1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Căng thẳng “cuộc chiến an ninh mạng” giữa Mỹ và Trung Quốc

Giới chức Mỹ mới đây đã cáo buộc một cựu quân nhân Trung Quốc đánh cắp dữ liệu mật từ một mạng máy tính quân sự của Washington.

Cùng với những lùm xùm trước đó, vụ việc lần này cho thấy cuộc tranh cãi liên quan đến hoạt động gián điệp mạng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang ở giai đoạn ngày càng căng thẳng.

... Bộ Tư pháp Mỹ ngày 28-7 đã lên tiếng cáo buộc ông Wei Chen, một cựu quân nhân Trung Quốc, với tội sao chép các tệp dữ liệu mật từ một mạng máy tính quân sự của Mỹ trong thời gian được thuê làm nhà thầu quốc phòng cho nước này tại Cô-oét vào năm 2013. Ông Wei Chen, hiện sống ở bang Massachusetts, bị buộc tội khai báo không trung thực và phá hoại các máy tính của quân đội Mỹ. Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, ông Wei Chen đã sao chép các tệp dữ liệu mật của máy tính sang thiết bị lưu trữ cá nhân và tìm cách che giấu hành vi này bằng cách xóa nhật ký mạng.

Căng thẳng “cuộc chiến an ninh mạng” giữa Mỹ và Trung Quốc - 1

Hoạt động bên trong một trung tâm an ninh mạng của quân đội Mỹ. (Ảnh: The Wall Street Journal)

Điều đáng nói là mặc dù hiện đã có quốc tịch Mỹ, nhưng ông Wei Chen trước đây đã từng phục vụ trong một đơn vị phòng không của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1971 tới 1976. Được biết, ông Wei Chen đã “giấu nhẹm” thông tin này khi đặt chân vào làm việc tại Trại Buehring ở Kuwait.

Theo giới chức tư pháp bang Massachusetts, nếu các quân nhân và nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ cố tình vi phạm chính sách an ninh mạng và xóa dấu vết, sẽ bị buộc tội và truy tố. Trong vụ việc của Wei Chen, nếu bị kết tội, người đàn ông 61 tuổi này sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm.

Trên thực tế, đến nay Mỹ và Trung Quốc đã trải qua không ít tranh cãi vì các vụ đánh cắp dữ liệu mật hay những cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp mạng. Điển hình như tháng 6 vừa qua, cả nước Mỹ đã rúng động khi tin tặc đột nhập vào hệ thống dữ liệu của Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang, bao gồm cả nhân viên đã nghỉ hưu. Ngoài ra, hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã bị xâm nhập. Trong khi Mỹ cho rằng, Trung Quốc đứng đằng sau vụ việc này, phía Bắc Kinh lại bác bỏ mọi cáo buộc.

Cũng chỉ vài ngày sau đó, Mỹ lại tiếp tục cáo buộc các tin tặc Trung Quốc đang sở hữu những thông tin nhạy cảm của khoảng 14 triệu nhân viên liên bang nước này, trong đó có các nhân viên tình báo, quân đội đã từng trải qua các cuộc kiểm tra lý lịch an ninh phức tạp trước khi được chính thức làm việc.

Trước đó khoảng một tháng, chính quyền Mỹ cũng cáo buộc 6 công dân Trung Quốc đã lấy cắp những bí mật từ hai công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ là Avago Technologies Ltd và Skyworks Solutions Inc. Cả hai công ty này đều tập trung phát triển công nghệ được sử dụng chủ yếu trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và dùng cho các mục đích quân sự.

Hay như vào tháng 5-2014, 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc cũng đã bị bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ ở thành phố Pittsburg, bang Pensylvania cáo buộc tham gia hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các tập đoàn công ty của Mỹ. Phía Washington cho rằng, mặc dù chưa từng đặt chân vào lãnh thổ Mỹ, song những người này đã tấn công hệ thống máy tính của các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ để đánh cắp các thông tin về thiết kế các nhà máy hạt nhân, quy trình sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời và các bí mật thương mại khác.

Các “nạn nhân” trong vụ này bao gồm 6 tập đoàn, công ty của Mỹ là: Công ty sản xuất và kinh doanh nhôm Alcoa World Alumina, Tập đoàn sản xuất nhiên liệu, công nghệ và thiết kế các nhà máy hạt nhân Westinghouse Electric, Tập đoàn sản xuất thép U.S.Steel Corp, Công ty công nghệ Allegheny Technologies, Tập đoàn SoLarWorld và Nghiệp đoàn United Steelworkers Union.

Những vụ việc nói trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng chú trọng vào việc ngăn chặn các hoạt động gián điệp kinh tế và quân sự. Đây cũng là vấn đề mà Washington coi là mối lo ngại an ninh quốc gia hàng đầu. Nói về thực trạng các vụ gián điệp kinh tế đe dọa nước Mỹ trong thời gian qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke mới đây tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Barack Obama “sẽ làm tất cả để bảo vệ bí mật thương mại của các công ty Mỹ”. “Đây là vấn đề sống còn đối với nước Mỹ”, ông Rathke nhấn mạnh.

Chưa biết các cáo buộc mà phía Mỹ đưa ra đúng sai thế nào, nhưng rõ ràng an ninh mạng đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ Mỹ-Trung, và có lẽ sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi, thậm chí là ít nhiều cản trở nỗ lực tăng cường ngoại giao giữa hai quốc gia này trong thời gian tới.

Theo Trung Dũng

Quân đội Nhân dân

Căng thẳng “cuộc chiến an ninh mạng” giữa Mỹ và Trung Quốc - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm