1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cảnh báo về nguy cơ nổ ra thảm họa hạt nhân

Quan hệ xấu đi giữa Nga và Mỹ, chương trình hạt nhân bất trắc của Triều Tiên, khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan - đó là những nhân tố có thể làm nổ ra cuộc xung đột hạt nhân một cách không báo trước.


Xung đột hạt nhân không phải là mục đích của bất cứ nước nào song quan hệ ngày càng phức tạp và gia tăng căng thẳng có thể dẫn đến xung đột

Xung đột hạt nhân không phải là mục đích của bất cứ nước nào song quan hệ ngày càng phức tạp và gia tăng căng thẳng có thể dẫn đến xung đột

Cần phải làm gì để ngăn chặn thảm họa hạt nhân và không để vũ khí hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố. Đó là các nội dung được giới chuyên gia thảo luận tại Hội nghị quốc tế lần thứ 10 của Diễn đàn Luxembourg về ngăn chặn thảm họa hạt nhân tại Paris vừa qua.

Căng thẳng Mỹ - Nga nóng lên

Năm 2017 ghi nhận quan hệ quốc tế có nhiều nguy cơ không xác định liên quan đến vấn đề an ninh hạt nhân. Nổi bật là những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng xem xét lại chương trình hạt nhân với Iran, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, cũng như quan hệ xấu dần giữa Ấn Độ và Pakistan có thể dẫn đến việc một trong hai nước sử dụng tiềm lực hạt nhân của mình. Trong đó, một trong những khó khăn, phức tạp nhất ở đây là tình trạng trì trệ trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ liên quan đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Trong năm tới, Moskva và Washington dự định sẽ hoàn tất việc cắt giảm vũ khí chiến lược theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, số phận của thỏa thuận này trong bối cảnh thực tiễn quan hệ song phương hiện nay thật khó mà dự đoán. Thêm vào đó, việc thực hiện Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng đang gặp khủng hoảng, đây được xem là hòn đá cản đường những nỗ lực gây dựng hệ thống an toàn hạt nhân hiện nay.

Năm 1987, Mỹ và Liên Xô ký kết hiệp ước INF và văn kiện này chính thức có hiệu lực từ tháng 6/1988. Nội dung chính của hiệp ước là cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc thử nghiệm từ mặt đất các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Đã có khoảng 2.700 tên lửa tầm trung bị tiêu hủy sau khi INF có hiệu lực.

Chủ tịch Diễn đàn Luxembourg về ngăn chặn thảm họa hạt nhân Vyacheslav Kantor nhấn mạnh rằng đang có sự gia tăng căng thẳng do những phàn nàn của hai bên trong quá trình thực hiện thỏa thuận INF. Trong khi đó, chương trình về tiêu hủy plutonium dư thừa bị đóng băng, công việc nghiên cứu khoa học hạt nhân cũng bị dừng lại. Tình hình này có thể dẫn tới nguy cơ các nước chạy đua vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Tình trạng hạt nhân hóa như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu những nỗ lực bảo đảm ổn định cho hệ thống an toàn hạt nhân.

Giáo sư Đại học Mariland và cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu vũ trụ - Viện Hàn lâm khoa học CCCP, Roald Sagdeev trao đổi với báo Gazeta rằng hiện Mỹ đang ngả về quan điểm cho rằng không thể tiến hành đàm phán với phía Nga. Ngay cả trong những năm tháng Chiến tranh Lạnh, hai bên vẫn giữ được đối thoại mà nay thì không thể. Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực an toàn hạt nhân rất quan trọng, ít nhất cũng vì các nước “nhỏ” (ám chỉ Ấn Độ và Pakistan) luôn nhìn vào hành động của các nước “lớn”. Và nếu như bây giờ đối thoại Nga-Mỹ về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) hay thực hiện INF bị đổ vỡ, điều đó tất nhiên sẽ tác động đến quyết định tham gia đàm phán về an toàn hạt nhân của các nước khác.

Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry thì tin rằng quan hệ giữa Moskva và Washington không phải mới đây mới bị xấu đi, mà Mỹ là nước khởi xướng. Đầu tiên là những động thái mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu. Sau đó, khi Mỹ ủng hộ cách mạng màu, ví dụ như tại Ukraine, thì Nga bắt đầu lo sợ sự ủng hộ đó sẽ dành cho cả cuộc cách mạng màu tiềm tàng tại Nga. Và khi tại Nga diễn ra các hoạt động biểu tình phản đối năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng đứng đằng sau chúng là Mỹ.

Song ông Perry cho rằng một phần trách nhiệm thuộc cũng về Moskva, ngụ ý đến cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea năm 2014, cũng như “đe dọa về phía các nước vùng Baltic”. Cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc kết luận rằng nếu xem xét tổng thể, các sự kiện đó là những nhân tố tác động đưa mối quan hệ song phương quay trở về thời Chiến tranh Lạnh.

Cơ sở của hệ thống an ninh hạt nhân hiện nay là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ký năm 1968. Theo thỏa thuận này, quy chế cường quốc hạt nhân được trao cho 5 nước Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc. Hiện nay có Ấn Độ và Pakistan tham gia vào CLB hạt nhân này. Cũng giả thuyết rằng Israel có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên thì tiến hành các vụ thử hạt nhân.

Vấn đề Triều Tiên rơi vào ngõ cụt chính vì các nước không thể thỏa thuận được với nhau. Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên đặt ra điều kiện tiên quyết để bắt đầu đối thoại là phải được công nhận quy chế quốc gia hạt nhân. Theo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, tình trạng cạnh tranh hiện nay là do nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại về chế độ tại đất nước mình, hay nói chính xác hơn là chính các chế độ này “gợi lên sự lo ngại từ phía cộng đồng quốc tế”. Trước hết là Triều Tiên và Iran.

Theo giới chuyên gia, vai trò then chốt trong giải quyết tình hình tại bán đảo Triều Tiên phải thuộc về Trung Quốc và Mỹ. Bởi Washington là bên chỉ trích Bình Nhưỡng còn Trung Quốc có khả năng gây sức ép lên ban lãnh đạo Triều Tiên. Trong mô hình này, việc Nga tham dự là hợp logic, tuy nhiên cần phải chuẩn bị trước một sân chơi cho đối thoại.

Trong khi đó, các chương trình hạt nhân của Iran cũng không phải không có khó khăn. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố muốn xem xét lại thỏa thuận với Tehran, để ký một thỏa thuận tốt hơn. Việc Mỹ dọa xem xét lại quan điểm với Iran có thể gây ra bất ổn trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí nói chung.

“Ranh giới đỏ”

Hầu như các nước trên thế giới đều hiểu được hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy xung đột hạt nhân không phải là mục đích của bất cứ nước nào đã hay đang muốn có vũ khí hạt nhân. Song quan hệ ngày càng phức tạp và gia tăng căng thẳng có thể dẫn đến xung đột. Ông Vyacheslav Kantor lo ngại chỉ ra rằng ngày nay trong ngôn ngữ của giới quân sự tại nhiều nước đã nhắc đến khả năng của một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến lược hạn chế và giữa các lời chỉ trích lẫn nhau, “thế giới vô tình trượt dần về phía chiến tranh hạt nhân”.

Thêm một vấn đề lớn nữa là các chính trị gia gắn an ninh hạt nhân với các mục tiêu trong nước. Chính vì vậy, niềm tin bị giảm sút và cùng với nó là khả năng đàm phán của các nước. Giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump muốn đưa ra giải pháp cho vấn đề Triều Tiên hoặc xem xét lại kết quả thỏa thuận với Tehran không chỉ để giải quyết bất đồng, mà để tạo ra một hiệu quả nội chính trị và củng cố thêm vị thế trong nước của mình. Đặc biệt là khi thỏa thuận với Tehran rõ ràng đang đạt kết quả, Iran đang thực hiện tất cả các nghĩa vụ đã cam kết và được các chuyên gia và quan sát viên công nhận.

Quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây hiện nay được giới chuyên gia đánh giá là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, như trên đã nói, ngay cả trong thời kỳ căng thẳng nhất, Moskva và Washington vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc và nếu mất đi đối thoại thì hậu quả sẽ vô cùng tiêu cực. Theo Giáo sư Roald Sagdeev, hiện nay không có cơ chế nào để khôi phục lại các cuộc tiếp xúc cấp cao và tìm ra giải pháp cho quan hệ hai nước. Nếu quan hệ Mỹ - Nga một lần nữa rơi vào khủng hoảng, ví dụ như thời khủng hoảng Cuba, thì ngoài “ranh giới đỏ” giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng, không còn một cơ chế nào khác. Song ngay cả “ranh giới đỏ” này thời gian gần đây cũng không còn hiệu quả. Ông William Perry đặc biệt nhấn mạnh rằng trong quan hệ căng thẳng giữa hai nước còn bổ sung thêm các nhân tố nguy hiểm chưa hiện diện dưới thời Chiến tranh Lạnh.

Nguy cơ lớn thứ nhất là chủ nghĩa khủng bố hạt nhân nếu đại diện của nhóm cực đoan tiếp cận được với vũ khí hạt nhân. Rủi ro tiềm tàng thứ hai là tái diễn xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Và thứ ba là Triều Tiên, trong trường hợp Bình Nhưỡng cảm nhận được mối đe dọa đến chế độ của mình, họ sẽ sẵn sàng tấn công vào Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Ông Perry chỉ ra rằng chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan có thể khiến hàng chục thành phố bị tấn công hạt nhân. Và nếu chiến tranh nổ ra tại Hàn Quốc và leo thang thành chiến tranh hạt nhân, nguy cơ Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Seoul và Tokyo sẽ rất cao. Vì vậy, chiến tranh hạt nhân cũng như xung đột hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan có thể gây ra thiệt hại về người, với số lượng không kém số nạn nhân của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ khác là nạn nhân chết trong vòng 6 giờ, chứ không phải 6 năm.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng nói riêng về vấn đề vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố, ông nhắc đến kịch bản sử dụng cái gọi là “bom bẩn”, đó là một hình thức phổ biến vũ khí hạt nhân kết hợp với nguy cơ các nước bị xua đuổi phổ biến công nghệ hạt nhân. Theo ông Blair, vấn đề đe dọa tin học cũng liên quan chặt chẽ với thách thức đó, ví dụ khủng bố có thể không tiếp cận được với vũ khí hạt nhân, song có thể có công nghệ phá vỡ hoặc gây tổn hại đến các cơ sở quản lý hoặc lưu giữ hệ thống hạt nhân.

Theo Hồng Quang

Pháp luật Việt Nam