1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Câu chuyện về điệp viên huyền thoại của thế kỷ XX

Ngày 2/11, tại Dinh tổng thống Nga ở Novo - Ogarevo, Tổng thống Putin đã gặp các quan chức của Cục Tình báo Nga (GRU) để trao cho họ gìn giữ danh hiệu anh hùng mà ông truy tặng cho một cố điệp viên Nga. Điệp viên đó là George Koval, tình báo Liên Xô duy nhất lọt được vào nơi sản xuất vật liệu cho những quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ.

Trao "Ngôi sao vàng" cho các nhân viên GRU do tướng Valentin Korabelnhikov dẫn đầu, ông Putin nói: "George Koval đã đóng góp công lao không gì sánh được cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở đất nước chúng ta".

 

Tuy nhiên, cả tổng thống lẫn Korabelnhikov không nói thêm một lời nào về công trạng của một con người, mà theo nhiều tờ báo Nga, đã "giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân bùng nổ".

 

Khi một nhà báo hỏi tướng Korabelnhikov: "Tại sao các ông không trao huy chương khi George Koval còn sống?", câu trả lời là: "Vì lúc sinh thời, ông yêu cầu không tiết lộ tên tuổi cũng như hoạt động của mình". Chỉ vài ngày trước khi chết, ông mới gọi đồng nghiệp tới và nói: "Giờ thì các ông có thể nói về tôi". George Koval từ trần vào năm 2006, ở tuổi 94.

 

Một số phận kỳ lạ

 

Có lẽ định mệnh của George Koval đã được quyết định từ nơi ông sinh ra: thành phố Sioux, bang Iowa. Cha của George Koval là Abram Koval, vốn là một thợ mộc ở nước Nga Sa hoàng. Anh đã thề non hẹn biển với một cô gái đang làm việc ở nhà máy sản xuất kính, là một người có quan điểm cách mạng xã hội.

 

Do không thể dành dụm đủ tiền để lập nghiệp ở Nga, Abram Koval, một người thực tế, yêu đời và luôn nhìn về tương lai, đã nghe theo người quen ở Mỹ chuyển sang Iowa làm việc vào năm 1910. Sau khi ổn định, Abram đưa người yêu sang cùng lập nghiệp. Họ lập gia đình và sinh sống ở Mỹ trong 20 năm.

 

Gia đình Koval có thêm đứa con thứ ba thì tình hình kinh tế Mỹ ngày càng khó khăn. Tin tức từ quê hương cho họ biết về những chấn động lớn ở nước Nga. Cách mạng Tháng 10, nội chiến, rồi ổn định, tập thể hóa và công nghiệp hóa... Cuộc sống trở nên tươi sáng hơn. Năm 1932, cả nhà Koval hồi hương. Họ bắt đầu cuộc sống mới tại Birobidzhan (Siberia), nơi George Koval, khi ấy đã là một thanh niên có hai năm học cao đẳng kỹ thuật tại Mỹ, làm thợ nguội cho một tổ hợp kỹ thuật nông nghiệp.

 

Năm 1934, George Koval tới Matxcơva, trở thành sinh viên Học viện Công nghệ hóa Mendeleev. George bảo vệ xuất sắc luận án tốt nghiệp về đề tài các loại khí hiếm năm 1939. Nhờ thành tích tốt, anh được đặc cách làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ.

 

Nhưng 1939 cũng là năm có nhiều biến động khác trong cuộc đời George. Anh lập gia đình, đồng thời lọt vào sự quan tâm của giới tình báo quân sự Liên Xô. Còn ứng viên tình báo nào tuyệt vời hơn một sinh viên Liên Xô xuất sắc với khả năng nói tiếng Mỹ hoàn hảo? Họ mời George Koval lên nói chuyện và George Koval, bị hấp dẫn bởi nhiệm vụ mới, đồng ý hợp tác. Anh bỏ dở dang công trình nghiên cứu, lên đường.

 

Chiến dịch Delmar

 

Sau một khóa đào tạo, George Koval - biệt danh Delmar -được gửi tới Mỹ. Lúc đầu, mọi việc khá chật vật. Giấy tờ tùy thân mà tổ chức cấp cho Delmar không giúp cho anh tìm được một vỏ bọc tin cậy.

 

Cuối cùng, Delmar quyết định liều: anh "trở lại" là George của Sioux City, nơi anh từng sinh ra, học hành và trưởng thành. Nhờ đó, George không khó khăn gì khi tìm việc và gây dựng được những mối quan hệ mới, dĩ nhiên là với sự kiềm chế không bao giờ quay trở lại Sioux để khỏi gây khó khăn cho "Delmar".

 

Năm 1943, như nhiều thanh niên Mỹ khác, anh bị động viên. Delmar báo cáo về trung tâm và được trả lời là cứ phải xuôi theo thời thế nếu không thể cưỡng lại được. George tòng quân, nhưng nhờ có bằng tốt nghiệp hai năm cao đẳng kỹ thuật, nên được cử đi đào tạo một chuyên ngành rất mới thời kỳ đó liên quan tới các vật liệu hạt nhân, tại NewYork.

 

Tháng 8/1944, binh sĩ George tốt nghiệp xuất sắc khóa học và được gửi tới làm việc tại Oak Ridge (bang Tennessee). Những gì George thấy được tại Oak Ridge làm anh kinh ngạc: tại các nhà máy, hàng chục nghìn nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, cảnh sát, điệp viên FBI đang làm việc. Thành phố tập trung hầu hết những bộ não khoa học tốt nhất của nước Mỹ mà việc ra vào được kiểm tra gần như tuyệt đối.

 

Delmar làm việc tại một nhà máy sản xuất plutonium với 1.500 nhân viên. Là nhân viên đo đạc phóng xạ, Delmar có thể lui tới nhiều cơ sở khác nhau của nhà máy (sau này, ở tuổi 90, ông có lần tự hào là người Nga đầu tiên cầm trên tay những mẩu plutonium đầu tiên của nước Mỹ).

 

Ông quan sát việc sản xuất plutonium bằng con mắt của một chuyên gia tốt nghiệp một trong những trường đại học hóa tốt nhất của Liên Xô, trong khi kiến thức kỹ thuật trong trường cao đẳng Mỹ cho ông đánh giá chính xác những gì quan sát được và rút ra những kết luận cần thiết.

 

Chính Delmar năm 1945 đã thông báo về việc người Mỹ đã sản xuất polonium đồng thời sử dụng chúng trong các dự án hạt nhân. Một trong những báo cáo đó viết: "Polonium chế tạo nên đã được gửi tới bang New Mexico, nơi nó được sử dụng cho bom hạt nhân. Polonium được làm từ bitmut. Ngày 1/11/1945, số lượng sản xuất của nhà máy là 300 curi polonium/tháng, và hiện giờ đã lên tới 500 curi. Không ở đâu có thông báo gì về việc sản xuất polonium và việc sử dụng nó cả. Bảng mô tả quá trình sản xuất polonium sẽ được gửi ngay sau đây".

 

Delmar chính là tình báo viên đầu tiên mách nước cho các nhà hóa học và các nhà thiết kế Xô viết về việc nguyên tố polonium được dùng làm gì trong các quả bom hạt nhân Mỹ. Nhờ đó, Liên Xô đã đẩy nhanh tiến trình chế tạo của mình để công bố việc sở hữu bom hạt nhân năm 1949, mà theo nhiều nhà bình luận, giúp "cân bằng" tương quan lực lượng Xô - Mỹ thời kỳ đó.

 

Tháng 9/1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. George được giải ngũ. Trưởng phòng thí nghiệm đề nghị George tiếp tục làm nhiệm vụ cũ, hứa sẽ thăng chức. Tuy nhiên, nhà tình báo đã linh cảm được sự thay đổi trong việc tuyển mộ chuyên gia làm việc tại các địa điểm hạt nhân Mỹ và không muốn phiêu lưu. Năm 1946, ông trở lại New York.

 

Linh tính của George không sai: người Mỹ tăng cường nguyên tắc tuyệt mật trong các địa điểm hạt nhân. Nhiều bài viết về các điệp viên Xô viết tăng cường hoạt động ở Mỹ tràn ngập các báo Mỹ và Canada, trong đó có trả lời phỏng vấn của một điệp viên Liên Xô phản bội Guzenko. Các thượng nghị sĩ Mỹ lên tiếng đòi "chấm dứt nạn tình báo hạt nhân Xô Viết".  Không muốn bị bại lộ, George đề nghị trở lại Matxcơva. Cuối năm 1948, đề nghị của ông được thông qua.

 

Ngày trở về

 

Về nước, George tiếp tục trở lại nghiên cứu ở Học viện Công nghệ hóa Mendeleev, và hai năm sau ông dễ dàng bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học. Thế nhưng sau đó nảy sinh "vấn đề": Koval thất nghiệp, đơn giản với lý do "quá ít nhu cầu về chuyên gia thuộc chuyên ngành của ông".

 

Thật ra, vấn đề nằm ở "đốm trắng" trong bản lý lịch của ông. Tại sao ông "phục vụ quân đội" suốt 10 năm từ năm 1939-1949, nhưng khi xuất ngũ George vẫn là lính trơn? Không một bằng chiến công, không một huy chương, nhưng cũng không một án kỷ luật?

 

Đến năm 1953 thì cuộc sống không cho phép George Koval tiếp tục kiên nhẫn. Ông gửi thư tới lãnh đạo tình báo quân sự đề nghị giúp giải quyết cho "đốm trắng" trong lý lịch để ông còn xin việc. Tình báo quân đội ngay sau đó đã liên hệ với Bộ trưởng giáo dục Liên Xô, thông báo George Koval quả thật trong khoảng 10 năm tại ngũ đã "phục vụ công việc quốc gia mà vì để bảo vệ bí mật nhà nước, George Koval không được quyền công bố". Chỉ sau đó, cánh cửa trường Mendeleev mới mở lại cho Koval.

 

Ông đã giảng dạy tại trường cho đến khi về hưu, với gần 100 công trình khoa học được công bố.

 

Sau khi Nga truy tặng danh hiệu anh hùng cho Geroge Koval, tờ báo Mỹ The New York Times đã gọi ông là "một trong những nhà tình báo quan trọng nhất thế kỷ 20".

 

Theo Ng.Thanh

Tuổi trẻ