1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc phát hiện Omicron ở loài hươu đuôi trắng tại New York, Mỹ đã làm dấy lên lo ngại rằng loài vật này có thể trở thành vật chủ của biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới - 1

Hươu đuôi trắng ở Fort Lee, New Jersey, Mỹ (Ảnh: Reuters).

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học bang Pennsylvania, mẫu máu và dịch thể thu thập từ 131 con hươu trên đảo Staten, New York cho thấy gần 15% số hươu có kháng thể SARS-CoV-2. Các chuyên gia cho biết, phát hiện này cho thấy những con vật này có thể từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và dễ bị tái nhiễm nhiều lần với các biến chủng mới.

"Sự lưu hành của virus trong quần thể động vật luôn làm tăng khả năng lây nhiễm ngược lại con người, nhưng quan trọng hơn, nó tạo ra nhiều cơ hội cho virus phát triển thành các biến chủng mới", Suresh Kuchipudi, nhà vi sinh vật học thú y tại Đại học bang Pennsylvania cho biết.

"Khi virus đột biến hoàn toàn, nó có thể vượt qua sự bảo vệ của các loại vaccine hiện tại. Do vậy, chúng ta sẽ phải thay đổi vaccine", chuyên gia Kuchipudi cho biết thêm.

Việc phát hiện Omicron ở loài hươu đuôi trắng tại New York đã làm dấy lên lo ngại rằng loài vật này có thể trở thành vật chủ của biến chủng SARS-CoV-2 mới. Hiện có khoảng 30 triệu con hươu đuôi trắng trên toàn nước Mỹ.

Đây là lần đầu tiên biến chủng Omicron được phát hiện ở động vật hoang dã, trong bối cảnh làn sóng Omicron vẫn đang tiếp tục lan rộng tại Mỹ.

Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy động vật truyền virus SARS-CoV-2 sang người, nhưng theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, phần lớn ca mắc Covid-19 được báo cáo là ở các loài động vật tiếp xúc gần với con người.

Vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Mỹ cho biết họ đã phát hiện những trường hợp hươu hoang dã mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới ở Ohio, bổ sung vào danh sách các động vật dương tính với SARS-CoV-2. Phát hiện này dựa trên các mẫu dịch thu được từ hươu nhiều tháng trước khi biến chủng Omicron xuất hiện.

Trước đó, Mỹ từng ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 ở động vật gồm chó, mèo, hổ, sư tử, báo tuyết, rái cá, khỉ đột và chồn.

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11 năm ngoái. Biến chủng này gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.

Nhiều biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.

Giới chuyên gia chưa thể đoán định được biến chủng tiếp theo sẽ như thế nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến diễn biến đại dịch. Họ cũng không chắc chắn liệu các biến chủng sau sẽ gây bệnh nhẹ hơn và liệu vaccine hiện tại có còn hiệu quả cao hay không.

Các chuyên gia cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của chúng.

Theo www.reuters.com