1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng leo thang ở Biển Đen, Ukraine cảnh báo bắn chìm toàn bộ tàu Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo Ukraine có thể bắn hạ toàn bộ tàu Nga nếu Moscow tiếp tục tấn công các cảng của Kiev.

Căng thẳng leo thang ở Biển Đen, Ukraine cảnh báo bắn chìm toàn bộ tàu Nga - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi không có nhiều vũ khí, nhưng nếu họ tiếp tục tấn công, họ có thể không còn con tàu nào khi chiến tranh kết thúc", Tổng thống Zelensky nói với truyền thông Mỹ Latinh trong cuộc họp báo hôm 7/8.

"Đó là những gì chúng tôi muốn cho họ thấy. Ukraine chắc chắn sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào dân thường cũng như các hành lang ngũ cốc", ông Zelensky cảnh báo.

Theo Tổng thống Zelensky, "nếu Nga tiếp tục kiểm soát Biển Đen và phong tỏa khu vực này bằng tên lửa, Ukraine cũng sẽ hành động tương tự, đó là sự phòng vệ công bằng cho khả năng của Ukraine".

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, ông Zelensky cho rằng Nga hiện không thể kiểm soát các cảng biển của Ukraine, do vậy tất cả các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở này có thể bị coi là khủng bố.

"Nga không thể chiếm các cảng này. Đây không phải là hành động quân sự. Chúng thậm chí không liên quan tới xung đột. Chúng tôi sẽ đánh chìm toàn bộ hạm đội của Nga nếu chúng đến quá gần. Nga hoàn toàn nhận thức được điều đó", ông Zelensky tuyên bố.

Căng thẳng leo thang ở Biển Đen, Ukraine cảnh báo bắn chìm toàn bộ tàu Nga - 2

Vị trí Biển Đen ở phía nam Ukraine (Ảnh: NYT).

Ngày 27/7, Bộ trưởng Cộng đồng, Lãnh thổ và Phát triển Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, trong 9 ngày liên tiếp, Nga đã tấn công thành phố cảng Odessa ở phía nam Ukraine, 26 cơ sở hạ tầng cảng và 5 tàu dân sự của Ukraine đã bị hư hại và phá hủy một phần.

Ngoài ra, ông Kubrakov cáo buộc Nga hạn chế hoạt động lưu thông của tàu thuyền trong khu vực bán đảo Crimea và gần lãnh hải Bulgaria.

Trước đó, Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau khi cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea. 

Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc lần đầu tiên vào tháng 8/2022 với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực từ các cảng trên Biển Đen của Ukraine, cũng như tái khởi động việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga, trong bối cảnh xung đột nổ ra ở Ukraine.

Phía Kiev chỉ trích việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và liên tục bắn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các cảng ở miền Nam Ukraine trong những ngày qua.

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo, bắt đầu từ ngày 20/7, Moscow sẽ coi tất cả tàu đi đến các cảng của Ukraine đều có thể là tàu chở hàng quân sự. Các quốc gia có quốc kỳ trên những tàu này cũng sẽ bị coi là tham gia vào xung đột Ukraine, đứng về phía Kiev.

Việc Nga liên tục tấn công thành phố cảng chiến lược Odessa dường như làm gia tăng tối đa áp lực lên ngành nông nghiệp Ukraine - một trong những ngành quan trọng trong nền kinh tế của Kiev. Theo các thống kê, ngành ngũ cốc Odessa thiệt hại hàng chục triệu USD sau các cuộc không kích gần như hàng đêm của Nga. Phía Ukraine nói rằng, 60.000 tấn ngũ cốc đã bị phá hủy.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Reznikov từng đưa ra cảnh báo đối với các chiến hạm Nga, sau khi quân đội nước này triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển hiện đại mới được viện trợ.

Quan chức do Nga bổ nhiệm hôm 5/8 cáo buộc Ukraine dùng xuồng tự sát tấn công và làm hư hại tàu chở dầu gần eo biển Kerch, nơi cầu Crimea bắc qua. Một số thủy thủ trên tàu bị thương do mảnh kính văng trong vụ nổ.

Vào tháng 4 năm ngoái, soái hạm Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga bất ngờ bốc cháy ngoài khơi cách thành phố cảng Odessa của Ukraine khoảng 90 km. Moscow tuyên bố hỏa hoạn là do một vụ nổ kho đạn trên boong khiến con tàu hư hại nặng và bị đắm khi được lai dắt về cảng. Tuy nhiên, phía Ukraine khẳng định đã bắn cháy con tàu bằng hai tên lửa hành trình Neptune.

Theo CNN, Reuters