1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Căng thẳng Saudi Arabia – Iran gia tăng và lo ngại của cộng đồng quốc tế

Cộng đồng quốc tế đang gia tăng lo ngại về cuộc khủng hoảng đang ngày càng xấu đi giữa Iran và Saudi Arabia...

Căng thẳng Saudi Arabia – Iran gia tăng và lo ngại của cộng đồng quốc tế - 1

Người biểu tình chống lại việc xử tử giáo sĩ dòng Shi'ite ngày 4/1/2016. (Ảnh: AFP)

... Trong bối cảnh Kuwait nối bước Saudi Arabia, Bahrain, triệu hồi đại sứ tại Iran về nước sau những vụ biểu tình tại Iran tấn công đại sứ quán Saudi Arabia gần đây.

Hãng tin quốc gia Kuwait (Kuwait News Agency – KUNA) thông tin cho biết: “Bộ Ngoại giao Kuwait ngày 5/1 thông báo rằng đã triệu hồi đại sứ nước này tại Iran sau những vụ đốt phá, tấn công các đại sứ quán do người biểu tình Iran gây ra. Mới nhất là vụ người biểu tình Iran tấn công đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và lãnh sự quán nước này ở Mashhad”. KUNA còn trích dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Kuwait cho biết, vụ tấn công các cơ sở ngoại giao trên của người biểu tình Iran đã vi phạm cam kết quốc tế của nước này là bảo đảm an ninh cho các cơ sở ngoại giao, an toàn cho nhân viên ngoại giao trên lãnh thổ của mình.

Là hàng xóm và đồng minh truyền thống của Riyadh, Kuwait trở thành quốc gia Arab thứ 5 phá vỡ hoặc giảm bớt các mối quan hệ với Iran, sau Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Sudan và Bahrain. Nước này cũng đã đình chỉ tất cả các liên kết hàng không với Iran, nối bước Saudi Arabia.

Trước đó, Saudi Arabia thông báo đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/1, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir yêu cầu toàn bộ các nhà ngoại giao Iran rời khỏi nước này và cấm công dân Saudi Arabia du lịch đến Iran. Kênh truyền hình của Saudi Arabia Al-Akhbariya ngày 5/1 thông báo rằng tất cả các thành viên của phái đoàn ngoại giao nước này đóng tại Iran đã trở lại Riyadh. Bahrain cũng ra tuyên bố tương tự như Saudi Arabia. UAE tuyên bố hạ cấp quan hệ với Iran.

Những quốc gia này phản đối cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran sau khi Saudi Arabia xử tử giáo sĩ dòng Shi'ite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr cùng 46 người khác với cáo buộc tội khủng bố.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), quy tụ 6 quốc gia trong khu vực và chỉ riêng Oman không phản ứng trước các sự kiện này, triệu tập một cuộc họp đặc biệt những người đứng đầu ngành ngoại giao ở Riyadh vào ngày 9/1 tới đây để thảo luận về "những hậu quả của các cuộc tấn công" chống lại các đại diện của Saudi Arabia tại Iran. Và tới ngày 10/1, các ngoại trưởng Arab cũng sẽ họp tại Cairo để bàn về chủ đề này.

Về phần mình, Iran hạn chế hậu quả của những thông báo được Saudi Arabia và các đồng minh của nước này đưa ra; đồng thời khẳng định chính Ryad sẽ phải chịu đựng tổn thất nhiều nhất từ tình trạng này. Phát biểu trong buổi gặp với Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen tại Tehran ngày 5/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: "Saudi Arabia không thể che giấu tội ác hành quyết một thủ lĩnh tôn giáo bằng việc cắt đứt quan hệ với Iran. Chúng tôi tin rằng ngoại giao và đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực...". Ngoài ra, người phát ngôn của chính phủ Iran Mohammad Bagher Nobakht cũng khẳng định: "Việc Saudi Arabia và các đồng minh cắt đứt quan hệ không có ảnh hưởng đến sự phát triển của Iran”.

Những quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại rằng mâu thuẫn giữa Iran và Saudi Arabia có thể là “giọt nước làm tràn ly”, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy hỗn loạn và sự leo thang căng thẳng càng làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vẫn luôn tồn tại dai dẳng trong khu vực này.

Nhóm họp tại New York (Mỹ) ngày 4/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và lên án cuộc tấn công vào các cơ quan đại diện ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran; đồng thời kêu gọi hai nước này duy trì đối thoại. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an nhấn mạnh nguyên tắc bất khả xâm phạm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán và yêu cầu Tehran “bảo vệ các cơ sở ngoại giao, các lãnh sự quán và nhân viên ngoại giao” của nước ngoài.

Đại sứ Saudi Arabia tại Liên hợp quốc Abdullah al-Mouallimi đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án việc xâm phạm các cơ quan ngoại giao của nước này tại Iran trong khi đại diện của Iran bày tỏ "sự tiếc nuối" của Tehran và cam kết sẽ "có biện pháp để bảo đảm không tái diễn những sự cố tương tự".

