1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cảnh giác với cách Trung Quốc "mua láng giềng gần"

Dù Chính phủ Trung Quốc luôn tự nói mình đang "trỗi dậy hòa bình", nhưng không phải tất cả các nước láng giềng đều thích thú với điều đó.

Ngạc nhiên trước sự ủng hộ TPP gần đây của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố tìm cách nào để đối trọng tốt nhất với sự ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Mỹ tại Đông Á. Theo một chuyên gia nghiên cứu của CASS, chiến lược quan trọng nhất đối với Chính phủ Trung Quốc ở thời điểm này là tích cực thúc đẩy chiến lược FTA của riêng mình.

Trong một bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Tài chính châu Á, ông Li Wei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước, cho biết "chính sách kiên định" của Chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy sự phát triển các khu vực thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc ở châu Á.

Trong khi ghi nhận rằng một số nước châu Á hiện đang cố hợp tác với các nền kinh tế bên ngoài khu vực để thiết lập một mạng lưới rộng hơn các quan hệ thương mại tự do liên khu vực, ông Li cũng nhắc lại một câu châm ngôn cổ của Trung Quốc: "bán họ hàng xa mua láng giềng gần". Ông khuyên rằng sự gần gũi về địa lý giữa các nước châu Á là "một đảm bảo sống còn cho sự ổn định và phát triển của từng nước" và "hợp tác với các nước xa có thể không có lợi cho sự phát triển kinh tế của chính các nước này".

Ảnh minh họa
 
Ảnh minh họa

He Liangliang, một chuyên gia bình luận từ Hong Kong, cho rằng phát biểu của ông Li dường như muốn nói đến chính sách gần đây của Nhật Bản chuyển hướng sang quan tâm tới TPP. Theo ông, bài phát biểu này là một chỉ dẫn rõ ràng cho thấy Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy việc thiết lập các FTA mới với nhiều nước láng giềng châu Á hơn nữa, nhằm đối trọng với lịch trình TPP mà Mỹ thúc đẩy.

Sự quan tâm của Mỹ tới TPP, từ đó xâm lấn khu vực, càng khiến Bắc Kinh đi nhanh hơn trên con đường thúc đẩy FTA. Trung Quốc muốn chứng tỏ cho các nước láng giềng của mình rằng họ sẽ tiếp tục là một địa chỉ tin cậy cho các đối tác kinh tế song phương.

Đầu năm 2012, Trung Quốc đã ký các FTA song và đa phương với 10 quốc gia/khu vực: Hong Kong, Macau, Đài Loan, ASEAN 10, Pakixtan, Chile, New Zealand, Singapore, Peru và Costa Rica.  Họ cũng đang trong quá trình ký kết các FTA song phương với một số nước khác như Australia, Iceland, Hàn Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU).

Gần đây hơn, sau 7 năm đàm phán sơ bộ, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Bark Tae Ho đã thông báo ngày 2/5 vừa qua về sự khởi đầu các cuộc thương lượng chính thức FTA Trung - Hàn. Cuối tháng Năm, các Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một FTA ba bên vào cuối năm nay.

Chính phủ Trung Quốc ban đầu không xuất phát từ những lo ngại kinh tế khi họ thúc đẩy lịch trình FTA của mình; các nhân tố chính trị đóng một vai trò quan trọng. Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Dù Chính phủ Trung Quốc luôn tự nói mình đang "trỗi dậy hòa bình", nhưng không phải tất cả các nước láng giềng đều thích thú với điều đó.

Thực vậy, sự trỗi dậy của Bắc Kinh thành một cường quốc khu vực và toàn cầu đã làm dấy lên những mối lo ngại cả về kinh tế lẫn chiến lược trong những nước láng giềng ASEAN, ở nhiều cấp độ khác nhau. Một vài trong các mối lo ngại đó xuất phát từ một sự mất niềm tin từ trong lịch sử, và được gia cường bởi các căng thẳng gần đây trên biển Đông.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu cố gắng gây dựng lại uy tín, và xây dựng các quan hệ chính trị mật thiết hơn với hầu hết các nước láng giềng bằng cách trao cho họ những lợi ích kinh tế thông qua FTA. Chẳng hạn như FTA của Trung Quốc với Đài Loan được coi là một công cụ hữu hiệu để tăng cường thông tin về bản sắc chính trị "một Trung Quốc" và triệt tiêu các phong trào ly khai độc lập.

