luận Pháp cách đây 3 năm, nhưng giờ đây đang nổi lên như nhân vật sáng giá nhất cho ghế tổng thống Pháp.


Ứng viên trung hữu Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters) 

Ứng viên trung hữu Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters) 

Dù cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay sẽ còn phải bước vào vòng hai với cuộc đối đầu trực tiếp giữa ứng viên Macron với ứng viên Marine Le Pen, song với 23,7% tỷ lệ phiếu ủng hộ trong tổng số gần 47 triệu phiếu bầu, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp đang được đánh giá là nhân vật có khả năng kế nhiệm Tổng thống Francois Hollande. Nếu đắc cử, ông Macron sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

Theo đánh giá của giới quan sát, khoảng cách chênh lệch 2% số phiếu bầu giữa ông Macron với của bà Le Pen, người giành được 21,7% phiếu, là tỷ lệ khó có thể san lấp trong vòng bỏ phiếu tới. Chưa kể, các ứng cử viên về sau trong vòng bỏ phiếu đầu tiên như cựu Thủ tướng Francois Fillon hay ông Benoit Hamon cũng đã lên tiếng kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho ông Macron trong vòng đối đầu sắp tới. Do vậy, nhiều khả năng nhân vật không mấy tiếng tăm trên chính trường Pháp cách đây vài năm sẽ trở thành chủ nhân mới của Điện Elysees.

Triệu phú khi chưa bước sang tuổi 40

Về học vấn, ông Macron tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia (ENA) với chuyên ngành thanh tra tài chính. Trước đó, ông đã theo học triết học tại Đại học Paris-Quest Nanterre La Defense, sau đó học thêm bằng cử nhân về quan hệ công chúng.

Trước khi bước vào chính trường Pháp, ông Macron là một nhà kinh tế được biết đến với vai trò thương thuyết trong các thương vụ sáp nhập lớn liên quan tới tờ Le Monde, tập đoàn Nestle hay tập đoàn Plitfer. Nổi bật nhất là khi ông tham gia thương thuyết trong vụ Nestle mua lại một phần của tập đoàn Pfizer vào năm 2010. Đây là thương vụ có trị giá tới 9 tỷ euro và số hoa hồng hưởng được từ thương vụ này đã giúp ông Macron trở thành triệu phú.

Cũng trong năm 2010, ông Macron đã gia nhập đảng Xã hội của ông Francois Hollande. Sau đó, dù có mâu thuẫn với ông Hollande về chính sách kinh tế song ông Macron vẫn được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Văn phòng Tổng thống Pháp. Trong quãng thời gian này, ông Macron phụ trách các vấn đề kinh tế của Pháp tại các hội nghị thượng đỉnh EU hay hội nghị của G8 hoặc G20, cũng như đưa ra nhiều ý tưởng về cải cách ngành tài chính.

Tới tháng 6/2014, ông Macron từ chức cố vấn chính sách kinh tế của Tổng thống Hollande sau khi có mâu thuẫn với một số thành viên khác trong nội các. Tuy nhiên, hai tháng sau đó, ông Macron đã được Tổng thống Hollande bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính Pháp sau khi ông Arnaud Montebourg từ chức. Trong quãng thời gian nắm quyền, Bộ trưởng Macron đã để lại nhiều dấu ấn, nổi bật nhất là chính sách kinh tế Noe hay còn gọi là "Macron 2".

Tuy nhiên, trong quãng thời gian xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris, tiếp đến là Nice, Bộ trưởng Macron đã đề nghị Tổng thống Hollande và Thủ tướng Manuel Valls thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Những yêu cầu này đã không được thực hiện, trong khi dự thảo luật về chính sách kinh tế của ông cũng không được phê chuẩn. Chính từ đây, ông Macron đã bắt đầu thực hiện chiến dịch tham gia tranh cử tổng thống Pháp.

Cương lĩnh tranh cử


Ông Macron và vợ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. (Ảnh: Reuters)

Ông Macron và vợ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu vận động tranh cử hồi tháng 2, ứng cử viên Macron từng cho biết, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, ông sẽ lập kế hoạch đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm, đồng thời đầu tư trực tiếp 5 tỷ euro vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, ông cũng khẳng định các chính sách nông nghiệp chung cần phải cải tổ, và nông dân Pháp cần có niềm tin vào một chính sách nông nghiệp trên toàn châu Âu.

Dù Phong trào En Marche! (Tiến lên!) của ứng cử viên Macron chỉ mới thành lập một năm qua, song chủ trương của phong trào này đang thu hút nhiều sự chú ý từ cử tri Pháp và dư luận nước ngoài. Theo đó, ứng cử viên trung dung Macron chủ trương đường lối quốc tế chủ nghĩa và thân EU, kêu gọi khôi phục lại quan hệ đồng minh chiến lược Pháp - Đức.

Nếu giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới, thử thách lớn nhất của ông Macron sẽ là làm sao giúp đảng của ông có thể giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội Pháp, qua đó cụ thể hoá những chương trình cải cách kinh tế và thị trường lao động ở nước này.

Mối tình đặc biệt


Ông Macron và vợ. (Ảnh: EPA)

Ông Macron và vợ. (Ảnh: EPA)

Ứng cử viên Macron có cuộc sống đời tư đặc biệt. Vợ ông, bà Brigitte Trogneux, hơn ông 24 tuổi và từng là cô giáo cũ của ông Macron.

Năm 15 tuổi, ông Macron đã có tình cảm với bà Trogneux và hai người bắt đầu hẹn hò vào thời điểm ông Macron chính thức 18 tuổi. Cha mẹ của ông Macron ban đầu cố gắng tách hai người bằng cách gửi ông tới thủ đô Paris để hoàn tất năm cuối của bậc trung học, do nhận thấy ông còn trẻ và mối quan hệ không phù hợp. Tuy nhiên, cả hai vẫn duy trì liên lạc và ông Macron đã làm lễ kết hôn với bà Trogneux vào năm 2007 sau khi tốt nghiệp. Hiện ông Macron cùng vợ Trogneux sống cùng với 3 người con riêng của bà.

Ngọc Anh

Tổng hợp