1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cánh tay giả biết tuân theo ý nghĩ

(Dân trí) - Những người không may mất đi cánh tay giờ không còn phải chịu đựng những khúc nhựa giả cứng đờ vô dụng nữa, thay vào đó là cánh tay linh hoạt được điều khiển trực tiếp bằng ý nghĩ.

Người đầu tiên sở hữu cánh tay kiểu này là Jesse Sullivan - một thợ bảo dưỡng điện 59 tuổi. Trong một lần làm việc ông đã bị bỏng điện rất nặng và bị cưa đi cả 2 cánh tay đến tận bả vai. Tai nạn xảy ra cách đây 5 năm, lúc đó vợ ông đã tưởng chừng ông không thể qua khỏi. Nhưng hiện nay Sullivan đang sống rất khỏe mạnh và hạnh phúc với gia đình, ông có thể leo thang và quét lại sơn cho ngôi nhà, cầm dao dĩa trong lúc ăn uống và thậm chí, ôm được những đứa cháu thân yêu của mình. Tất cả là nhờ cánh tay điện tử mới được phát minh bởi Tổ chức Phục hồi sức khỏe Chicago (RIC), Mỹ, trong một dự án nghiên cứu gần đây.

 

Công nghệ làm nên cánh tay thần kì cho Jesse được Tiến sĩ Todd Kuiken, giám đốc điều hành một chương trình chăm sóc người tàn tật tại RIC đề xuất và phát triển. Điểm mấu chốt của công nghệ này là kĩ thuật tái phân bổ hệ thống dây thần kinh. Cụ thể trong trường hợp của Sullivan, 4 dây thần kinh trước kia dẫn xuống cánh tay giờ được phẫu thuật nối vào múi cơ ở ngực.

 

Bằng cách này, mỗi lần Sullivan muốn cử động cánh tay, xung thần kinh mệnh lệnh từ não thay vì truyền xuống cánh tay sẽ truyền xuống ngực, làm cho các cơ ngực chuyển động. Bộ chip ở cánh tay giả có thể cảm nhận được những chuyển động này qua tín hiệu điện và ra lệnh cho cánh tay hoạt động theo kiểu tương ứng. Như vậy, thông qua cơ ngực, cánh tay giả đã hoạt động dựa trên sự điều khiển của não.

 

Tính đến thời điểm này, những cánh tay thí nghiệm đang hoạt động rất tốt, chúng thực hiện mệnh lệnh trong vòng vài giây và không bị ngập ngừng hay dừng đột ngột. Tuy nhiên với chỉ 4 trong 22 kiểu cử động của cánh tay tự nhiên, công nghệ này cần một quãng đường xa nữa mới đạt tới sự hoàn hảo.

 

Trong khi đó Sullivan với sự kiên trì luyện tập đang từng bước tìm lại những thói quen thường nhật của mình trước kia, như cạo râu, ăn sáng, mua thực phẩm, đổ rác, hút bụi... Ngoài ra ông còn cho biết thêm rằng, một số vị trí trên bàn tay và cánh tay nhân tạo có thể cảm nhận được nhiệt độ, bề mặt vật thể và lực tác động ở các mức độ khác nhau. Đó là nhờ bộ cảm biến chủ động được trang bị ở từng đầu ngón tay giúp phân tích những cảm giác xúc giác và truyền trở lại bộ não.

 

Sau Sullivan, mới có thêm một phụ nữ trẻ đồng ý ghép tay giả loại này, đó là Claudia Mitchell 26 tuổi, bị tai nạn môtô năm 2004. Sắp tới Sullivan và Mitchell sẽ cùng góp mặt trong cuộc họp báo tại Washington thứ năm tuần tới, với tư cách là những người đầu tiên sở hữu “cánh tay thần kỳ”. Đây thực sự là một niềm hy vọng lớn cho những người tật nguyền, nhưng trước mắt không phải ai cũng chịu được cái giá 6 triệu USD để sở hữu nó.

 

Ngọc Nga

Theo RIC News, CNN