1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Câu chuyện về tân Thủ tướng Anh Gordon Brown (1)

(Dân trí) - Thủ tướng Anh Gordon Brown có vẻ như xuất sắc trong mọi lĩnh vực mà ông tham gia, thăng tiến nhanh chóng ở Công đảng và luôn truyền được ngọn lửa nhiệt thành cho những ai gần gũi ông.

Chưa có ai nghi ngờ về quyết tâm sắt đá và trí tuệ sắc sảo của vị Thủ tướng mới của nước Anh. Tài năng của ông đã được bộc lộ từ rất sớm..

 

Đam mê chính trị

 

James Gordon Brown, sinh năm 1951, là con trai thứ hai của Đức cha, Tiến sĩ John Ebenezer Brown, mục sư của một nhà thờ ở Scotland. Gia đình Brown sống ở Glasgow cho đến khi Brown được ba tuổi, sau đó họ chuyển tới Kirkcaldy, một thị trấn công nghiệp nhỏ ở phía bắc vịnh Forth và đó cũng chính là khu vực mà ông làm đại diện trong Nghị viện Anh hiện nay. Ông Brown thường nói rằng bố mẹ ông là "nguồn cảm hứng" cho sự nghiệp chính trị và là "quy chuẩn đạo đức" để ông tuân theo.

 

Không ai có thể nghi ngờ đam mê chính trị của Brown. Ngay từ khi 12 tuổi, ông đã đi bỏ những tờ truyền đơn của Công đảng vào các hộp thư ở Kirkcaldy. Về học vấn, Brown cũng tỏ ra rất xuất sắc. Sau khi tham gia một bài kiểm tra IQ, ông đã được gửi tới trường trung học Kirkcaldy khi mới 10 tuổi. Gordon và những người bạn "đặc biệt" khác đã được dạy trong những lớp học đặc biệt bằng chương trình giáo dục cấp tốc thử nghiệm.

 

Brown đã theo học lớp dự bị đại học của Scotland sớm hai năm

Tóm tắt tiểu sử của Gordon Brown

 

Sinh ngày: 20/2/1951

Trình độ học vấn: Đại học Edinburgh

1972: Hiệu trưởng trường Edinburgh

1976: Giảng viên chính trị, Cao đẳng Kỹ thuật Glasgow

1980: Phóng viên truyền hình

1983: Nghị sĩ Công đảng đại diện cho đông Dunfermline

1985: Người phát ngôn thương mại và công nghiệp phe đối lập

1987: Thư kí Bộ tài chính phe đối lập

1989: Người phát ngôn thương mại và công nghiệp phe đối lập

1992: Bộ trưởng tài chính phe đối lập

1997: Bộ trưởng Tài chính 

và được gọi là "Dux", nghĩa là sinh viên xuất sắc nhất. Khi 16 tuổi, ông đã theo học đại học Edinburgh cùng với anh trai John và là sinh viên năm thứ nhất trẻ tuổi nhất kể từ năm 1945.

 

Đại học Edinburgh cuối những năm 1960 là nơi có nhiều sinh viên cấp tiến và một trong số đó là Brown. Khi học năm thứ hai, Brown theo bước anh trai mình trở thành biên tập viên của tạp chí Sinh viên, thu thập các tin tức trên toàn quốc, đặc biệt là các tin tức về đầu tư của trường đại học vào Nam Phi, hồi đó còn theo chủ nghĩa a-pác-thai. Sau khi tốt nghiệp, Brown trở thành hiệu trưởng trường Edinburgh năm 1972.

 

Ở tuổi 23, Brown suýt trở thành ứng viên trong cuộc tổng tuyển cử năm 1974. Năm 1975, ông đã viết rất nhiều cho tờ The Red Paper của Scotlen với một sê-ri các bài luận về tương lai chính trị của đất nước, trong đó ông kêu gọi "sự cam kết tích cực để tạo ra một xã hội theo xã hội chủ nghĩa".

 

Trong cuộc bầu cử năm 1979, Brown đã đăng kí đại diện cho Công đảng ở khu vực nam Edinburgh và thua sít sao Bộ trưởng tương lai của đảng Bảo thủ Micheal Ancram. Và phải đến khi làm phóng viên truyền hình và nhà sản xuất cho STV ở Glasgow, ông mới giành được một ghế an toàn trong Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 1983. Khi đó ông 32 tuổi.

 

Gặp người bạn mới Tony Blair

 

Một vài tuần sau khi có chân trong Hạ viện, Brown bắt đầu làm việc cùng một người mới có tên là Tony Blair, một luật sư 30 tuổi. Đó là thời kì khó khăn của Công đảng bởi đảng này giành được số phiếu bầu thấp nhất trong vòng 60 năm trở lại. Brown và Blair cùng thấy thất vọng về hướng đi cũng như sự đấu đá trong nội bộ Công đảng.

 

Cả Blair và Brown cùng thuyết phục Công đảng phải thay đổi nếu như đảng này muốn tiếp tục giành được quyền lực một lần nữa. Chính vì vậy mà họ nhanh chóng không thể tách rời nhau - chia sẻ ý tưởng với nhau, ra nước ngoài cùng nhau, thậm chí là viết cùng nhau từng bài diễn văn.

 

Brown rõ ràng là đối tác già dặn hơn. Ông nhiều hơn Blair hai tuổi và biết nhiều về nguồn gốc các phong trào của Công đảng. Ông đã dạy cho Blair cách ứng xử với báo chí, sử dụng những kinh nghiệm truyền hình của mình thu hút báo giới.

 

Tiềm năng của bộ đôi này đã khiến cho lãnh đạo Công đảng Neil Kinnock để ý và đã cất nhắc họ vào đội ngũ của ông. Họ nhanh chóng tham gia vào công cuộc hiện đại hóa Công đảng, xốc lại chiến lược truyền thông của đảng cùng với Peter Mandelson, một nhà sản xuất truyền hình được Kinnock thuê.

 

Thỏa thuận lãnh đạo

 

Đầu những năm 1990, Brown đã thăng tiến rất nhanh. Tuy nhiên, lúc này Blair và Brown lại bị đẩy vào tình cảnh làm đối thủ của nhau để cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng.

 

Blair đã thuyết phục rằng với nụ cười thân thiện, ông sẽ thu hút được nhiều lá phiếu của các cử tri dao động. Cuồi cùng Blair và Brown đã đạt được thỏa thuận trong bữa tối tại nhà hàng Islington's Granita. Theo đó, để dọn đường cho cuộc chạy đua lãnh đạo, ông Blair hứa sẽ để cho ông Brown trở thành Bộ trưởng quyền lực nhất trong lịch sử, với quyền kiểm soát chính sách đối nội.

 

Các điều khoản trong thỏa thuận này đã tạo ra căng thẳng trong nội bộ Công đảng nhưng mục tiêu đưa Công đảng vượt qua phe đối lập đã khiến họ phải đoàn kết. Cùng nhau, họ đã tạo nên một cỗ máy vận động cực kì hiệu quả, không ai làm việc nhiều như Gordon Brown để bảo đảm cho Tony Blair tiến thẳng tới chức Thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 1997.

 

Khi Blair bước vào phố Downing trong niềm lạc quan của công chúng, Brown lại xuất hiện ở Bộ Tài chính Anh với việc bảo đảm quyền kiểm soát tỉ lệ lãi suất với ngân hàng nước Anh. Brown còn bắt đầu sáp nhập thêm quyền lực từ các bộ khác khi ông mở rộng tầm với của Bộ Tài chính tới hầu hết các lĩnh vực đối nội.

 

Quyền lực mà Brown nắm giữ trong các chính sách đối nội cuối cùng đã dẫn tới rạn nứt trong quan hệ giữa Số 10 phố Downing và Bộ Tài chính. Tháng 1/1998, đồng minh của Blair đã viết một bài báo về "những sai lầm tâm lý" của Brown, sau khi cuốn tiểu sử nói về việc ông Blair lừa dối Brown bị cấm xuất bản.

 

(Còn tiếp)

Long Nguyễn

Theo BBC