Căn cứ Trung Đông bị tấn công dồn dập, Mỹ đáp trả quyết liệt
(Dân trí) - Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết lực lượng Mỹ đã bị tấn công 66 lần ở Trung Đông kể từ khi xung đột bùng phát vào giữa tháng 10.
"Lực lượng Mỹ đã bị tấn công 66 lần kể từ ngày 17/10. 32 lần ở Iraq và 34 lần ở Syria", Phó phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh tuyên bố hôm 21/11.
Theo quan chức quốc phòng Mỹ, 62 quân nhân Mỹ đã bị thương trong các cuộc tấn công ở Trung Đông từ ngày 17/10.
Bà Singh cũng lưu ý rằng con số trên chưa bao gồm những người bị thương trong cuộc tấn công vào ngày 21/11 vì số liệu đang được đánh giá.
Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, lực lượng dân quân được cho là do Iran hậu thuẫn đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm gần chống lại lực lượng Mỹ và liên quân tại căn cứ không quân Al-Asad ở Iraq hôm 21/11.
Hai quan chức Mỹ cho biết căn cứ không quân Al-Asad đã bị một tên lửa đạn đạo tầm gần tấn công khiến 8 người bị thương và cơ sở hạ tầng bị hư hại nhẹ.
Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ đã đáp trả bằng cách triển khai máy bay AC-130, tấn công một phương tiện của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn cùng một số thành viên liên quan đến vụ tấn công.
Bà Singh nói rằng máy bay AC-130 có thể xác định vị trí tấn công và đáp trả nhóm dân quân sau khi theo dõi chuyển động của họ.
Phó phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, việc sử dụng tên lửa tầm gần đánh dấu lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng nhằm vào lực lượng Mỹ kể từ khi các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông tăng đột biến gần đây.
Đây là đòn trả đũa công khai đầu tiên trên lãnh thổ Iraq trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gần đây nhằm vào quân đội Mỹ. Tuy nhiên, bà Singh cho biết Mỹ đã có những phản ứng trước đó, mặc dù chưa được công bố.
Theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở ở Syria nhằm đáp trả hàng loạt cuộc tập kích nhằm vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Mỹ cáo buộc các cơ sở này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm thân cận sử dụng.
Mỹ hiện duy trì 900 quân ở Syria và 2.500 quân ở Iraq nhằm thực hiện sứ mệnh cố vấn và hỗ trợ các lực lượng địa phương ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ đã triển khai binh sĩ và khí tài quân sự tới Trung Đông sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 5/11 thông báo tàu ngầm lớp Ohio có khả năng mang tên lửa hành trình đã được triển khai đến Trung Đông. Trước đó, Lầu Năm Góc đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Địa Trung Hải sau khi bùng nổ giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas.
Lầu Năm Góc cũng xác nhận Mỹ đã chuẩn bị khoảng 2.000 binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng cao độ, chờ lệnh triển khai tới khu vực làm nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.
Mỹ ngày 21/10 tuyên bố triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa tới Trung Đông, bao gồm Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) và các tiểu đoàn phòng không Patriot, nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.