1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cạnh tranh Mỹ - Nga ở Syria: Đối đầu không tiếng súng

Việc Nga tăng cường sự hiện diện tại Syria với lý do chống khủng bố đã không được Mỹ hào hứng đón nhận, mặc dù Nhà Trắng luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cạnh tranh Mỹ - Nga ở Syria: Đối đầu không tiếng súng - 1

Các tay súng đối lập tại mặt trận ở khu vực al-Zahra, ngoại ô phía tây bắc Aleppo ngày 24/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện nay, các nước phương Tây đang cáo buộc Washington về dòng người tị nạn làm “dậy sóng” ở châu Âu, các nước Trung Đông phàn nàn về liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu chưa có thành tựu nào nổi bật. Phải chăng các nhà lãnh đạo Moscow cho rằng đây là thời điểm thích hợp để làm mất uy tín của Washington tại điểm nóng Trung Đông?

Ngày 14/9, một quan chức Mỹ cho biết, Nga đã đưa hàng loạt đơn vị pháo binh cùng bảy chiếc xe tăng vào một căn cứ không quân của Syria. Ngay ngày hôm sau, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Tổng thống Putin đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chống khủng bố.

Có lẽ, đây là một cách mà Nga giải thích về hành động của mình tại Syria và cho thế giới thấy rằng nếu như Nhà Trắng đang lâm vào thế bí trong cuộc chiến chống khủng bố thì Điện Kremlin có thể hỗ trợ, thậm chí là thay thế. Trước đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng khẳng định: “Phía Nga chưa bao giờ che giấu sự thật rằng Moscow đang gửi những thiết bị quân sự cho Chính phủ Syria để giúp họ chống khủng bố”.

Tuy nhiên, lý do giúp Syria chống khủng bố của Nga không những không đủ để thuyết phục chính quyền Tổng thống Obama mà Washington còn lo ngại kế hoạch của mình tại Trung Đông sẽ bị Moscow phá vỡ.

Theo Nhà Trắng, việc Nga giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể làm phức tạp hơn chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS và nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn nếu máy bay liên minh và máy bay Nga hoạt động cùng trong một không phận.

Thay vì chuẩn bị các hoạt động quân sự để đáp trả, Nhà Trắng lựa chọn cách thức đối thoại với Điện Kremlin. Trong các cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại trước thông tin liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Syria, đồng thời cảnh báo rằng hành động này có thể làm gia tăng bạo lực và bất ổn ở quốc gia này.

Mỹ cũng thể hiện rõ quan điểm trong tuyên bố của Tổng thống Obama hôm 11/9 rằng, quyết định gửi cố vấn và thiết bị quân sự đến Syria của ông Putin có thể phá hoại nỗ lực tái lập hòa bình ở Syria. Một cách mạnh mẽ hơn, trong tuần qua, Mỹ gây sức ép để những nước gần Syria như Bulgaria và Hy Lạp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Nga.

Nhiều nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi về lý do đằng sau những hành động của Nga: Liệu Moscow đang ra tay cứu giúp chính quyền Bashar al-Assad khi chính phủ này để mất nhiều phần lãnh thổ vào tay IS, hay đang có những tính toán riêng để lật ngược thế cờ trong cuộc đối đầu với Mỹ tại quốc gia Trung Đông này?

Chắc chắn, vấn đề Syria lại sắp “nóng” trong các cuộc họp của Liên hợp quốc vào cuối tháng Chín này và trong quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ. Đã đến lúc cần có một lời giải cho hòa bình tại Syria khi cuộc nội chiến cùng sự can thiệp của nước lớn khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng hiện nay.

Theo Giang Hằng

Thế giới và Việt Nam

Cạnh tranh Mỹ - Nga ở Syria: Đối đầu không tiếng súng - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm