1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật cấp hơn 100 tỷ USD cho châu Á

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản ngày 21/5 công bố Tokyo sẽ dành 110 tỷ USD để giúp châu Á xây dựng đường, cảng và các cơ sở hạ tầng khác trong 5 năm tới. Đây được coi là nỗ lực cạnh tranh với ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh:

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Nikkei)

Hãng thông tấn Jiji Press dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 21/5 công bố khoản cam kết mới dành cho châu Á. Theo đó, Tokyo sẽ chi 110 tỷ USD hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời cung cấp 33 tỷ USD cho khu vực công và tư nhân trong thời gian 5 năm tới.

Hãng Jiji Press nêu rõ: "Kế hoạch đầu tư này nhằm thể hiện quan điểm rằng Nhật Bản muốn đóng góp cho việc tăng cường cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á thông qua phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ”. Cũng theo Jiji động thái mới của chính phủ Tokyo nhằm thể hiện sự khác biệt so với Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), từ đó, Nhật Bản có thể duy trì một vị thế nổi bật trong khu vực.

"Châu Á có nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn, có thể lên đến 830 tỷ USD hàng năm. Chúng tôi sẽ cố gắng đạt được chất lượng và số lượng, hai yếu tố châu Á đang cần", ông Abe nóivà cho biết thêm Nhật Bản sẽ giúp các nước châu Á thực hiện chiến lược năng lượng và đóng góp vào sự phát triển công nghệ của cả khu vực. 

Trong khi đó, AP nhận định khoản hỗ trợ mới này của Nhật dành cho châu Á cao hơn con số 100 tỷ USD, mà Trung Quốc đề ra cho ngân hàng AIIB do nước này khởi xướng. AIIB được coi như là một nhân tố mới, thách thức các định chế tài chính truyền thống như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Cho đến nay, Trung Quốc công bố hơn 50 quốc gia đã gia nhập AIIB với tư cách thành viên sáng lập, trong đó có Anh, Đức, Nga, Hàn Quốc, Úc, Brazil và Ai Cập. 

Nhật là nền kinh tế lớn nhất tại châu Á còn đứng ngoài AIIB. Hiện ADB với vai trò chi phối của Nhật đến nay vẫn là tổ chức tài chính chủ chốt, chuyên tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á, đặc biệt là ở nhóm nước kém phát triển hơn. 

Do đó, việc Nhật Bản công bố kế hoạch tài trợ mới được đánh giá là một nỗ lực nhằm ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Ngoài ra, việc Tokyo và Bắc Kinh cùng mở rộng đầu tư đường xá, cảng, đường sắt, hệ thống năng lượng và các cơ sở vật chất khác tại Đông Nam Á cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho hai nước này.

Thoa Phạm
Theo Jiji Press