1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiện thực buồn sau những hũ tro cốt không người nhận ở Nhật Bản

(Dân trí) - Hàng chục nghìn hũ tro cốt không có thân nhân nhận về an táng trên khắp đất nước Nhật Bản phản ánh hiện thực buồn về truyền thống gia đình có xu hướng mai một cũng như như áp lực kinh tế tại quốc gia có dân số già nhất thế giới.

Ánh đèn leo lét bên trong một cơ sở chứa các hũ tro cốt không người nhận ở thành phố Yokosuka (Ảnh: Reuters)
Ánh đèn leo lét bên trong một cơ sở chứa các hũ tro cốt không người nhận ở thành phố Yokosuka (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, những cơ sở chứa tro cốt sau hỏa táng ở Nhật Bản đang trở nên quá tải khi ngày càng nhiều thân nhân của người chết không tới nhận những hũ này về an táng. Những người qua đời trong cảnh cô độc ở Nhật Bản thường được hỏa táng bằng chi phí công và cũng không khó để xác định danh tính.

Nhưng trong hầu hết các trường hợp, thân nhân của những người này từ chối hoặc không đáp trả lại yêu cầu tới nhận tro cốt từ chính quyền địa phương. Chi phí an táng sau khi hỏa thiêu ở Nhật Bản có thể rất tốn kém và vô hình trở thành gánh nặng cho những thân nhân vốn không có quan hệ quá thân thiết với người ra đi.

“Khi tôi chết đi, dù tôi chỉ có 150.000 yên (1.334 USD), các ông có thể hỏa thiêu và chôn cất tôi được không? Tôi không còn ai thân thích để nhận hũ tro”, Reuters trích những lời trăng trối sau cùng của một cụ ông ngoài 70 tuổi ở Tokyo. Cụ ông này đã qua đời năm 2015 và hũ tro của cụ đã được mang tới chôn ở một ngôi đền địa phương.

Thực trạng trên phản ánh sự thay đổi về xã hội, kinh tế và cả nhân khẩu học ở Nhật Bản, khi hầu hết người lớn tuổi sống đơn độc dựa vào phúc lợi xã hội và truyền thống gia đình ở cùng nhau, cũng như những nghĩa vụ và trách nhiệm của con cháu với ông bà, cha mẹ có xu hướng dần mai một.

Các chuyên gia cho rằng thực trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong bối cảnh số người chết ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ 1,33 triệu người hiện tại lên 1,67 triệu người vào năm 2040.

Thành phố Yokosuka của tỉnh Kanagawa hiện đang quá tải với những hũ tro cốt không người nhận. Cơ sở đựng tro cốt của thành phố đã quá tải và hết chỗ.

“Không gian đựng tro cốt không người nhận đã sắp cạn kiệt”, ông Hitomi Nakamura, một quan chức ở thành phố Saitama, phía bắc Tokyo cho biết. Hiện số lượng hũ tro không có người nhận ở đây đã tăng nhanh chóng trong vài năm qua và đạt con số 1.700.

“Nhiều người trong số những hũ tro này sống dựa vào phúc lợi và nhiều người sống cách ly với gia đình”, ông Nakamura lý giải.

Trong những năm qua, chi phí để tổ chức một đám tang ở Nhật Bản khá cao, có thể trở thành một gánh nặng cho thân nhân người chết. Một đám tang truyền thống bao gồm thức ăn, đồ uống, quà cho khách và chi phí trả cho một nhà sư về làm lễ và đọc kinh, có thể tốn khoảng gần 2 triệu yên (17.800 USD).

Dù các doanh nghiệp ở Nhật Bản đang chào hàng các gói tang lễ tối giản với giá vào khoảng 2000-4000 USD, nhưng những chi phí phụ trội, như mua chỗ yên nghỉ trong đền hay nghĩa trang, là rất lớn.

Theo các nghiên cứu xã hội học, ngày càng nhiều người già nghèo khó ở Nhật Bản, những người không có đủ tiền để trả cho đám ma của chính mình. Có khoảng 3 % người già Nhật Bản sống dựa vào phúc lợi xã hội, tăng gần gấp 2 lần so với 20 năm trước.

“Ngày càng nhiều người chết trong cô độc, không có ai nhận tro cốt, một phần do mối quan hệ gia đình truyền thống đã không còn vững chắc như xưa”, giáo sư Hisako Makimura của đại học Kansai, nhận định.

Trong hàng chục năm trước, các gia đình Nhật Bản thường có nhiều thế hệ sinh sống cùng nhau. Nhưng sau khi nền kinh tế nước này phát triển, các cặp đôi có ít con cái hơn và mọi người có xu hướng rời xa quê hương lên các thành phố kiếm cơ hội việc làm, thì truyền thống sống cùng nhau dần trở nên mai một.

Những hũ tro cốt không thừa nhận (Ảnh: Reuters)
Những hũ tro cốt không thừa nhận (Ảnh: Reuters)

Chỉ riêng tại thành phố Fukuoka có tới 6.000 hũ tro cốt không có người nhận, trong khi tại Osaka, chính quyền thành phố đã phải chôn 2.366 hũ tro trong một ngôi mộ cộng đồng vào năm nay sau 1-2 năm không có thân nhân tới mang về.

“Thông thường, gia đình và cộng đồng sẽ có trách nhiệm trong việc để tâm tới những người chết. Tuy nhiên, gánh nặng trên dường như đã chuyển dịch sang cho chính quyền địa phương”, ông Makimura đánh giá.

Tại Yokosuka, ngày càng nhiều hơn những cụ già qua đời mà không để lại lời nhắn về việc tổ chức đám tang hay thông tin về thân nhân. Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực điều tra, tìm kiếm địa chỉ, thông tin liên lạc và liên hệ để các thân nhân có thể đến nhận tro cốt, nhưng các cố gắng này hầu như đều không có nhiều ý nghĩa.

Để đối phó với tình trạng này, chính quyền Yokosuka đã đưa ra một sáng kiến mang tên “hỗ trợ khi lìa đời” dành cho các công dân thu nhập thấp hoặc không có thân nhân, họ hàng gần. Theo đó, những cá nhân đăng ký chương trình phải trả ít nhất 2.223 USD chi phí hỏa thiêu và chôn cất, phần còn lại sẽ do chính quyền bù vào. Hàng chục người đã đăng ký tham gia chương trình.

“Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm”, ông Sumitaka Haraguchi, 80 tuổi, chia sẻ sau khi đăng ký tham gia chương trình và được bảo đảm rằng ông sẽ yên nghỉ ở một ngôi đền địa phương.

Haraguchi không kết hôn và ông chưa từng nói chuyện với 3 người anh chị em trong nhiều năm qua vì vậy ông đã sống chừng đó năm với nỗi lo về nơi an nghỉ cuối cùng của bản thân.

“Mọi thứ thay đổi rồi. Giờ tôi có thể yên tâm mà sống”, ông Haraguchi nói.

Đức Hoàng

Theo Straits Times