Bày tỏ quan ngại trước việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi Ngoại trưởng hai nước tránh các hành động làm leo thang căng thẳng giữa hai nước và trong khu vực. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết mang tính xây dựng của cả hai nước nhằm phục vụ lợi ích của cả khu vực và thế giới.

Mỹ kêu gọi Saudi Arabia và Iran kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về việc cả Iran và Saudi Arabia làm tình hình thêm căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm tình hình thêm phức tạp”. Ông Earnest cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác của Iran và Saudi Arabia để chuyển đi thông điệp của Mỹ. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, bất đồng gia tăng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm cản trở nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria.

Liên minh châu Âu cũng kêu gọi các bên liên quan hành động một cách có trách nhiệm sau những sự kiện gần đây giữa Iran và Saudi Arabia dẫn đến căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hai nước.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng giữa Saudi Arabia và Iran, đồng thời kêu gọi hai bên giữ bình tĩnh và quay trở lại bàn đàm phán.

Pháp cũng hối thúc Saudi Arabia và Iran hạ nhiệt căng thẳng.

Tuyên bố với báo giới, người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh Berlin hối thúc Iran và Saudi Arabia đối thoại với nhau và sử dụng mọi biện pháp có thể để cải thiện quan hệ song phương sau khi Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.

Ngoài ra, Nga – một đồng minh chiến lược của Iran – cũng ngay lập tức lên tiếng về những căng thẳng ở Trung Đông. Trong tuyên bố trên trang web chính thức, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Moscow lo ngại về diễn biến xấu đi gần đây ở Trung Đông liên quan đến hai nước lớn trong khu vực là Saudi Arabia và Iran. Nga sẽ duy trì mối quan hệ thân thiện vốn có với cả hai nước. Chúng tôi kêu gọi Tehran và Riyadh cũng như các quốc gia vùng Vịnh khác kiềm chế”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng đã nêu rõ Bắc Kinh đang theo dõi sát sao những diễn biến trong quan hệ Iran – Saudi Arabia, đồng thời bày tỏ quan ngại bất đồng giữa hai nước có thể khiến xung đột trong khu vực leo thang.

Căng thẳng Saudi Arabia – Iran gia tăng và lo ngại của cộng đồng quốc tế - 2

Người biểu tình Iran đốt một phần của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran ngày 2/1/2016. (Ảnh: AFP)

Cuộc khủng hoảng Syria tiếp tục đối mặt với thách thức

Theo nhận định của giới phân tích, những căng thẳng hiện nay sẽ khiến các cuộc xung đột tại Trung Đông càng thêm trầm trọng. Không những đại diện cho hai dòng Hồi giáo đối nghịch, Saudi Arabia và Iran còn đang ra sức chạy đua để trở thành thế lực mạnh nhất trong khu vực này, thông qua việc hậu thuẫn những phe phái đối kháng tại Yemen và Syria. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, không thể phủ nhận rằng cả Saudi Arabia và Iran đều đang ra sức khẳng định là một trong số những quốc gia đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria.

Đại sứ của Saudi Arabia tại Liên hợp quốc Abdullah al-Mouallimi cho biết, việc cắt đứt các quan hệ với Iran sẽ không ngăn cản Riyadh "tiếp tục làm việc chăm chỉ để hỗ trợ các nỗ lực hòa bình ở Syria và Yemen" và Saudi Arabia sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tiếp theo về Syria, dự kiến ​​diễn ra từ ngày 25/1 tới đây tại Geneva dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, đề cập vai trò của Iran trong cuộc nội chiến kéo dài này, ông Mouallimi nói rằng sự thay đổi trong quan hệ sẽ không ngăn cản Tehran “hành xử như thế”.

Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết đòi Tổng thống Syria al-Assad phải ra đi trong khi Iran luôn sát cánh cùng Nga để bảo vệ ông Assad. Khi quân đối lập dòng Shiite ở Yemen, dưới sự hỗ trợ của Iran, đã giành được quyền kiểm soát đất nước thì Saudi Arabia lại dẫn đầu một liên minh quân sự gồm các nước Sunni để tấn công Yemen.

Hiện các quốc gia Arab cáo buộc Iran can dự vào công việc nội bộ của những nước này. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir thậm chí còn rất gay gắt khi cho rằng trong lịch sử, Iran luôn can thiệp và thù địch trong các vấn đề của Arab.

Có thể thấy rõ ràng rằng sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm triển vọng hòa bình ở Syria trở nên xa vời, và nếu những mâu thuẫn giữa hai quốc gia này không được giải quyết thì rất có thể sẽ thổi bùng lên ngọn lửa vốn đang âm ỉ tại Trung Đông, đẩy khu vực này tiếp tục chìm sâu vào vòng xoáy của bạo lực và bất ổn. Hơn lúc nào hết, để giữ yên hòa bình tại khu vực vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn này đòi hỏi thiện chí từ các bên liên quan cũng như sự hỗ trợ, hòa giải từ phía cộng đồng quốc tế, và giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại luôn cần được xem là giải pháp tối ưu./.

Theo Khánh Linh

Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm