Câu chào tạm biệt khiến người Nhật đối mặt nguy cơ "làm việc đến chết"
(Dân trí) - Tinh thần trách nhiệm cao của người lao động, cảm giác có lỗi khi ra về trước đồng nghiệp thể hiện qua một câu chào tạm biệt tưởng chừng “vô thưởng, vô phạt” được cho là đã góp phần tạo nên văn hóa làm việc quá giờ, có thể dẫn tới những “cái chết trên bàn làm việc” tại Nhật Bản.
Theo Japan Today, một câu nói quen thuộc mỗi ngày được vang lên các công ty Nhật Bản mỗi khi một nhân viên ra về là “osaki ni shitsurei shimasu”. Đây là câu nói nhằm thông báo với các đồng nghiệp vẫn còn ở lại là người nhân viên này sẽ về nhà trước. Dù mục đích chỉ là để tạm biệt, tuy nhiên câu nói này lại mang hàm ý là: “Tôi cư xử không tốt khi về nhà trước bạn”.
Câu chào tạm biệt này được hiểu là chỉ vì về nhà trước mà người nhân viên trên đã ích kỷ, đặt bản thân lên trước lợi ích chung khi không giúp đỡ các đồng nghiệp hoàn thành khối lượng công việc đang dang dở ở văn phòng.
Theo Japan Today, người Nhật Bản dường như đang mâu thuẫn với khái niệm “làm việc quá giờ”. Một mặt, họ cảm thấy tự hào về nghề nghiệp đang làm, cảm giác vượt qua giới hạn của bản thân, góp phần xây dựng và tạo nên "điều thần kỳ Nhật Bản" hậu Thế chiến 2. Mặt khác, khi làm việc quá giờ đã trở thành một thói quen, xã hội Nhật Bản thường sẽ đặt ra "tiêu chuẩn ngầm" rằng các nhân viên phải sẵn lòng làm thêm vài giờ đồng hồ ở văn phòng như hành động thể hiện sự chăm chỉ và tinh thần trách nhiệm. Theo các chuyên gia, lối suy nghĩ này đang mang lại những mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe tâm lý và thể chất của người Nhật Bản.
Trên thực tế, tình trạng chết vì làm việc kiệt sức (karosi) ở Nhật Bản, giống như các quốc gia phát triển khác, đang có diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính gây tử vong karoshi là các cơn đau tim và đột quỵ do căng thẳng trong công việc hoặc có thể do mọi thứ quá trở nên ngột ngạt và mệt mỏi khiến người lao động nghĩ tới việc tự tử.
Một trong những vụ tự tử gây chấn động tại Nhật Bản là trường hợp của một nhân viên quảng cáo trẻ tuổi. Cô gái mới 24 tuổi đã tự kết liễu đời mình vào đêm Giáng sinh năm 2015 sau khi làm việc ngoài giờ hơn 100 giờ/tháng. Trong tin nhắn tuyệt mệnh gửi mẹ, cô viết: “Tại sao mọi thứ lại khó khăn như vậy hả mẹ”?
Theo BBC, văn hóa làm việc quá giờ tại Nhật Bản đã đạt đến cấp độ khủng hoảng và buộc chính phủ phải vào cuộc. Một loạt cái chết liên quan tới làm việc quá sức đã xảy ra tại nước này, từ đó làm dấy lên nhiều lo ngại về nỗi ám ảnh mang tên công việc trong xã hội Nhật Bản. Tokyo đã ban hành nhiều chính sách như “Thứ 6 thong thả” quy định rõ các công ty sẽ phải cho phép nhân viên về sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng để họ có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè.
Tuy nhiên, ý định và thực tế dường như khác xa nhau khi chương trình không thật sự đạt hiệu quả vì người lao động có quá nhiều lý do để không thể về sớm như “sếp” vẫn còn ngồi tại công sở, hay đồng nghiệp vẫn đang hoàn thành công việc.
Japan Today cho rằng việc thay đổi các chính sách là cần thiết, nhưng thay đổi suy nghĩ của người lao động dường như quan trọng hơn. Và những thay đổi nên dần dần và từ từ, đơn cử như việc thay đổi cách chào tạm biệt, giúp người lao động coi việc về nhà sớm khi đã hoàn thành công việc là hành động tích cực, thay vì biến chúng thành gánh nặng tâm lý như hiện tại.
Đức Hoàng
Theo Japan Today