1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cánh tay nối dài gây tranh cãi của Trung Quốc tại “cửa ngõ” châu Âu

(Dân trí) - Trung Quốc đã rót vốn và nguồn lực để phát triển các dự án tại Belarus, khu vực được Bắc Kinh ca ngợi là “cửa ngõ châu Âu”, bất chấp tiếng nói phản đối từ người dân địa phương.

Cánh tay nối dài gây tranh cãi của Trung Quốc tại “cửa ngõ” châu Âu - 1

Một cuộc tuần hành trên đường phố Belarus để phản đối dự án nhà máy ắc quy. (Ảnh: New York Times)

Không có biểu ngữ, không có khẩu hiệu, thậm chí không có lời hô hào, chứ chưa nói đến những hành động xô xát.

Vậy nhưng, hơn một năm nay, hàng trăm người biểu tình vẫn tụ tập vào mỗi ngày chủ nhật hàng tuần để cho những con chim bồ cầu tại quảng trường Lenin ăn. Họ tham gia vào hoạt động biểu tình được “ngụy trang” kín đáo nhằm bày tỏ sự phản đối đối với một nhà máy sản xuất ắc quy axit chì do Trung Quốc rót vốn. Họ lo ngại rằng nhà máy này sẽ thải vào không khí và nguồn nước những chất độc gây chết người.

Nhà máy này đã được xây dựng ở vùng ngoại ô của thành phố Brest, nhưng vẫn đang chờ giấy phép để bắt đầu đi vào hoạt động. Những người chỉ trích xem công trình này như một biểu tượng của mối quan hệ gần gũi bất thường giữa Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko, người nắm quyền tại Belarus từ năm 1994.

Tương tự nhà lãnh đạo của nước láng giềng, Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Lukashenko ngày càng xích lại gần Trung Quốc để tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính và động lực phát triển cho Belarus. Trong khi châu Âu đã mất đi ánh hào quang của một mô hình kinh tế, Trung Quốc nổi lên như một hình mẫu điển hình về đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội.

“Họ đã tiến rất xa về phía trước. Đó là hình mẫu cho chúng tôi”, Aliaksandr Yarashenka, lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp Great Stone do Trung Quốc rót vốn gần thủ đô Minsk, cho biết.

Cánh tay nối dài gây tranh cãi của Trung Quốc tại “cửa ngõ” châu Âu - 2

Ảnh các nhà lãnh đạo Belarus và Trung Quốc được treo phía trên mô hình dự án khu công nghiệp Great Stone gần thủ đô Minsk, Belarus. (Ảnh: New York Times)

Theo Nhân dân Nhật Báo, tờ báo của nhà nước Trung Quốc, khu công nghiệp Great Stone là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất do Trung Quốc rót vốn. Báo Trung Quốc cũng ca ngợi Belarus là “cửa ngõ vào châu Âu”, mặc dù quốc gia này chưa phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và bất kỳ hàng hóa nào do Belarus sản xuất vẫn bị đánh thuế nếu muốn vào thị trường châu Âu.

Theo ông Yarashenka, chi phí nhân công thấp tại Belarus, nơi người lao động có mức lương trung bình khoảng 500 USD/tháng, so với trên 2.000 USD/tháng tại EU, dễ dàng bù đắp cho gánh nặng về thuế quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài thành lập các công ty theo định hướng xuất khẩu tại Belarus.

Trong bối cảnh bị các nhà đầu tư châu Âu quay lưng và luôn cảnh giác với việc bị phụ thuộc quá nhiều vào Nga, Belarus ngày càng có xu hướng ngả về phía Trung Quốc.

Hãng thông tấn BelTA của Belarus gần đây đưa tin nước này sắp giành được khoản vay hơn 500 triệu USD từ Trung Quốc. BelTA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Belarus Andrei Belkovets cho biết nước này ban đầu định vay Nga, nhưng do Moscow không sẵn sàng cho vay nên Belarus đã tìm đến Trung Quốc như một giải pháp thay thế.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã rót tiền xây dựng các tuyến đường mới, các nhà máy điện, khách sạn hạng sang tại Minsk và một nhà máy ắc quy axit chì, bất chấp sự phản đối của người dân tại Brest. Loại ắc quy này được sử dụng rộng rãi trong xe ô tô, chứa axit sulfuric và chì có khả năng gây độc hại cao.

“Đối với Trung Quốc, chúng tôi giống như châu Phi nghèo và thiếu thốn. Mỹ và châu Âu sẽ không rót tiền cho những nhà máy ô nhiễm như vậy (nhà máy ắc quy), nhưng Trung Quốc không quan tâm và họ muốn công ăn việc làm cho các công ty Trung Quốc”, Vladislav Abramovich, một cựu bác sĩ từng sống gần nhà máy ắc quy tại Belarus, cho biết.

Cánh tay nối dài gây tranh cãi của Trung Quốc tại “cửa ngõ” châu Âu - 3

Các công nhân xây dựng Trung Quốc làm việc tại khu công nghiệp Great Stone. (Ảnh: New York Times)

Những người biểu tình phản đối nhà máy ắc quy bao gồm cả người dân sống gần nhà máy này và các nhà hoạt động môi trường. Họ tránh chỉ trích Tổng thống Lukashenko, thay vào đó chủ yếu phản đối những nguy cơ gây hại cho sức khỏe do nhà máy ắc quy cũng như các trang thiết bị được cho là không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc gây ra.

