1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Câu chuyện đón Giáng sinh bí mật ở Triều Tiên

(Dân trí) - Những câu chuyện về lễ đón Giáng sinh ngầm tại Triều Tiên cho đến nay vẫn là bức màn bí ẩn với thế giới bên ngoài vì hoạt động tôn giáo tại quốc gia này vẫn ẩn chứa nhiều thông tin bí mật.


Kang Jimin - một người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Anh (Ảnh: Independent)

Kang Jimin - một người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Anh (Ảnh: Independent)

Kang Jimin, người từng lớn lên ở thủ đô Bình Nhưỡng và bỏ trốn khỏi Triều Tiên từ năm 2007, cho biết anh hoàn toàn không biết đến ngày lễ Giáng sinh khi còn sống ở Triều Tiên.

“Không có Giáng sinh ở Triều Tiên. Tôi từng không biết đó là ngày gì. Giáng sinh là ngày Chúa Jesus ra đời nhưng Triều Tiên rõ ràng là một đất nước theo chế độ khác, vì vậy người dân không biết Chúa Jesus. Họ không biết Chúa là ai. Gia đình họ Kim là đấng tối cao của họ”, Kang, 31 tuổi, nói với Independent.

Thực tế, những cây thông Noel được trang hoàng và đèn Giáng sinh vẫn có thể được nhìn thấy ở thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng chúng ở nguyên vị trí đó suốt cả năm và người dân Triều Tiên cũng không hiểu ý nghĩa của những vật thể này. Ở khu vực biên giới với Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một tòa tháp hình cây thông Noel.

Nằm cách Triều Tiên khoảng hơn 3 km, tòa tháp này từng được Hàn Quốc thắp sáng vào đêm Giáng sinh và người dân Triều Tiên sống ở khu vực giáp biên giói cũng có thể nhìn thấy điều đó. Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên dường như không thoải mới với sự hiện diện của công trình này. Theo Independent, Bình Nhưỡng từng dọa sẽ nổ súng về phía tòa tháp của Hàn Quốc hồi năm 2014 vì cho rằng đây là một phần của “cuộc chiến tranh tâm lý”.

“Tôi không biết bất kỳ người Cơ đốc giáo nào hay bất kỳ người nào tin vào Chúa ở Triều Tiên. Chính phủ Triều Tiên kiểm soát tất cả truyền thông và Internet. Những người tôi gặp không biết Chúa Jesus là ai”, Kang cho biết.

Lịch sử tôn giáo

Người Triều Tiên cầu nguyện tại nhà thờ ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Người Triều Tiên cầu nguyện tại nhà thờ ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Xét về lịch sử, Triều Tiên từng là nơi Cơ đốc giáo thịnh hành trước khi cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953) chia tách bán đảo Triều Tiên thành hai đất nước với hai chế độ chính trị khác nhau. Thực tế, nhiều nhà truyền giáo Cơ đốc tại Hàn Quốc là từ Triều Tiên.

“Khoảng 60 năm trước, Triều Tiên từng là một nước có Cơ đốc giáo rất phát triển. Mọi người còn gọi Triều Tiên là “Jerusalem của phương Đông””, Kang cho biết.

Theo Kang, người dân Triều Tiên được cho là bắt đầu sùng đạo hơn từ năm 1996 khi ngày càng nhiều người Triều Tiên bỏ trốn và liên lạc với các linh mục ở Trung Quốc, sau đó quay trở lại Triều Tiên để truyền bá tư tưởng. Tuy nhiên, Kang nói rằng anh không quen bất kỳ ai truyền đạo ngầm ở Triều Tiên vì nơi anh từng sống cách xa biên giới với Trung Quốc.

“Tôi biết mọi người vẫn đang truyền đạo, nhưng tôi không gặp bất kỳ tín đồ Cơ đốc nào”, Kang khẳng định.

Tuy nhiên, Kang cũng tiết lộ về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc dành cho người dân Triều Tiên nếu họ bị phát hiện truyền đạo ở nước này.

