Câu chuyện Brexit: Ăn nhau về cuối
Brexit đã có “nút gỡ” vào phút chót với thỏa thuận mới giữa EU và Anh. Mưu tính và thủ thuật của ông Boris Johnson là gì? Triển vọng sắp tới ra sao?
Sau thời gian dài là bi hài kịch tưởng không dứt đối với nước Anh, việc đảo quốc này ra khỏi EU (Brexit) bất ngờ gia tăng mức độ kịch tính trước thời hạn đã được thoả thuận giữa EU và Anh là ngày 31/10 tới. Trong khoảng thời gian rất ngắn, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xoay chuyển được tình thế và mở ra được cơ hội mới cho việc thực hiện Brexit mà người tiền nhiệm là bà Theresa May đã gắng gượng làm nhưng bị thất bại.
Bi và hài của đoạn kết
Cái câu "Cờ bạc ăn nhau về cuối" thật ứng nghiệm trong chuyện này. Ông Johnson đã tung xảo thuật quyết định vào những ngày sát nút để có được thoả thuận mới với EU về Brexit. Hai bên đạt được thoả thuận này đúng là vào phút cuối của phần thời gian đàm phán còn có được. Việc cuối cùng bây giờ còn phải làm để nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới là Quốc hội Anh và sau đó Nghị viện châu Âu phê chuẩn thoả thuận. Ở Nghị viện châu Âu, việc phê chuẩn thoả thuận này xem ra chỉ là chuyện hình thức, nhưng ở Quốc hội Anh thì lại khác và sẽ lại có một lần nữa sự ứng nghiệm của câu "Cờ bạc ăn nhau về cuối" bởi ông Johnson chưa biết có hội tụ được đa số dân biểu ủng hộ thoả thuận mới này hay không.
Bi đối với bà May và hài đối với nước Anh khi thoả thuận mà ông Johnson vừa đạt được với EU có tới hơn 95% chẳng khác gì thoả thuận mà bà May đã đạt được với EU về Brexit mà Quốc hội Anh ba lần không chịu phê chuẩn và nhờ thế, ông Johnson mới có cơ hội trở thành Thủ tướng Anh.
Viện nghiên cứu Anh The UK in a Changing Europe tính ra rằng, thiệt hại đối với mỗi người dân Anh sau Brexit hàng năm là 2.500 Bảng Anh theo kịch bản Brexit không thoả thuận nào với EU, 2.000 Bảng Anh theo thoả thuận hiện tại của ông Johnson với EU và 1.500 Bảng Anh theo thoả thuận của bà May với EU về Brexit. Cho nên, chưa biết Quốc hội Anh sẽ quyết định cuối cùng như thế nào.
Thủ thuật của ông Johnson
Trong chuyện này, EU đã thiện chí nhượng bộ như có thể được để nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới cùng với những thoả thuận vớt vát được nhiều nhất cho cả EU và nước Anh. Ông Johnson bị Quốc hội Anh ràng buộc vào trách nhiệm đảm bảo có Brexit với thoả thuận giữa Anh và EU trước ngày 19/10 tới này hoặc phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian xử lý Brexit đến ngày 31/1/2020. Quốc hội Anh chơi con bài thời gian, cụ thể ở đây là buộc ông Johnson phải chạy đua với thời gian để tránh kịch bản Brexit mà không có thoả thuận nào giữa Anh và EU.
Ông Johnson đã thể hiện sự già dơ và lão luyện về chính trị của mình bằng áp dụng thủ thuật vừa đàm phán với EU về thoả thuận mới vừa thuyết phục EU không chấp nhận gia hạn thêm thời gian vượt quá thời điểm ngày 31/10 sắp tới. Mưu tính của ông Johnson là buộc Quốc hội Anh phải lựa chọn giữa Brexit với thoả thuận mới và Brexit không với thoả thuận nào. Một khi bị đẩy đến trước việc bắt buộc phải lựa chọn giữa hai cái xấu thì các vị dân biểu sẽ chọn cái ít xấu hơn.
Kịch bản nào sẽ xảy ra?
Hai kịch bản bây giờ có thể xảy ra cho Brexit là thoả thuận được Quốc hội Anh phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu nó được phê chuẩn thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới. Nếu Quốc hội Anh không phê chuẩn thoả thuận ấy thì ông Johnson buộc phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian để xử lý Brexit. Thời hạn này có thể thêm 1 tháng hoặc 3 tháng. EU đã phát đi tín hiệu là không đồng ý đàm phán lại một lần nữa với chính phủ Anh về Brexit nhưng sẵn sàng cho phía Anh thêm thời gian để xử lý Brexit.
Dù xảy ra thế nào trên thực tế tới đây, kịch bản nào thì ông Johnson cũng vẫn đều được lợi nhiều nhất. Người này gây dựng được hình ảnh là kiên định quan điểm và đã cam kết là thực hiện cam kết cũng như là người xử lý được chuyện Brexit vốn cho đến nay đã làm đảo quốc này bị phân rẽ, ngao ngán và chán nản mà lại còn Brexit với thoả thuận được tiếng là mới giữa EU và Anh. Nếu vì Brexit mà ở Anh có tổng tuyển cử mới trước thời hạn thì ông Johnson và Đảng Bảo thủ sẽ chắc chắn đắc cử.
Những điểm mới trong thoả thuận vừa đạt được giữa ông Johnson và EU là thắng lợi của ông Johnson nhiều hơn là của EU. Có thể thấy qua đó, EU đã chịu nhượng bộ và nhún nhường để cứu vãn đến cùng cơ hội cho kịch bản Brexit với thoả thuận giữa hai bên. Ông Johnson đạt được một số sửa đổi có ý nghĩa đối nội quan trọng ở nội dung liên quan đến Bắc Ireland nhưng quan trọng và quyết định hơn cả là quyền của phía Anh ngay lập tức, có nghĩa là ngay cả trong thời gian quá độ, có thể đàm phán và ký kết với bên thứ ba thoả thuận về thương mại song phương cũng như đa phương.
Ông Johnson chưa qua được hết mọi khó khăn và trắc trở để thực hiện Brexit. Nhưng chậm nhất thì cũng cho đến lúc này cả các dân biểu Anh và dân chúng ở Anh đều biết rõ ràng hơn về Brexit rồi đây sẽ như thế nào.
Theo Dịch Dung
Thế giới và Việt Nam