1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng biên giới Trung Quốc: Ấn Độ phòng xa

46 loại đạn dược và phụ tùng vũ khí như xe tăng chiến đấu bộ binh sẽ được rút gọn thủ tục mua bán cho Lục quân Ấn Độ phòng chiến tranh.

Sputnik ngày 14/7 thông tin, Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa thay đổi chút ít chính sách mua sắm vũ khí của mình, cho phép Lục quân mua các vũ khí và đạn dược dùng cho chiến tranh ngắn hạn ngay lập tức khi cần.


Đạn dược và phụ tùng vũ khí như xe tăng sẽ được rút ngắn thủ tục.

Đạn dược và phụ tùng vũ khí như xe tăng sẽ được rút ngắn thủ tục.

Theo quy định mới, Phó Tổng tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ sẽ có thể đặt mua trực tiếp 46 loại đạn dược và các loại phụ tùng cho 10 loại vũ khí như xe tăng chiến đấu bộ binh mà không phải thông qua các quá trình phê duyệt mua vũ khí thông thường.

“Đây là một bước đi tích cực. Nó sẽ giúp lấp đầy những thiếu hụt hiện có nhanh chóng và đỡ mất thời gian” – Thiếu tướng hồi hưu Gurmeet Kanwal của Ấn Độ trả lời phỏng vấn Sputnik.

Lực lượng này trước đó phải chờ đợi quyết định phê duyệt của Hội đồng mua sắm quốc phòng (DAC) thì mới được phép mua các vũ khí. Điều này rất mất thời gian lại bất cập khi không thể cung cấp ngay lập tức các vũ khí và đạn dược cần thiết cho một cuộc chiến ngắn hạn từ 10-15 ngày.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Hàn Đông trả lời tờ The Paper cho biết, trong nhiều thập kỷ qua tình trạng thiếu đạn dược vẫn không được giải quyết triệt để trong quân đội Ấn Độ. Trong vụ xung đột với Pakistan năm 1999, Ấn Độ từng phải "mua gấp" đạn dược từ Israel với giá cao trong vòng 70 ngày.

Theo ông Hàn, "nền tảng công nghiệp của Ấn Độ còn yếu, trong khi nhiều vũ khí được sản xuất theo công nghệ chuyển giao, nhiều loại đạn dược - ngay cả là đạn cho một số loại súng trường - cũng chưa thể chủ động sản xuất".

Thay đổi mới của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra ngay trong thời điểm tình hình biên giới với Trung Quốc đang rất căng thẳng ở khu vực Sikkim. Mâu thuẫn nổ ra sau khi Trung Quốc đi vào vùng Doklam ở khu vực này và xây dựng một con đường, bất chấp phản đối của New Delhi.

Quân đội nước này hôm 13/7 cũng đã nhận chỉ thị "không nhân nhượng" trong cuộc giằng co với Trung Quốc đang tiếp diễn ở vùng biên giới Sikkim.

Hãng tin News18 (Ấn Độ) cho hay, trong vấn đề biên giới Trung-Ấn, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lo ngại rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật mà nước này sử dụng trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Philippines là " tiến hai bước, lùi một bước".


Một đoạn biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc thuộc bang Sikkim

Một đoạn biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc thuộc bang Sikkim

Trong 4 tuần đối đầu đã qua ở vùng biên giới Sikkim, Bộ ngoại giao Ấn Độ chỉ đưa ra một tuyên bố duy nhất phản đối các cáo buộc của Bắc Kinh, trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc kể từ hôm 26/6 gần như lên tiếng hàng ngày yêu cầu New Delhi lui binh.

"Nội bộ chính phủ Ấn Độ dường như tạo cảm giác có ý định làm dịu bớt cuộc đối đầu với Trung Quốc," quan chức trên nói. "Nhưng trên thực tế, quân đội Ấn Độ đã nhận được mệnh lệnh 'không khoan nhượng'."

Phó chủ tịch đảng Quốc đại đối lập, ông Rahul Gandhi cũng chất vấn và chỉ trích chính phủ Modi về "thái độ im lặng" trước Trung Quốc. Ông Gandhi cũng hội kiến Đại sứ Trung Quốc La Chiếu Huy.

Theo Ngọc Dương

Báo Đất việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm