1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cảnh sát biển Philippines đương đầu nạn đánh bắt trái phép của Trung Quốc

(Dân trí) - Sau một cuộc truy đuổi ngắn nhưng đầy căng thẳng, 2 tàu cao tốc của cảnh sát biển Philippines đã đuổi kịp một tàu đánh bắt trái phép và bao vây nó, trong khi các đặc công có vũ trang sẵn sàng lên tàu cá.

Tàu cao tốc của cảnh sát biển Philippines.

Tàu cao tốc của cảnh sát biển Philippines. 
 
“Phản ứng đầu tiên của họ là bỏ chạy, nhưng họ chỉ dừng lại khi nhận ra rằng họ không thể chạy thoát khỏi chúng tôi”, John Rey Zumarraga, một chỉ huy tàu, cho biết trong một cuộc diễn tập tại vịnh Honda ngoài khơi đảo Palawan ở cực tây Philippines.
 
Với tốc độ tối đa lên tới 83 km/h, các hệ thống radar hiện đại và các cảnh sát biển tinh nhuệ, các tàu cao tốc dài 10 m của Đơn vị tàu tuần tra đặc biệt (SBU) là nỗi sợ hãi đối với các ngư dân đánh bắt trái phép.
 
Được thành lập 4 năm trước với nguồn quỹ từ chính phủ Mỹ, vốn cũng tài trợ tàu và huấn luyện hải quân, sứ mệnh của SBU là tuần tra bờ biển dài gần 2.000 km của tỉnh Palawan, vốn hướng ra Biển Đông và có vị trí chiến lược.
 
Chiến đấu với nạn buôn người là một trong những nhiệm vụ của sứ mệnh, nhưng hầu hết thời gian và nguồn lực của SBU là để ngăn chặn việc đánh bắt các loài cá quý hiếm và các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng khác tại Palawan.
 
“Nếu không có các tàu cao tốc này, những người đánh bắt trộm có thể cười vào mặt chúng tôi”, Bryan Espinosa, một thanh tra viên, cho biết.
 
Nhưng SBU cũng có những điểm yếu. Với việc chỉ có 6 tàu  và nguồn ngân sách eo hẹp từ lực lượng cảnh sát, đơn vị này không thể tuần tra tất cả các vùng biển quanh Palawan và tiến ra Biển Đông.
 
“Khu vực cần tuần tra rất rộng lớn”, ông Espinosa nói.
 
Tàu nhỏ vẫn tạo "sóng" lớn
 
Tuy nhiên, SBU đã tham gia vào việc bắt giữ hàng trăm ngư dân, phần lớn là các ngư dân nước ngoài, và các vụ bắt giữ liên quan tới các ngư dân Trung Quốc đã gây ra chấn động ở Biển Đông.
 
Gần đây nhất, vào tháng trước, SBU đã bắt 9 ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông ngoài khơi Palawan và giữ tàu của họ. Cảnh sát Philippines cho biết tàu Trung Quốc chứa hàng trăm rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều trong số đó đã chết.
 
Hầu hết công việc của SBU chỉ giới hạn ngoài khơi bờ biển Palawan.
 
Tuy nhiên, vụ bắt giữ các ngư dân Trung Quốc hồi tháng trước diễn ra tại vùng biển cách Palawan khoảng 100 km tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
 
Vụ bắt giữ đã thổi bùng cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập niên nhưng ngày càng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông và chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Manila thả các ngư dân ngay lập tức.
 
Tàu cao tốc của cảnh sát biển Philippines.
Các cảnh sát biển Philippines đã bắt giữ nhiều ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép. 
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông, trong đó có các vùng biển cách cực nam của nước này hơn 1.000 km và cách Palawan chỉ 40-50 km.
 
Philippines vẫn giữ vững lập trường về vụ việc, khẳng định rằng các ngư dân phải bị đưa ra tòa vì tội đánh bắt các động vật quý hiếm và được bảo vệ, tội danh có thể đối mặt với mức án tối đa 20 năm tù.
 
Các ngư dân Trung Quốc đã xuất hiện tại một tòa án ở Puerto Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan, mở màn cho tiến tình pháp lý kéo dài. Họ vẫn khăng khăng không nhận tội.
 
Trưởng công tố Palawan Alen Rodriguez cho hay hầu hết người nước ngoài bị buộc tội đánh bắt trái phép lĩnh án tù từ 6 tháng đến 4 năm.
 
Tuy nhiên, các ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ hồi tháng trước đối mặt với án tù cao hơn, vì vụ việc của họ liên quan tới các động vật có nguy cơ tuyệt chủng, chứ không chỉ là đánh bắt trái phép.
 
Trong nhiều thế kỷ qua, các ngư dân Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam chia sẻ các ngư trường giàu sản vật ở Biển Đông, phần lớn là một cách hòa bình.
 
Những trong những thập niên gần đây, cuộc cạnh tranh ngư trường ngày càng gia tăng khi dân số bùng nổ tại quốc gia châu Á, buộc các ngư dân phải đi xa hơn khỏi quê nhà và tới gần bờ biển các nước khác để đánh bắt.
 
“Họ biết rõ rằng đang đánh bắt nằm ngoài vùng biển nước mình vì các tàu của họ được trang bị các hệ thống định vị toàn cầu (GPS)”, phát ngôn viên SBU, Raymond Abella.
 
Đội tàu mở rộng, nhưng không đủ
 
Đơn vị tàu tuần tra đặc biệt đang mở rộng, với một căn cứ mới đang được xây dựng gần Malaysia và một cơ sở khác được lên kế hoạch để tuần tra biên giới biển với Indonesia.

Tuy nhiên, ông Raymond Abella thừa nhận rằng điều đó vẫn không đủ để ngăn chặn việc các vụ xâm nhập của các tàu cá nước ngoài ngày càng gia tăng. "Chúng tôi biết rằng việc đó vẫn diễn ra tràn lan", ông Abella nói.

"Palawan có nhiều nguồn sản vật và khá dễ để đánh bắt chúng. Họ biết rằng chính sách ở đây không chặt chẽ và đó là lý do tại sao họ tiếp tục đến đây", ông Abella cho biết thêm.

Trong khi đó, không có các tàu cao tốc để tuần tra phần còn lại của bờ biển Philippines, quốc gia có đường bờ biển dài thứ 4 thế giới.

Việc bảo vệ các tài nguyên biển dọc phần còn lại của bờ biển Philippines chủ yếu dựa vào hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển vốn được trang bị nghèo nàn và thường phải bận rộn với các nhiệm vụ khác.

An Bình
Theo AFP