1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung người phụ nữ nổi tiếng nhất Myanmar

(Dân trí) - Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD, một đảng đối lập tại Myanmar, và từng là chủ nhân giải Nobel Hòa bình, nổi lên là nhân vật quan trọng trên chính trường Myanmar trong nhiều năm trở lại đây.

 


Lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: IBT)

Lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: IBT)

Bà Suu Kyi được xem là biểu tượng cho hy vọng của người dân Myanmar, nhưng bà lại là “cái gai” đối với chính quyền quân sự lãnh đạo Myanmar hơn nửa thế kỷ qua.

Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon) trong một gia đình làm chính trị. Bà là con gái của tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện nay và cũng chính là người đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông Aung San bị ám sát trong giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập.

Năm 1964, bà Suu Kyi bắt đầu theo học Đại học Oxford (Anh), nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế. Sau một thời gian dài định cư ở nước ngoài từ Ấn Độ, Nhật Bản, Bhutan đến Anh, bà trở về Yangon vào năm 1988  - thời điểm Myanmar đang trong cơn biến động chính trị lớn. Bà đã nhanh chóng dẫn đầu phong trào dân chủ ở Myanmar khi đó. Từ một cô gái trầm tính, giản dị, bà Suu Kyi đã trở thành một phụ nữ tự tin, quyết đoán, một biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động của Myanmar.

Ngày 24/9/1988, bà thành lập Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và trở thành chủ tịch của đảng này. Trong cuộc bầu cử phổ thông năm 1990, NLD giành 59% tổng số phiếu và 81% (392 trên 485) ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, do đoán trước được cục diện bầu cử, chính quyền quân sự khi đó ra quyết định quản thúc tại gia đối với bà Suu Kyi gần 2 thập kỷ, đồng thời bác bỏ kết quả bầu cử. 

Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực đấu tranh bất bạo động vì dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, bà không thể đến nhận giải do bị quản thúc ở Myanmar và phải chờ đến tận năm 2012.

Trong thời gian quản thúc này, bà được thả lần đầu tiên vào năm 1995, song tiếp tục bị quản thúc vào năm 2000 trước khi được thả lần 2 vào năm 2002. Bà bị bắt giam lần 3 vào năm 2003 và được thả lần cuối cùng vào tháng 11/ 2010.

Đầu tháng 2/2011, không lâu sau khi bà Suu Kyi được thả, Quốc hội Myanmar đã bầu ông Thein Sein làm tổng thống dân sự. Bà Suu Kyi khi đó đã quyết định ứng cử vào quốc hội. Ngày 2/5/2012, đảng của bà Suu Kyi giành đa số ghế trong cuộc bầu cử phụ với 43 trên 45 ghế. Sự kiện này được đánh giá là khởi đầu cho thời kỳ mới tại Myanmar.

Tuy nhiên, khi bà Suu Kyi bất ngờ nổi lên như thủ lĩnh đối lập, Quốc hội Myanmar đã bỏ phiếu bác bỏ thay đổi trong hiến pháp vào tháng 6/2015 nhằm cấm bà Suu Kyi tranh cử Tổng thống. Mặc dù tham gia chính trường nhưng bà Suu Kyi không có cơ hội trở thành Tổng thống Myanmar do có chồng quá cố và con trai mang quốc tịch Anh.

Trong tuyên bố mới đây, bà Suu Kyi khẳng định nếu NLD giành chiến thắng, bà sẽ giữ một vị trí “trên cả tổng thống” để vô hiệu hóa điều khoản trong hiến pháp. Myanmar không có chức thủ tướng do đó tổng thống sẽ điều hành cả nhà nước và chính phủ và được xem là vị trí cao nhất.

Theo kết quả bầu cử sở bộ vừa được Ủy ban bầu cử Myanmar công bố cuối ngày 10/11, NLD đã giành 15 trong tổng số 16 ghế đầu tiên trong quốc hội, trong đó có 12 ghế tại đơn vị bầu cử Yangon. Đây là chiến thắng áp đảo của đảng NLD trước đảng cầm quyền Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP).

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Thein Sein cam kết rằng quân đội và chính phủ sẽ chấp nhận kết quả bỏ phiếu. Ông Thein Sein cũng cho biết ông sẽ làm việc với các đảng đối lập NLD để bảo đảm một quá trình chuyển đổi ổn định.

Minh Phương

Tổng hợp

 

Chân dung người phụ nữ nổi tiếng nhất Myanmar - 2