Căn nguyên của xung đột nội bộ Palestine
(Dân trí) - Ngừng bắn, vi phạm ngừng bắn, rồi lại ngừng bắn, là nét nổi bật về tình hình Palestine tuần qua. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề bất đồng nội bộ ở Palestine lại sâu sắc và gay gắt đến như vậy, và nó đang được thể hiện qua các cuộc giao tranh dữ dội trên đường phố làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương kể từ ngày 13/5 đến nay.
Khác biệt về tư tưởng
Theo các nhà phân tích, khác biệt về tư tưởng là một trong những nguyên nhân chính đẩy hai phe phái đối chọi nhau là Hamas và Fatah lao vào cuộc chiến ở Gaza.
Phong trào Hồi giáo Hamas - thân với Iran và Syria và muốn có một xã hội dựa trên những nhận thức nghiêm khắc về đạo Hồi - phản đối Hiệp ước Ôxlô năm 1993 giữa Israel và người Palestine. Trong khi đó, Phong trào Fatah là một phong trào thế tục, ủng hộ các cuộc đàm phán với Israel và giải pháp hai nhà nước song song tồn tại.
Issam Yunes, Giám đốc trung tâm nhân quyền Mizan ở Gaza, nói: "Hamas và Fatah có các cương lĩnh chính trị khác nhau. Hamas là một phong trào tôn giáo với chương trình xã hội và chính trị rõ ràng" và không từ bỏ bạo lực. Trong khi đó, "Fatah thế tục, thực dụng và có tính hợp pháp hơn với việc phong trào này đã thành lập Chính quyền Palestine và khởi động tiến trình hòa bình". Ông này cảnh báo: "Có sự chia rẽ thực sự trong hệ thống chính trị của Palestine và sự chia rẽ này ngày càng lớn".
Chính phủ mất đoàn kết
Ông Ibrahim Abrash, Giáo sư trường Đại học Al-Azhar ở Gaza cho rằng ngoài sự đối lập về hệ tư tưởng, bạo lực giữa hai phe phái này nổ ra do thỏa thuận mà hai phái ký hồi tháng 2/2007 ở Mecca nhằm thành lập chính phủ đoàn kết không những không thành công mà còn tạo ra một chính phủ mất đoàn kết nghiêm trọng. Ông Abrash nói: "Thỏa thuận Mecca đã không giải quyết được các vấn đề thực sự giữa hai phe phái có chiến lược, quan điểm và quan hệ với nước ngoài khác nhau".
Phái Hamas cho rằng thỏa thuận chia sẻ quyền lực này có lợi cho Fatah, tổ chức mà Hamas đã đánh bại trong các cuộc bầu cử dân chủ vào cơ quan lập pháp hồi tháng 1/2006. Căng thẳng đã tăng thêm bởi những bất đồng xung quanh kế hoạch an ninh của Mỹ đối với khu vực này, một kế hoạch tăng cường các hoạt động an ninh có lợi cho Fatah.
Mukhaymar Abu Saada, Giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học Abu Dis ở Giêruxalem, nhận định: "Vẫn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đó là vấn đề thành phần các lực lượng an ninh (hiện do Fatah kiểm soát), tẩy chay của cộng đồng quốc tế không được dỡ bỏ, tình trạng bần cùng và thất nghiệp".
Hamas đã kêu gọi một "Thỏa thuận Mecca thứ hai". Ahmad Yussef, cố vấn chính trị của Thủ tướng Ismail Haniyeh (người của Hamas), nói: "Chúng ta cần trở lại Mecca để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đáng chú ý là việc cơ cấu lại các lực lượng an ninh".
Nạn kiêu binh
Giới phân tích cho rằng cuộc chiến hiện nay tại Gaza đã bộc lộ một xu thế nguy hiểm, đó là giới lãnh đạo chính trị của cả Hamas và Fatah có vẻ như đều không kiểm soát được các tay súng của họ. Điển hình là việc trong tuần qua, mặc dù đã nhiều lần nhất trí ngừng bắn, nhưng cả Thủ tướng Ismail Haniyeh của Hamas và Tổng thống Mahmoud Abbas của Fatah đã không thể áp đặt được lệnh ngừng bắn giữa hai bên.
Tại thành phố Gaza, những phần tử trung thành của cả hai phe, bị kích động bởi các chương trình trên đài phát thanh địa phương phát những lời buộc tội lẫn nhau, đã ngày càng trở nên cứng rắn hơn.
Những phần tử trung thành với Fatah thường bị coi là "những kẻ hợp tác với Israel" hay "gián điệp của Mỹ", trong khi những phần tử ủng hộ Hamas bị coi là "quân du kích xấu xa" hay "bọn người Shiite". Trong khi đó, các cuộc xung đột ngày càng đẫm máu hơn.
Ông Yussef cảnh báo: "Trong làn sóng bạo lực lần này, các hàng rào tâm lý đã bị phá vỡ. Không còn giới hạn trong các hành động trả thù".
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột hiện nay cho thấy thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Fatah và Hamas chỉ giải quyết tạm thời mâu thuẫn giữa phe phái và sẽ không thể kéo dài. Không chóng thì chầy, thỏa thuận này cũng sẽ bị sụp đổ và xung đột đẫm máu trong mấy ngày qua có lẽ chỉ là khởi điểm cho tiến trình này.
K.V