1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cha đẻ “sức mạnh mềm” ngạc nhiên vì hành xử của TQ

Gs Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết “sức mạnh mềm” nổi tiếng ngạc nhiên khi “Trung Quốc hi sinh ảnh hưởng to lớn ở khu vực vì những bãi đá hoang” ở biển Đông.

Mặc dù dưới những bãi đá hoang này là nhiều nguồn lợi, như dầu khí, song cái giá Trung Quốc phải trả đắt đỏ hơn nhiều. Chính nước này đã đẩy nhiều nước trong khu vực vào vòng tay của Mỹ.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu nội dung trong Hội nghị Diễn đàn Toàn cầu Boston tại Harvard Faculty Club bàn về xây dựng giải pháp cho Hòa bình và An ninh ở Thái Bình Dương tổ chức ngày 17/09 vừa qua. Từ Hội nghị này, Diễn đàn Toàn cầu Boston sẽ xây dựng phác thảo Sáng kiến và tiếp tục thảo luận với các học giả, các nhà lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó đưa ra thảo luận tại Hội nghị vào ngày 5/11/2014 , sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện để chính thức công bố Sáng kiến về Nền tảng cho Hoà bình và An ninh ở Thái Bình Dương vào ngày 12/12/2014.

Hội nghị trực tuyến xây dựng nền tảng cho Hòa bình và An ninh ở Thái Bình Dương là một hoạt động quan trọng của Diễn đàn Toàn cầu Boston, quy tụ các học giả nổi tiếng của Harvard, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp, kết nối từ Boston tới Washington, Tokyo, Hà Nội và Bonn.

Hội nghị do Gs Michael Dukakis, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston dẫn dắt. Tham dự hội nghị có ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ; Cha đẻ thuyết quyền lực mềm GS Joshep Nye, Cựu Thủ tướng Úc – Kevin Rudd, Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Hiệu trưởng trường Luật và Quan hệ quốc tế Fletcher , Stephen Bosworth, –Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, Giáo sư JD Bindenagel , Cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ Ichiro Fujisaki ....

Sai lầm đắt giá của Bắc Kinh

Phát biểu tại Hội nghị, Gs Joseph Nye cho rằng trên thực tế, Trung Quốc đã nhận ra rằng nếu cứ dựa vào sức mạnh cứng như quân sự, kinh tế, những thứ nước này đều có thì sẽ gây ra nguy cơ đẩy những chủ thể bị đe dọa thành lập liên minh chống lại mình. Nhưng nếu Bắc Kinh có thể kết hợp sức mạnh mềm và sức mạnh cứng để lôi cuốn các nước khác thì có thể ngăn chặn sự hình thành liên minh như trên.

Năm 2007, tại Đại hội Đảng lần thứ 17, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tăng cường sức mạnh mềm. Kể từ đó, nước này đã không tiếc tiền của đầu tư vào các công cụ khuếch trương ảnh hưởng như CCTV.

GS Joshep Nye (ngoài cùng) trao đổi với Cựu Ứng viên Tổng thống Michael Dukakis. Ảnh: BGF

GS Joshep Nye (ngoài cùng) trao đổi với Cựu Ứng viên Tổng thống Michael Dukakis. Ảnh: BGF
Tuy nhiên, theo GS Joseph Nye, khi Bắc Kinh sử dụng sức mạnh cứng để răn đe các nước trong khu vực, như trường hợp họ sử dụng sức mạnh cưỡng bức đe dọa đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scaborough, hay hành xử khiêu khích gần đây ở Biển Đông, chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn phản tác dụng. “Trung Quốc không những không lôi cuốn được các nước khác, mà ngược lại, tinh thần phản đối Trung Quốc thậm chí còn dâng cao mạnh mẽ ở nhiều nước”.

Như vậy, thay vì ngăn chặn sự hình thành của một liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc thì sai lầm chiến lược mà Bắc Kinh phạm phải đã đẩy các nước vào vòng tay của Mỹ.

Tìm nền tảng cho Hòa bình và An ninh Thái Bình Dương

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd nhận định quan hệ Mỹ - Trung, trục quan hệ mang tính rường cột đối với ổn định khu vực hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ.

Theo ông Rudd, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay là mối quan hệ điển hình giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc nguyên trạng, dẫn đến nảy sinh hai khuynh hướng: cường quốc mới nổi có những hành động chống lại cường quốc hiện tại, hay cường quốc hiện tại tìm mọi cách cản trở sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi. Cả hai xu hướng này đều dẫn tới nguy cơ hai nước mất lòng tin chiến lược với nhau, dẫn tới kịch bản nguy hiểm và bất ổn cho cả thế giới.

“Trung Quốc là một nền văn hóa lâu đời và đã nhiều lần trong lịch sử tìm cách trở thành cường quốc không chỉ trong khu vực mà ở phạm vi toàn cầu. Từ 10 năm nay, họ đã liên tục tuyên truyền về quyền của mình. Vấn đề là làm sao để những đòi hỏi của Trung Quốc đi kèm với những hành xử đúng mực”, cựu Thủ tướng Úc nhấn mạnh.

Chia sẻ với quan điểm của nhà cựu lãnh đạo Úc, ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề đa phương cho rằng những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đang ngày càng gia tăng ở mức độ phức tạp hơn, đe dọa đến hòa bình, an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị tại Harvard Faculty Club. Ảnh: BGF

Hội nghị tại Harvard Faculty Club. Ảnh: BGF
Vị quan chức ngoại giao Mỹ tái khẳng định chính sách can dự tích cực của Mỹ nhằm tìm kiếm và xác lập một khuôn khổ cho phép giải quyết tranh chấp trên biển Thái Bình Dương bằng các biện pháp hòa bình. Theo ông Fuchs, một yếu tố thiết yếu của khuôn khổ này là các mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với một số nước trong khu vực. Mỹ sẽ nỗ lực củng cố các mối đồng minh này bởi đây là trụ cột cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực trong suốt mấy thập niên vừa qua.

Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng nêu bật vai trò trung tâm của các thể chế đa phương trong khu vực. Mặc dù mức độ trưởng thành về thể chế của ASEAN và các định chế trong ASEAN, APEC… chưa thể so sánh được với các tổ chức khác như Liên Minh châu Âu, song đây vẫn là nơi thích hợp nhất để bàn thảo và tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp.

“Những cơ chế này không chỉ đơn thuần là nơi để các nhà lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao… bàn về những quy định mới và thương lượng với nhau, mà còn là nơi phát hiện những vấn đề hiện hữu và định hướng giải pháp cho các thách thức chính trong khu vực. Do đó, tôi cho rằng, một trong những việc đầu tiên mà Mỹ tập trung làm là xây dựng các thể chế khu vực và củng cố khả năng thực thi và duy trì luật pháp và quy tắc quốc tế; tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng và những thách thức nghiêm trọng nổi lên của chúng. Đó là nhiệm vụ hàng đầu trước khi bàn đến xây dựng khuôn khổ dài hạn nhằm đảm bảo ổn định khu vực”.

Tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết bằng thể chế đa phương

Liên quan đến tranh chấp Biển Đông, ông Fuchs tin rằng vấn đề này phù hợp giải quyết bằng các thể chế đa phương.

“Đây là tình huống bao gồm nhiều bên tranh chấp với nhau, và việc theo đuổi yêu sách của một số bên đôi khi không diễn ra hòa bình, thậm chí còn rất khiêu khích và đáng quan ngại với nhau cũng như đối với khu vực và kèm theo đó là nguy cơ gây bất ổn và gia tăng căng thẳng và các sự cố có thể dẫn tới xung đột”.

Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “cho dù một giải pháp có thể chưa sớm đạt được thì các thể chế đã phương này sẽ vẫn là nơi để các bên bàn bạc các vấn đề và giải pháp, bởi thực tế, không hề có một nơi gặp gỡ nàokhác cho các bên ngồi lại với nhau để bàn cách giải quyết vấn đề. Do vậy, đây là nơi chúng ta cần cố gắng trao quyền để gỡ rối thách thức”.

Theo Anh Minh
Vietnamnet