Ý định của Trung Quốc đàm phán một FTA song phương với Australia cũng có thể được nhìn từ một thấu kính chính trị: Trung Quốc coi Australia là một nước quan trọng tại Nam Thái Bình Dương và cảm thấy quan hệ song phương Trung Quốc - Australia chưa đủ thân mật, có lẽ phản ánh mối lo ngại của họ với quan hệ đồng minh giữa Australia với Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, Bắc Kinh hy vọng FTA sẽ là một công cụ hữu ích để tăng cường quan hệ chiến lược với Canberra, nâng cấp quan hệ này từ "hợp tác hữu nghị" lên một "đối tác chiến lược".

Chiến lược FTA của Trung Quốc cũng tính đến việc tham gia TPP. Trở thành một thành viên của TPP có thể có lợi cho Trung Quốc ở ba điểm. Thứ nhất, nếu Trung Quốc gia nhập TPP ngay từ những ngày đầu, nước này sẽ có thể mặc cả với Mỹ ngay từ đầu và có thể gây ảnh hưởng trong việc lập quy định của TPP, từ đó bảo vệ lợi ích của chính Trung Quốc. Thứ hai, sự tham gia của Trung Quốc có thể tạo điều kiện hơn nữa cho quá trình tự do hóa thương mại khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt quan trọng từ khi vòng đàm phán Doha bị đình trệ. Cuối cùng, tham gia TPP có thể thúc đẩy Trung Quốc cải thiện các tiêu chuẩn môi trường và lao động dưới các sức ép bên ngoài, từ đó sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế lâu dài của nước này.

Bất chấp các lợi ích tiềm ẩn của việc gia nhập TPP, Trung Quốc vẫn do dự về lựa chọn này. Theo khuôn khổ hiện nay của TPP, nếu Trung Quốc muốn tham gia, họ phải được sự thông qua của tất cả các nước thành viên TPP, điều không hề dễ. Trung Quốc cũng sẽ phải nhượng bộ rất nhiều. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Đức Minh nói rằng Trung Quốc sẽ đánh giá khả năng tham gia TPP, nhưng cũng muốn quá trình này cởi mở, toàn diện và minh bạch.

Ngoài việc thúc đẩy lịch trình FTA của riêng mình, Trung Quốc cũng dùng nguồn tiền của mình thông qua các kênh khác nhau để thu hút các nước ASEAN. Tháng 11/2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tặng cho các nước ASEAN một gói tín dụng hào phóng trị giá từ 10 triệu USD để cam kết tăng cường trao đổi công nghệ, trong khi nhắc nhớ khu vực rằng tỷ trọng thương mại ASEAN - Trung Quốc sẽ đạt 400 tỷ USD vào cuối tháng này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng thông báo một quỹ hợp tác biển mới trị giá 3 tỷ USD, nhằm xoa dịu những lo ngại của Philippines và Việt Nam về việc yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông có thể cản trợ tự do và an toàn hàng hải trong khu vực.

Zhao Kejin, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, ghi nhận rằng chiến lược của Bắc Kinh là nhắc nhở châu Á rằng "hội nhập với Trung Quốc sẽ đem lại những lợi ích" mà khu vực này không thể có được nếu liên kết với một nước Mỹ yếu hơn về kinh tế.

Hiệu quả của chiến lược FTA Trung Quốc

Dù giới lãnh đạo Bắc Kinh tích cực theo đuổi lịch trình FTA của riêng mình như một chiến lược đối trọng với lịch trình TPP, nhưng ít khả năng chiến lược như vậy sẽ giúp Trung Quốc đạt mục tiêu cỉa thiện môi tường láng giềng.

Theo giáo sư trường Harvard Joseph S. Nye, sức mạnh ngày một gia tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo sợ và phải tìm kiếm các đồng mình để cân bằng với sức mạnh cứng ngày càng tăng của Trung Quốc. Dù Chính phủ Trung Quốc cố gắng "hối lộ" các nước láng giềng châu Á bằng các lợi ích kinh tế, nhưng quan điểm hữu nghị của Trung Quốc thường xuyên bị giảm giá trị bởi thái độ của Bắc Kinh không sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong một khuôn khổ đa phương, cũng như việc họ liên tiếp đe dọa bắt nạt các nước láng giềng.

Chẳng hạn năm 2010, việc Trung Quốc nhanh chóng tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa lực lượng hải quân đã khiến các nước láng giềng ASEAN đặc biệt lo ngại, nhất là trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhiều dầu khí. Lo ngại về các tham vọng quân sự của Tủng Quốc đã khiến các nước láng giềng ASEAN cố gắng quốc tế hóa tranh chấp. Các bình luận của Ngoại trưởng mỹ Hillary Clinton năm 2010, nhấn mạnh "Mỹ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng đa phương về vấn đề này", đã gây ra một phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh, họ nói Mỹ can dự vào vấn đề.

Còn tiếp

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.