Cảnh sát ở quốc gia nhỏ nhất thế giới
Vatican, cái tên vừa quen thuộc vừa như thôi thúc du khách khắp nơi trên thế giới tới khám phá và tìm hiểu. Quốc gia nhỏ bé này có rất nhiều điều khác lạ so với các quốc gia khác.
Cũng bởi là đất nước tí hon nên lực lượng cảnh sát nơi đây cũng là một lực lượng cảnh sát quốc gia có quân số ít nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ít là kém mà ít là tinh chất, là “xắt miếng nào ra miếng nấy”, không làm hổ danh quốc gia đặc biệt này…
Thành quốc Vatican với diện tích chỉ khoảng 0,44km2, dân số 840 người được quốc tế công nhận là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới về diện tích và dân số. Toàn bộ lãnh thổ là một vùng đất có tường kín bao bọc nằm gọn trong lòng Thủ đô Roma (Italia).
Vatican được coi là thủ phủ của cộng đồng Thiên Chúa giáo thế giới. Sau nhiều trăm năm thăng trầm và biến cố, quốc gia này được thành lập chính thức vào năm 1929 theo Hiệp ước Laterano với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng (756 - 1870), mọi quyền lực của Vatican nằm trong tay Giáo hoàng – vị vua chuyên chế duy nhất hiện nay ở châu Âu, nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao.
Được thành lập ngay sau khi hình thành nhà nước Vatican, đến nay lực lượng cảnh sát Vatican (Gendarmerie Corps of Vatican City State) có 130 người, do Chánh thanh tra Cảnh sát chỉ huy, đặt trụ sở tại Nhà thờ San Pellegrino.
Cảnh sát Vatican chịu trách nhiệm bảo vệ Giáo hoàng và Giáo hội Vatican, đảm bảo an ninh trật tự tại toàn khu vực lãnh thổ. Chịu trách nhiệm như danh nghĩa quân đội Vatican và cùng phối hợp với cảnh sát để bảo vệ Giáo hoàng là đội vệ binh người Thụy Sỹ (The Swiss Guard).
Đây là đội quân đặc biệt, được Vatican thuê, gồm toàn nam giới mang quốc tịch Thụy Sỹ, phải theo đạo Thiên Chúa, cao từ 1m74 trở lên, được huấn luyện tinh nhuệ, có kỷ luật tốt. Trong những bộ quần áo và vũ khí bề ngoài theo phong cách truyền thống thời phục hưng, đội quân này canh phòng cẩn mật để đảm bảo quốc phòng cho thành quốc Vatican và đảm bảo an ninh cho Giáo hoàng, canh gác các cửa ngõ của thành Vatican, cung điện Giáo hoàng và lâu đài Castel Gandolfo.
Cảnh sát Vatican thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp hành động cùng đội quân này theo một cơ chế chặt chẽ và nhịp nhàng, không để xảy ra tình trạng tranh cãi “quyền anh, quyền tôi” trong thực hiện nhiệm vụ.
Cảnh sát Vatican có nhiệm vụ chính là đảm bảo trật tự công cộng, kiểm soát biên giới, đảm bảo giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, điều tra tội phạm. Dù là lực lượng cảnh sát của quốc gia rất nhỏ bé nhưng Cảnh sát Vatican cũng là thành viên đầy đủ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và có mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức này trong nhiều hoạt động quốc tế quan trọng.
Cảnh sát Vatican gồm hai đơn vị đặc biệt: Đơn vị phản ứng nhanh và Đơn vị chống phá hoại. Do hiến binh người Thụy Sỹ chịu trách nhiệm bảo vệ tiếp cận Giáo hoàng nên đối với Giáo hoàng, cảnh sát Vatican đảm trách việc đảm bảo trật tự công cộng trong các buổi diễn thuyết, cuộc gặp và các buổi lễ mà Giáo hoàng dự. Đối với cảnh sát Italia và cảnh sát các nước khác, cảnh sát Vatican đóng vai trò điều phối các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự cho quốc gia, đồng thời cung cấp các thông tin, sự hỗ trợ cần thiết cho cảnh sát quốc tế.
