1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chân dung thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản kế nhiệm ông Suga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ông Kishida Fumio, một cựu ngoại trưởng Nhật Bản, trở thành chủ tịch mới của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do, động thái mở đường cho việc trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản vào tuần tới.

Chân dung thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản kế nhiệm ông Suga - 1

Tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Kishida Fumio (Ảnh: Nikkei).

Ngày 29/9, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã chính thức chọn ra lãnh đạo mới, ông Kishida Fumio. Do liên minh của LDP đang nắm giữ nhiều ghế nhất trong quốc hội Nhật Bản, nên ông Kishida dự kiến vào tuần tới sẽ trở thành tân thủ tướng nước này, thay thế cho ông Suga Yoshihide - người trước đó đã quyết định sẽ từ chức sau một năm cầm quyền.

Nếu được quốc hội thông qua, ông Kishida sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.

Ông Kishida, 64 tuổi, nhận được sự ủng hộ từ đông đảo các nhân vật cấp cao trong đảng LDP so với đối thủ trực tiếp là Bộ trưởng Bộ trưởng Cải cách hành chính kiêm phụ trách vấn đề vắc xin Kono Taro.

Đây là lần thứ 2 ông Kishida ra tranh cử chủ tịch LDP. Năm ngoái, ông đã thất bại trước Thủ tướng Suga và ông khiêm tốn thừa nhận khi đó mình "vẫn chưa đủ giỏi". "Nhưng lần này mọi thứ đã khác. Tôi đứng ở đây với một niềm tin mạnh mẽ rằng tôi là nhà lãnh đạo cần thiết vào lúc này", ông Kishida tuyên bố khi tuyên bố ra tranh cử thay vị trí của ông Suga.

Ông Kishida được đánh giá là một chính trị gia có quan điểm ôn hòa, từng là ngoại trưởng Nhật Bản từ năm 2012-2017, dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Ông cũng từng là người phụ trách vấn đề chính sách của LDP.

Ông Kishida có xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị ở Hiroshima và đặc biệt yêu thích bóng chày. Ông từng tuyên bố rằng, việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân là "nhiệm vụ của cuộc đời tôi". Năm 2016, ông từng góp sức nhằm đưa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hiroshima trong một chuyến thăm lịch sử.

Nối nghiệp cha và ông nội, ông Kishida bước chân vào con đường chính trị từ năm 1993, sau khi từng làm việc ở một ngân hàng trong thời kỳ nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ.

Ông Kishida tin rằng ông có kỹ năng lắng nghe người khác. Ông cho rằng, công chúng Nhật Bản mong muốn một "nền chính trị của sự hào phóng". Ông từng mời cử tri để lại cho ông các lời nhắn trong các hộp gợi ý và thường mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình tới các sự kiện để ghi lại các góp ý từ người dân.

Những thách thức của tân Thủ tướng

Khi trở thành tân thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida sẽ đối mặt với các thách thức như đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp khó khăn và tình hình an ninh khu vực có dấu hiệu leo thang căng thẳng do Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiệm vụ lớn đầu tiên của ông sẽ là phải chuẩn bị cho một cuộc đua sắp diễn ra: giúp LDP thắng cuộc bầu cử toàn quốc dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay để duy trì lợi thế đa số trong cơ quan lập pháp.

Về vấn đề kinh tế, ông Kishida cam kết sẽ làm giảm khoảng cách thu nhập trong xã hội thông qua việc phân phối lại của cải. Ông cho biết sẽ chi mạnh tay cho các gói kích thích kinh tế hậu đại dịch. Ông đề xuất gói chi tiêu hơn 30 nghìn tỷ yên, nói thêm rằng Nhật Bản có khả năng sẽ không tăng thuế suất bán hàng từ 10% "trong khoảng một thập niên". Ông cũng hướng tới mục tiêu cải cách tài khóa ở Nhật Bản.

Về vấn đề an ninh và ngoại giao, ông Kishida được cho sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận của những người tiền nhiệm Suga và Abe, nhằm tập trung vào liên minh với Mỹ, cam kết hướng tới một "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở" và củng cố quan hệ đối tác với các thành viên khác trong nhóm "Bộ Tứ" (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) để xây dựng vị thế và chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.

Ông Kishida có kế hoạch tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên, trong bối cảnh Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc liên quan tới quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.

Ông Kishida coi việc Nhật Bản có khả năng tấn công là một lựa chọn khả thi khi tình hình an ninh khu vực ngày càng trở nên phức tạp.

Về vấn đề Đài Loan, ông ủng hộ hòn đảo tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Liên quan tới phản ứng với đại dịch Covid-19, ông Kishida dự kiến sẽ lập ra một cơ quan chính phủ mới chịu trách nhiệm về việc chống dịch. Ông cho rằng, việc phát triển các loại thuốc trị Covid-19 và tăng độ phủ vắc xin là yếu tố then chốt để Nhật Bản trở lại cuộc sống bình thường và ông đặt ra mục tiêu điều này sẽ diễn ra vào đầu năm sau.