1AK-Group, công ty Belarus đứng sau nhà máy ắc quy, phủ nhận có bất kỳ nguy cơ nào về môi trường liên quan tới hoạt động của nhà máy này. Công ty này khẳng định lượng chất thải chì độc hại thải ra chỉ vào khoảng 3kg mỗi năm. Tuy nhiên, những người phản đối vẫn cho rằng số lượng chất thải độc hại không thể thấp như vậy.

Nhà máy ắc quy Brest dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, để xoa dịu người biểu tình, chính quyền thành phố đã tạm dừng kế hoạch vận hành nhà máy, trong khi giới chức Belarus vẫn đang xem xét liệu nhà máy này có tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường hay không.

Văn phòng công tố thậm chí còn giáng một đòn nặng nề hơn vào dự án nhà máy ắc quy khi thông báo hồi đầu tháng này rằng, theo chỉ đạo của Tổng thống Lukashenko, văn phòng này đang điều tra dự án với cáo buộc tham nhũng và một số lãnh đạo cấp cao đã bị bắt.

Theo Dmitri Bekalink, một người phản đối dự án nhà máy ắc quy Brest và thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình vào chủ nhật hàng tuần, ông không gặp vấn đề gì với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Bekalink lo ngại việc Trung Quốc gắn điều kiện rót vốn cho dự án nhà máy ắc quy Belarus với việc giao thầu cho một công ty xây dựng Trung Quốc, đơn vị đóng vai trò như nhà thầu tổng, và một công ty kỹ thuật Trung Quốc cung cấp các thiết bị sản xuất cốt yếu cho nhà máy.

Cánh tay nối dài gây tranh cãi của Trung Quốc tại “cửa ngõ” châu Âu - 4

Các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng tại khu công nghiệp Great Stone. (Ảnh: New York Times)

Viktor Lemeshevsky, lãnh đạo công ty 1AK-Group, đang trở thành mục tiêu của cuộc điều tra tham nhũng liên quan tới dự án nhà máy ắc quy. Ông Lemeshevsky từng nói với truyền thông Belarus rằng ông đã đề xuất với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cũng như các tổ chức phương Tây khác để vay tiền cho dự án, song đều bị từ chối. Ngân hàng châu Âu không cấm rót tiền cho các dự án sản xuất ắc quy chì, nhưng họ có quy định rất khắt khe về tác động môi trường cũng như xã hội nếu muốn thực hiện dự án này.

Trong khi đó, ông Lemeshevsky nói rằng Trung Quốc không đặt ra rào cản nào và sẵn sàng chi mức tín dụng 15 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển Belarus.

Polina Prysmakova, giáo sư trợ giảng tại Đại học Florida Atlantic và là người nghiên cứu về vai trò của Trung Quốc tại Belarus, cho rằng Bắc Kinh không tìm cách đẩy Belarus vào bẫy nợ để tịch thu tài sản, như những gì từng xảy ra tại Sri Lanka. Trung Quốc chỉ đơn giản muốn tạo thêm việc làm cho các công ty của nước này trong bối cảnh các dự án tại Trung Quốc đang khan hiếm dần.

“Trung Quốc đã trở nên bão hòa với quá nhiều thị trấn mới, con đường mới, nhà máy điện mới và cả sân bay mới. Điều đó đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc cần những địa điểm mới như Belarus để tiếp tục xây dựng”, Prysmakova nhận định.

Một dự án ghi dấu ấn của Trung Quốc tại Belarus là khu công nghiệp Great Stone. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng ca ngợi dự án này là “dự án hình mẫu” của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Dự án này nhắm mục tiêu biến một khu vực có diện tích rộng gấp đôi khu Manhattan, Mỹ thành một thành phố với các nhà máy, trung tâm nghiên cứu và nơi ở cho người lao động.

Khu công nghiệp Great Stone đã nhận được số tiền đầu tư lên tới 440 triệu USD, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc. Công ty Kỹ thuật CAMC của Trung Quốc và nhiều công ty khác đã tham gia vào quá trình xây dựng khu công nghiệp này. Hai công ty Trung Quốc đầu tiên thành lập cơ sở tại khu công nghiệp Great Stone là Huawei và ZTE - hai tập đoàn viễn thông khổng lồ của Bắc Kinh.

Tuy vậy, Great Stone cho đến nay giống như một “thành phố ma” hơn là một khu công nghiệp phát triển thịnh vượng. Sau hai năm xây dựng tòa nhà đầu tiên, khu công nghiệp đã có một số nhà máy, tòa nhà quản lý và các con đường rộng rãi với các cột đèn treo cờ Belarus và Trung Quốc.

“Nơi đây từng là đầm lầy và rừng. Không có gì cả. Nhưng bây giờ chúng tôi có những thứ này. Dự án này cho thấy không có gì là không thể làm được”, ông Yarashenka, lãnh đạo khu công nghiệp cho biết.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm