Chân dung thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan
(Dân trí) - Bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, được bầu làm thủ tướng Thái Lan, nối tiếp di sản của một trong những gia tộc quyền lực nhất trong nền chính trị Đông Nam Á.
Quốc hội Thái Lan ngày 16/8 tổ chức cuộc họp để bỏ phiếu bầu thủ tướng mới sau khi Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin. Kết quả là, bà Paetongtarn Shinawatra đã nhận được đủ phiếu để trở thành tân lãnh đạo chính phủ quốc gia Đông Nam Á.
Paetongtarn là lãnh đạo Pheu Thai, đảng dẫn dắt liên minh 11 đảng giữ 314 ghế trong Hạ viện.
Bà cũng đã trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan. Bà cũng là người phụ nữ thứ 2 nắm giữ chức thủ tướng Thái Lan, sau cô ruột Yingluck Shinawatra.
Như vậy, bà đã nối tiếp di sản của gia tộc Shinawatra, khi họ đã có tới 3 thủ tướng trong lịch sử bao gồm cha bà, ông Thaksin Shinawatra, cô ruột Yingluck. Ngoài ra, em rể của ông Thaksin, Somchai Wongsawat, cũng từng là thủ tướng Thái Lan trong một thời gian ngắn hồi năm 2008.
"Đất nước phải tiến lên phía trước. Chúng tôi quyết tâm, cùng nhau và chúng tôi sẽ đưa đất nước tiến lên phía trước", bà Paetongtarn, người con út trong ba người con của ông Thaksin, nói với các phóng viên sau khi giành được đề cử của Pheu Thai vào 15/8.
Tiếp xúc với chính trị từ nhỏ
Paethongtarn Shinawatra sinh ra ở Bangkok. Bà tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị, xã hội học và nhân chủng học tại đại học Chulalongkorn năm 2008 và tiếp tục học thạc sĩ ngành quản lý khách sạn Quốc tế tại Đại học Surrey, Anh.
Trong bài phát biểu trước đó, bà tiết lộ rằng đã tiếp xúc với chính trị từ năm 8 tuổi khi ông Thaksin còn là ngoại trưởng.
Trước khi dấn thân vào chính trị, bà Paetongtarn nắm giữ chức quản lý công ty bất động sản Rende Development. Ngoài ra, bà cũng sở hữu cổ phần tại một số công ty lớn.
Bà là một người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội khi trang Instagram cá nhân có tới gần 700 triệu người theo dõi.
Bà Paetongtarn "chào sân" chính trường Thái Lan tại một cuộc họp của đảng Pheu Thai vào tháng 10/2021. Pheu Thai khi đó bổ nhiệm bà Paethongtan làm người đứng đầu Ủy ban Tư vấn Đổi mới và Hòa nhập. Kể từ sau đó có rất nhiều đồn đoán về việc bà Paetongtarn sẽ ra tranh cử thủ tướng Thái Lan.
Trong vài năm qua, bà Paetongtarn, người đã kết hôn và có 2 con, được xem là gương mặt đại diện của Pheu Thai, đảng được gia tộc quyền lực Shinawatra hậu thuẫn.
Bà Paetongtarn đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử của Pheu Thai năm ngoái, khi đảng này tìm cách tận dụng sự nổi tiếng gia tộc Shinawatra với các cử tri ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc.
Bà đã vận động tranh cử khi đang mang thai, tham gia sự kiện tiếp xúc cử tri trực tuyến khi không còn di chuyển vì sắp sinh nở. Tuy nhiên, đảng này đã về nhì trong cuộc bầu cử. Cuối cùng, bà đã không ra tranh cử thủ tướng vào năm ngoái.
Pheu Thai sau đó đã tập hợp được đủ phiếu từ các đảng nhỏ khác và lập ra chính phủ, đồng thời bầu ông Srettha Thavisin làm thủ tướng.
Thách thức trong tương lai
Bà Paetongtarn, dù đã có kinh nghiệm chính trị nhưng chưa bao giờ giữ chức vụ trong một chính phủ được bầu và chưa có kinh nghiệm quản lý hành chính.
Điều này sẽ khiến bà bị xem là thủ tướng chưa trải qua nhiều thử thách, Reuters nhận định.
"Bà ấy sẽ bị giám sát. Bà ấy sẽ phải chịu rất nhiều áp lực", Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn nhận định, đồng thời dự đoán rằng bà có thể sẽ cần nghe ý kiến tham vấn từ cha, một chính trị gia lão làng.
Việc bà Paetongtarn trở thành thủ tướng cho thấy quyền lực của Pheu Thai trong chính trường Thái Lan vẫn còn rất mạnh mẽ và cha của bà, cựu thủ tướng Thaksin, có tầm ảnh hưởng không nhỏ, dù ông từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.
"Chúng tôi tự tin rằng Pheu Thai và các đảng trong liên minh cầm quyền sẽ giúp Thái Lan vượt qua khủng hoảng kinh tế", bà tuyên bố hôm qua.
Theo Nikkei, trong cuộc bầu cử năm ngoái, bà Paetongtarn đã chứng tỏ mình là một chính trị gia khéo léo, bẩm sinh. Bà nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Pheu Thai vì có nét tương đồng mạnh mẽ với ông Thaksin, cùng với phong thái gần gũi và khả năng cô đọng các chính sách kinh tế thành ngôn ngữ đơn giản.