Để trở thành cảnh sát cho quốc gia đặc biệt này, ngoài các yêu cầu tối thiểu về chiều cao và trình độ, ứng viên phải là nam giới chưa kết hôn trong độ tuổi từ 21 – 24, có sức khỏe tốt và phải là người theo đạo Thiên Chúa. Sau khi được tuyển dụng, họ phải trải qua những kỳ đào tạo và sát hạch khắt khe về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và đặc biệt là lòng trung thành, sự trung thực.
Các khóa đào tạo thường được tiến hành tại các trung tâm đào tạo uy tín của cảnh sát Italia còn các khóa thực tập trước khi được bổ nhiệm cảnh sát chính thức được tiến hành ngay tại chính thành quốc Vatican để các cảnh sát viên khi nhậm chức có thể bắt đầu ngay công việc.
Trong công việc, yếu tố quan trọng nhất là sự trung thực nên bất kỳ một biểu hiện tiêu cực nào của cảnh sát sẽ bị xem là hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm khắc và sẽ dẫn đến hậu quả bị sa thải ngay lập tức. Các cảnh sát ở Vatican được hưởng chế độ ưu đãi rất tốt về lương bổng, phúc lợi, được kính nể nên số lượng ứng tuyển luôn rất đông và tỷ lệ chọn rất cao.
Tội phạm về trật tự xã hội chủ yếu ở thành quốc này thường chỉ là trộm tài sản (mà đại đa số là các hành vi móc túi du khách của những đối tượng phạm tội từ ngoài thành quốc đến với khoảng 400 vụ trộm cắp vặt/năm), trong đó đa số diễn ra tại khu vực các phố đi bộ nơi quảng trường nổi tiếng St. Peter.
Theo quy định tại điều 3, Hiệp ước Lateran được ký giữa Vatican và Italia vào năm 1929 (và vẫn có hiệu lực hiện hành), các cơ quan hành pháp và tư pháp Italia chịu trách nhiệm hỗ trợ nhà nước Vatican trong các hoạt động truy tố và xét xử tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Vatican. Vatican cũng không duy trì hệ thống nhà tù hay cơ sở giam giữ chuyên trách mà lực lượng cảnh sát Vatican chỉ có một số ít phòng tạm giữ đối tượng phạm tội trước khi xét xử.
Hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra và đối tượng sẽ được cảnh sát Vatican chuyển tới Viện công tố Italia để truy tố và Tòa án Italia để xét xử. Sau đó, người bị kết án sẽ phải thụ án tại các trại giam của Italia với chi phí do ngân sách nhà nước Vatican chi trả. Theo luật, từ năm 1929 Vatican có hình phạt tử hình nhưng cho tới tận khi hình phạt này bị bãi bỏ vào năm 1969, không có bất kỳ bản án tử hình nào được ghi nhận trong thực tế tại thành quốc này.
Về trang bị, cảnh sát Vatican được trang bị các phương tiện tuần tra hiện đại với xe ôtô đời mới rất trang nhã. Họ dùng súng lục bán tự động Glock 17 Parabellum cỡ nòng 9mm. Ngoài ra, cảnh sát Vatican còn sử dụng một số loại súng hiện đại giống trang bị của Cảnh sát Italia như súng máy bán tự động Beretta M12 và Hecker&Koch MP5. Đơn vị cảnh sát phản ứng nhanh được trang bị súng Carbon 15 và Heckler&Koch FABARM FP6. Để phòng chống bạo động, bạo loạn, cảnh sát còn có thể sử dụng gậy baton, bình xịt hơi cay và máy phun khí gas.
Theo Đoàn Oanh
Cảnh sát toàn cầu