1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cạnh tranh Trung Quốc, Mỹ và đồng minh bắt tay viện trợ Papua New Guinea

(Dân trí) - Mỹ và 3 nước đồng minh đã công bố kế hoạch trị giá 1,7 tỷ USD để cung cấp hệ thống điện và internet cho Papua New Guinea nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.

Cạnh tranh Trung Quốc, Mỹ và đồng minh bắt tay viện trợ Papua New Guinea


Từ trái qua phải: Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chụp ảnh chung sau khi ký thỏa thuận hợp tác ngày 18/11. (Ảnh: Reuters)

Từ trái qua phải: Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chụp ảnh chung sau khi ký thỏa thuận hợp tác ngày 18/11. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã đồng ý hợp tác với Mỹ để thực hiện kế hoạch nhằm cung cấp điện và internet cho Papua New Guinea. Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã ký tuyên bố chung về hợp tác năng lượng và viễn thông với Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea hôm 18/11.

Thủ tướng New Zealand cho biết dự án cung cấp điện cho Papua New Guinea sẽ có kinh phí khoảng 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Australia cho biết nước này sẽ đóng góp 25 triệu AUD (khoảng 18,3 triệu USD) trong năm đầu tiên.

Kế hoạch trên dự kiến sẽ giúp 70% dân số Papua New Guinea được tiếp cận với điện trước năm 2030, so với con số 13% như hiện nay. Ngoài ra, kế hoạch này cũng thể hiện cam kết của Mỹ và các đồng minh với một khu vực Thái Bình Dương mang tầm quan trọng chiến lược.

“Chúng tôi tin tưởng rằng tuyên bố này là bằng chứng cho thấy Mỹ và các doanh nghiệp của chúng tôi đang đầu tư vào khu vực này ở mức nhiều chưa từng thấy”, Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại họp báo.

Ông Pence cho biết đây là dự án đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia nhằm cung cấp vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Thái Bình Dương trong bối cảnh phương Tây ngày càng quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong chuyến thăm tới Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ Exxon Mobil đang lên kế hoạch đầu tư vào quốc đảo này. Ngoài ra, Mỹ và Australia đã quyết định hợp tác với Papua New Guinea để nâng cấp căn cứ hải quân trên đảo Manus nhằm đối phó với sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Papua New Guine từ ngày 15/11, 2 ngày trước khi hội nghị cấp cao APEC diễn ra. Ông Tập đã được đón tiếp trọng thể tại thủ đô Port Moresby và có các cuộc gặp với lãnh đạo Papua New Guinea. Ngày 16/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự cuộc họp với lãnh đạo các quốc đảo ở Thái Bình Dương nhằm kêu gọi các nước này tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương không phải là thành viên của APEC, song đại diện của các nước này vẫn được mời tới Papua New Guinea.

Chuyến đi của ông Tập đã mang lại kết quả tích cực. Một quan chức Tonga cho biết quốc đảo Thái Bình Dương ngày 18/11 đã ký cam kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đồng ý kéo dài thời gian thanh toán nợ cho Tonga thêm 5 năm ngay trước kỳ thanh toán.

Tonga là một trong 8 quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương đang gánh những khoản nợ khổng lồ với Trung Quốc. Sự phụ thuộc về tài chính của Tonga vào Trung Quốc bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm sau khi thủ đô Nuku’alofa của Tonga xảy ra những vụ bạo động đẫm máu. Chính phủ Tonga đã vay tiền Trung Quốc để tái thiết thủ đô và từ 65 triệu USD ban đầu, khoản vay này đã tăng lên hơn 115 triệu USD bao gồm lãi suất và các khoản phát sinh, chiếm gần 1/3 GDP của Tonga.

Thành Đạt

Theo SCMP