“Bạn không thể nói bạn theo đạo Cơ đốc. Nếu bạn nói, họ sẽ bắt giam bạn. Một người bạn của tôi từng làm trong lực lượng cảnh sát mật tiết lộ rằng họ từng bắt một gia đình Cơ đốc giáo khi những người này tìm cách cải đạo cho những người khác. Họ tìm cách khai thác những thông tin như những người này tìm hiểu về Chúa ở đâu hay họ lấy kinh thánh bằng cách nào”, Kang kể lại.

Trung tâm dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên (NKDB) ước tính có khoảng 121 cơ sở tôn giáo tại Triều Tiên, bao gồm 64 nơi thờ Phật và 5 nhà thờ Thiên chúa do nhà nước kiểm soát. Kang chỉ biết một nhà thờ Thiên chúa và hầu hết mọi người không thể tiếp cận với nhà thờ này.

“Hầu hết người dân bình thường không thể vào đó. Đó là nơi được kiểm soát và chỉ dành cho các du khách nước ngoài tới thăm Triều Tiên. Nếu có ai đó hỏi: “Đất nước các bạn có nhà thờ không?”, hướng dẫn viên Triều Tiên sẽ nói rằng: “Tất nhiên là có, chúng tôi có tất cả mọi thứ vì chúng tôi là đất nước tự do”, sau đó dẫn họ đi tham quan nhà thờ”, Kang nói.

Viện Thống nhất quốc gia (KINU) do chính phủ Hàn Quốc bảo trợ từng công bố sách trắng năm 2015, trong đó nói rằng người dân Triều Tiên bị nghiêm cấm tới các địa điểm tôn giáo như vậy và những người dân bình thường thường xem các nhà thờ như nơi dành cho người nước ngoài.

Tổ chức bí mật

Triều Tiên từng chỉ trích Hàn Quốc vì dựng tháp hình cây thông Noel ở gần biên giới (Ảnh: Reuters)
Triều Tiên từng chỉ trích Hàn Quốc vì dựng tháp hình cây thông Noel ở gần biên giới (Ảnh: Reuters)

Theo NK News, trang mạng của Mỹ chuyên cung cấp các tin tức về Triều Tiên, một số người dân Triều Tiên vẫn biết về Giáng sinh dù họ không được phép tổ chức mừng dịp lễ này. Sự kiện mừng ngày Giáng sinh được cho là vẫn diễn ra tại các nhà thờ do nhà nước kiểm soát. Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên vẫn đưa tin rằng các hoạt động cầu nguyện “diễn ra trên khắp cả nước” trong ngày Giáng sinh.

Theo báo cáo năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế tại Triều Tiên, những khách du lịch nước ngoài từng tới Triều Tiên cho biết họ không được phép tiếp xúc với những người cầu nguyện trong nhà thờ, hoặc nếu có cũng rất hạn chế. Giới quan sát nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc xác định mức độ kiểm soát của chính phủ Triều Tiên đối với các nhóm tôn giáo này và chỉ thừa nhận rằng Bình Nhưỡng kiểm soát họ rất chặt chẽ.

Theo Michael Genldinning, Giám đốc quỹ từ thiện Kết nối Triều Tiên tại London, Anh, một số người vẫn tổ chức lễ Giáng sinh tại Triều Tiên, nhưng thường theo cách bí mật. Ước tính hiện có khoảng 200.000 - 400.000 người Cơ đốc giáo tại Triều Tiên, song con số này được cho là chưa thống kê chính xác.

“Có thể vẫn có những nhóm nhỏ người Triều Tiên biết về Giáng sinh và tổ chức ngày lễ này ở những nơi kín đáo và theo những nhóm nhỏ. Nhưng nếu mọi người tổ chức Giáng sinh, sẽ không có quà hay cây thông và sẽ chỉ có cầu nguyện”, ông Michael cho biết.

Thành Đạt

Theo Independent

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm