1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Can thiệp vào Syria, Mỹ đang chơi dao nghịch lửa

Tổng thống Barack Obama nói, ông không tìm kiếm "thay đổi chế độ" tại Syria. Trong khi tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ, ông nhấn mạnh, hành động quân sự ở Syria sẽ chỉ giới hạn.

Biểu tình phản đối tấn công Syria. Ảnh AP
Biểu tình phản đối tấn công Syria. Ảnh AP

Tuyên bố này như một sự đảm bảo cho những ai lo ngại một Iraq sẽ lặp lại. Tuy nhiên, ý tưởng can thiệp giới hạn chỉ là một ảo tưởng. Một khi Mỹ dính líu trực tiếp tới Syria, có thể không có đường quay trở lại.

Mục đích của những hoạt động tấn công giới hạn sẽ truyền tải bức thông điệp tới Tổng thống Bashar al-Assad: Không sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng cuộc tấn công của Mỹ rất có thể khiến việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt ấy tại Syria mở rộng hơn, thay vì chấm dứt.

Syria ngày nay tồn tại không chỉ trên bản đồ. Nơi mặt đất, cuộc cạnh tranh các lợi ích đã khiến nước này chia năm xẻ bảy. Không một đảng nào tuyên bố đại diện cho đa số ở Syria, không quyền lực nào chiếm ưu thế trên phần lớn lãnh thổ. Hơn hai năm trôi qua, với những cáo buộc về sự tàn bạo của chế độ Assad, phương Tây đang mong muốn can thiệp vào cuộc nội chiến.

Bằng sự can thiệp để trừng phạt chính phủ của ông al-Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ đang thiết lập tiền lệ có thể được tận dụng nhiều hơn trong tương lai, khi các phe phái đối lập mong muốn những sự can thiệp quân sự sâu rộng hơn từ nước ngoài? Tư duy Washington sẽ can thiệp nếu vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng có thể tạo ra một động lực để các phe phái ấy sử dụng khi cảm thấy được hưởng lợi từ sự can thiệp ấy.

Dường như bác bỏ các điều tra đa phương quá tỉ mỉ kỹ càng mà LHQ khởi xướng, Mỹ nhanh chóng muốn đổ lỗi cho al-Assad với quan điểm rằng, chỉ có chế độ ấy mới có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hóa học quy mô lớn. Kiểu quan niệm này sản sinh ra một thứ hấp lực chết người. Như tiểu thuyết gia Amitav Ghosh, người đã có thời gian dài nghiên cứu về các cuộc nổi dậy ở châu Á nhận định, trong xung đột nội chiến "triển vọng can thiệp" thường trở thành tác nhân kích thích cho "bạo lực leo thang" từ bên yếu hơn.

Nếu sử dụng hạn chế vũ khí hóa học có thể thành công trong việc lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột khi mà cuộc chiến thông thường khiến hơn 100.000 người thiệt mạng đã không thể làm được, thì nó có thể được các đối thủ của al-Assad - đặc biệt là những chiến binh nước ngoài liên kết tới al Qaeda - coi là phước lành hơn là thảm họa. Nỗ lực "giải phóng" Syria có thể phụ thuộc vào sự thành công trên cơ sở tiêu diệt chế độ Syria cùng vũ khí hóa học - kể từ khi điều đó là tác nhân duy nhất kích hoạt phản ứng từ Mỹ.

Dĩ nhiên không thể chắc chắn về độ an toàn của các kho dự trữ vũ khí hóa học trong sự kiểm soát của chế độ Syria. Vụ đánh bom tự sát năm ngoái tại Damascus khiến thân tín của ông al-Assad tử nạn và em trai ông bị thương đã minh chứng rằng, chế độ ấy cũng không phải bất khả xâm phạm.

Ở một vùng đất đã kiệt sức vì chiến tranh thì lòng trung thành có thể thay đổi và sở hữu những chất độc thần kinh chết người không phải là khó khăn quá lớn. Ví dụ năm một giáo phái tại Nhật gọi là Aum Shinrikyo đã giết hại nhiều hành khách trên tàu điện ngầm Tokyo bằng cách sử dụng khí sarin chiết xuất từ các hóa chất thương mại sẵn có.

Vậy Mỹ sẽ làm gì sắp tới nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria? Hơn 1.000 người chết đang khiến Mỹ - kể cả thiếu bằng chứng thuyết phục chứng tỏ sự dính líu của chế độ Assad tới tội ác này - tính toán can thiệp. Họ có thể từ chối theo tiền lệ nếu 10.000 người Syria bị giết hại trong cuộc thảm sát khác sau khi hành động can thiệp quân sự "hạn chế" của Obama kết thúc?

Nhưng một sự can thiệp quân sự sâu hơn sẽ là làm tự tổn thương bản thân. Syria đã trở thành "địa hạt" cho các chiến binh nước ngoài đến từ hơn 60 quốc gia. Tham vọng của họ không đơn giản là đánh bại al-Assad. Họ còn muốn thiết lập một nhà nước theo kiểu chính trị thần quyền ở thế giới Ảrập. Để giúp Syria thoát khỏi sự độc tài của al-Assad và ngăn chặn nước này rơi vào tay của các chiến binh thánh chiến mang kiểu tư tưởng như những người đã cướp máy bay lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới 11/9/2001, Mỹ có thể phải tự cam kết ràng buộc với Syria trong cả thập kỷ - chống chiến binh thánh chiến, chinh phục al-Assad và các đồng minh ở Hezbollah, bảo vệ Israel và gìn giữ nền hòa bình mỏng manh của Lebanon.

Sau những gì xảy ra tại Afghanistan và Iraq, sứ mệnh này có còn dễ dàng?

Can thiệp vào Syria có thể sẽ xoa dịu lương tâm của ông Obama. Nhưng tại Syria, rất nhiều khả năng nó sẽ khiến leo thang xung đột. Cuối cùng, một "lối vào hạn chế" sẽ chỉ đẩy nhanh những điều kiện để nhanh chóng hút Mỹ trở lại xung đột mà thôi.

Trong khi đó, ngay tại nước Mỹ, Obama vẫn gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục công chúng ủng hộ hành động quân sự chống Syria. Tờ Washington Post- ABC News đã thực hiện một cuộc thăm dò về tỉ lệ ủng hộ và phản đối hành động quân sự của Mỹ và các đồng minh đối với Syria. Cuộc thăm dò được tiến hành từ 28/8 đến 1/9. Theo kết quả thăm dò, gần 6 trên 10 người Mỹ phản đối kế hoạch tấn công tên lửa vào Syria nhằm trừng phạt chính quyền Tổng thống Assad vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại nước này. 70% người dân Mỹ cũng phản đối việc Washington và các đồng minh cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân tại Syria.
 
Theo Minh Tâm
Tuanvietnam