1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung “bà đầm thép” thứ hai của nước Anh

(Dân trí) - Là con gái của một mục sư, trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ lâu nhất trong nửa thế kỷ tại Anh trước khi đặt chân tới tòa nhà số 10 phố Downing và ngồi lên chiếc ghế Thủ tướng, bà Theresa May được kỳ vọng sẽ trở thành hậu duệ xuất sắc của “bà đầm thép” Margaret Thatcher, dẫn dắt nước Anh tiến xa trong thời kỳ hậu Brexit.

Bà Theresa May chính thức trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 13/7 và là nữ thủ tướng thứ 2 trong lịch sử nước Anh. Trong ảnh: Bà Theresa May có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới bên ngoài tòa nhà số 10 phố Downing (Ảnh: AFP)
Bà Theresa May chính thức trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 13/7 và là nữ thủ tướng thứ 2 trong lịch sử nước Anh. Trong ảnh: Bà Theresa May có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới bên ngoài tòa nhà số 10 phố Downing (Ảnh: AFP)

Sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức vào hôm 24/6 cùng với sự kiện đa số người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý trước đó, bà Theresa May đã cùng một số ứng viên khác tham gia tranh cử cho vị trí chủ nhân tòa nhà số 10 phố Downing (Anh). Ngày 11/7, sau khi đối thủ chính của bà trong cuộc đua là Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom bất ngờ bỏ cuộc và Thủ tướng Cameron tuyên bố sẽ từ chức sớm, đảng Bảo thủ cầm quyền chính thức xác nhận bà Theresa May sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Tuy nhiên, chặng đường để bà Theresa May đi đến chiếc ghế Thủ tướng như bây giờ không hề dễ dàng. Đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của bà trên con đường chính trị, cũng như những điểm đặc biệt trong tính cách và phẩm chất của bà khiến bà ghi điểm trong mắt giới chức và người dân Anh.

Đời tư của tân Thủ tướng Anh

Bà Theresa May cùng chồng Philip May (Ảnh: Getty)
Bà Theresa May cùng chồng Philip May (Ảnh: Getty)

Bà Theresa Mary May (tên khai sinh là Theresa Mary Braiser) sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, East Sussex, bờ biển phía đông nam nước Anh. Cha ruột của bà là một mục sư đạo Tin lành, qua đời trong một vụ tai nạn ô tô năm bà 25 tuổi. Mẹ bà, một phụ nữ mắc chứng xơ cứng, cũng qua đời một năm sau đó. Mặc dù sinh ra ở Sussex nhưng bà May lớn lên chủ yếu ở Oxfordshire.

Bà theo học cả trường công lẫn trường tư trước khi tới Oxford và theo học ngành nghiên cứu địa lý tại Cao đẳng Hugh, thuộc Đại học Oxford.Theo BBC, chính tại ngôi trường này, bà đã gặp người chồng tương lai của mình là ông Philip May trong một buổi khiêu vũ dành cho những sinh viên theo đảng Bảo thủ. Tờ ABC cho biết, người chắp nối mối lương duyên giữa hai vợ chồng bà May chính là Benazir Bhutto, người sau này trở thành Thủ tướng Pakistan. Cặp đôi kết hôn năm 1980 nhưng không sinh có con.

Khác với nhiều chính trị gia hiện đại, bà May khá kín tiếng về đời tư và hầu như không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trước công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Anh, bà May tiết lộ một trong những sở thích lớn nhất của bà là nấu ăn. Bà May từng nói bà có hơn 100 cuốn sách dạy nấu ăn. Ngoài ra bà còn có sở thích đi bộ trên núi và là một fan hâm mộ môn thể thao cricket. Theo Independent, hai vợ chồng bà hiện sống tại Sonning-on-Thames, một ngôi làng thuộc hạt Berkshire (Anh).

Theresa May là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán. Bà đã từng “làm loạn” trong trường trung học khi phản đối việc nhà trường không cho phép học sinh nữ tham gia vào các trận bóng bầu dục. Tân Thủ tướng Anh cũng từng tuyên bố rằng bà là một người đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền. Ngay từ năm 12 tuổi, bà đã nuôi ý định trở thành một chính trị gia. Niềm mong mỏi được đem tiếng nói phục vụ cộng đồng và cống hiến cho xã hội của bà được khởi nguồn từ người cha mục sư, người luôn mong muốn giúp đỡ những người khác bằng đức tin của mình. “Bạn không thể chỉ nghĩ cho mình. Điều quan trọng là hãy nghĩ cho những người khác”, bà May từng chia sẻ với một tờ báo Anh về con đường chính trị bà đã chọn.

Tủ giầy của bà Theresa May luôn dành chỗ cho những đôi giầy da báo gót nhọn (Ảnh: Mirror)
Tủ giầy của bà Theresa May luôn dành chỗ cho những đôi giầy da báo gót nhọn (Ảnh: Mirror)

Một điểm thú vị trong phong cách thời trang của tân Thủ tướng Anh từng khiến nhiều người chú ý là những đôi giày của bà. Bà May nổi tiếng thường đi những đôi giày da báo gót nhọn hoặc những đôi giày đinh tán, điều đó cho thấy một phần trong cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ gần 60 tuổi này.

Sự nghiệp chính trị

Theo Mirror, trước khi bước chân vào chính trường, bà May đảm nhận các công việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà đầu quân làm việc cho Ngân hàng Anh. Bà rời khỏi Ngân hàng Anh vào năm 1985 và trở thành nhà tư vấn tài chính và cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế tại Hiệp hội dịch vụ thanh toán Anh. Bà bắt đầu hoạt động chính trị từ năm 1986 sau khi trở thành ủy viên hội đồng tại khu Merton, London. Sau hai lần thất bại trong cuộc đua vào Quốc hội Anh năm 1992 và 1994, bà May được bầu làm thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ tại Maidenhead năm 1997.

Năm 2002, bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ dưới thời Thủ tướng Tony Blair. Cũng trong năm đó, bà May đã có một bài phát biểu tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ khiến dư luận “dậy sóng” khi nhắc nhở phe cánh hữu về việc cử tri xem đảng Bảo thủ là “đảng xấu xa”.

Khi đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2010, bà May, trước đó đã giành thắng lợi giòn giã trong cuộc bỏ phiếu tại Maidenhead, được ông Cameron bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Bình Đẳng và Bộ trưởng Nội vụ, một trong những vị trí “gai góc” nhất trong chính phủ. Vậy nhưng, bằng tài năng và bản lĩnh của mình, bà đã nắm giữ vị trí đó cho tới tận bây giờ và trở thành Bộ trưởng Nội vụ tại nhiệm lâu nhất ở Anh kể từ năm 1892, theo ABC.

Bà May giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ Anh từ năm 2010 tới nay (Ảnh: AFP)
Bà May giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ Anh từ năm 2010 tới nay (Ảnh: AFP)

Bà May được đánh giá rất cao trong vai trò lãnh đạo Bộ Nội vụ suốt 6 năm qua. Công chúng Anh ghi nhận những nỗ lực của bà trong nhiều vấn đề nổi cộm của đất nước như đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới, giảm tỷ lệ người nhập cư, bảo vệ Anh khỏi chủ nghĩa khủng bố… Globalnews nhận định, kể từ khi lên nắm quyền tại Bộ Nội vụ, bà đã đưa ra nhiều chính sách nhằm cải cách nạn tham nhũng trong đội ngũ cảnh sát, ủng hộ mạnh mẽ bình đẳng giới và hôn nhân đồng tính, đồng thời thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong Quốc hội. Bà đã nhận được nhiều lời khen vì đã trục xuất thành công nhà truyền giáo cực đoan Abu Qatada ra khỏi nước Anh và kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư, một trong những vấn đề được dân chúng Anh đặc biệt lưu ý. Bên cạnh đó, trong thời gian bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, tỷ lệ phạm tội ở Anh giảm rõ rệt và nước Anh không có một vụ tấn công khủng bố lớn nào.

Trong thời gian gần đây, bà May được công chúng Anh đặc biệt chú ý vì đưa ra đề xuất mang tên “Snoopers’ Charter”, một phần của dự thảo luật cho phép cảnh sát và các cơ quan công quyền có thể giám sát dữ liệu thông tin cá nhân của người dân nhằm đối phó với các phần tử khủng bố trên tinh thần bảo đảm quyền con người và luật bảo mật của Liên Hợp Quốc.

Giới phân tích cho rằng, để trở thành chủ nhân của căn nhà số 10 phố Downing, ngoài bản lĩnh chính trị và tố chất lãnh đạo sẵn có, bà May được cho là đã thực hiện một chiến lược tranh cử thông minh và kịp thời sau khi ông Cameron tuyên bố sẽ từ chức. Theo đó, bà đã đưa ra một loạt những ưu tiên trong chính sách để giành được sự ủng hộ từ công chúng Anh cũng như các thành viên trong đảng, trong đó có vấn đề đoàn kết nội bộ đảng, thống nhất đất nước, vốn đang bị chia rẽ bởi việc ra đi hay ở lại EU, và tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp còn tồn đọng trong lòng nước Anh.

Tờ Finacial Times đã nhận xét bà là một người theo chủ nghĩa bảo thủ tự do và so sánh bà với Thủ tướng Đức Angela Merkel như những hình mẫu nữ chính trị gia có phong cách làm việc cứng rắn. Bà May cũng được cho là một trong những lãnh đạo có khả năng làm việc không biết mệt mỏi, đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của cựu Thủ tướng Anh nổi tiếng một thời Margaret Thatcher.

Vai trò lãnh đạo Anh trong thời kỳ hậu Brexit

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và người kế nhiệm Theresa May (Ảnh: PA)
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và người kế nhiệm Theresa May (Ảnh: PA)

Giống ông Cameron, Theresa May là một trong những người ủng hộ việc Anh ở lại EU. Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố với việc đa số người dân Anh chọn rời EU và kịch bản Brexit chắc chắn sẽ xảy ra, bà May tuyên bố rằng: “Brexit vẫn là Brexit. Chiến dịch vẫn động đã diễn ra. Người dân đã đưa ra quyết định. Với tư cách là Thủ tướng, tôi đảm bảo rằng chúng ta sẽ rời EU”. Bà cũng bác bỏ khả năng bầu cử trước hạn hay tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

Lúc này, bà May thể hiện vai trò của một người kết nối, giữa một bên là phe hoài nghi châu Âu và một bên là phe tiến bộ của đảng Bảo thủ. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm chính trị của mình, bà May đã cho thấy khả năng tập hợp được các phe phái xung khắc trong nội bộ đảng, đồng thời khiến cho mâu thuẫn giữa những người ủng hộ và những người phản đối Brexit lắng dần xuống.

Trong cương vị Thủ tướng, bà May đã đưa ra những kế hoạch điều hành đất nước sau khi đắc cử, trong đó có việc vực dậy nền kinh tế và thương lượng những điều khoản tốt nhất để Anh rời EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, khó khăn trước mắt của tân Thủ tướng Anh vẫn còn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh nước Anh sẽ không còn là thành viên của Liên minh châu Âu sau khi quá trình đàm phán kết thúc. Mặc dù vậy, nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Anh khẳng định bà sẽ làm hết sức có thể để dẫn dắt nước Anh tiến xa hơn nữa trong tương lai và cam kết đưa Anh trở thành một đất nước đáp ứng được nguyện vọng của tất cả mọi người.

Thành Đạt

Tổng hợp