“Cần câu cơm” cho người chuyển giới Ấn Độ
Một nhóm những người chuyển giới ở Ấn Độ đang tham gia một khoá đào tạo các nhà liệu pháp học về làm đẹp nhằm giúp họ hoà nhập với xã hội.
Có khoảng 150.000 người từng phẫu thuật chuyển giới tại bang Tamil Nadu. Phần lớn trong số họ kiếm sống bằng ăn xin trong khi nhiều người phải làm việc trong các nhà chứa.
Khoá học về làm đẹp này là ý tưởng của Nikkila, một nhà liệu pháp học và chủ mỹ viện. "4 năm trước, tôi chứng kiến cảnh một người ăn xin là một người chuyển giới tính bị công chúng phỉ báng. Trong xã hội ngày nay, họ không hề có chỗ đứng, không quyền lợi và không việc làm", cô nói. "Vì thế, tôi đã quyết định sẽ đào tạo họ trở thành những nhà liệu pháp làm đẹp. Khoá học này là bước đầu tiên".
Mục đích của Nikkila là làm khơi dậy sự nhận thức về bản thân và trang bị cho học viên những kỹ năng có thể giúp họ kiếm tiền.
Tuy nhiên, vấn đề xác định giới của nhóm người này khá nan giải. Họ không được pháp luật thừa nhận là phụ nữ song một khi đã phẫu thuật, họ không còn là nam giới. "Chúng tôi đang đấu tranh cho nhân quyền và chống lại sự xâm phạm những quyền đó", Vasanthi, người đứng đầu một tổ chức những người chuyển giới nói. "Tổ chức cũng đấu tranh cho các quyền theo luật pháp và thay đổi quan điểm của xã hội về chúng tôi".
Bị đẩy ra bên lề xã hội, cộng đồng người này cùng chung sống trong một mạng lưới gia đình của những "cô con gái" và "các bà mẹ" nuôi. Priya Babu, 36 tuổi, "mẹ" của một nhóm chuyển giới cho hay: "Chúng tôi cố gắng thể hiện bản thân để khiến xã hội thừa nhận. Ngày xưa chúng tôi rất được kính trọng song điều này không còn nữa".
Một khi quyết định chuyển giới, các cá nhân này buộc phải rũ bỏ gia đình, bạn bè và địa vị xã hội của họ. "Phần lớn chúng tôi là những người được giáo dục chu đáo, sinh ra trong các gia đình tử tế nhưng cha mẹ không chấp nhận nên chúng tôi phải ra đi", Babu nói.
Thường thì những người chuyển đổi giới tính không được phép tới các mỹ viện, do đó khoá học chính là một cơ hội cho họ thể hiện bản thân. "Tôi nhận thấy họ là những học viên ham học hỏi. Lần đầu tiên tới đây, họ khúm núm như những kẻ ăn xin nhưng tôi đã dạy họ điều chỉnh lại thái độ và cách ăn mặc", Nikkila cho biết.
Kalai Kani, nhà làm phim, cũng tham gia trong khoá học: "Tôi dạy họ cách thư giãn và điều chỉnh là âm vực và giọng nói".
Chương trình này cũng đã có những thành quả nhất định. "Trước khi tham gia lớp học này, tôi rất tuyệt vọng về bản thân", Eswari, 24 tuổi, nói. "Giờ đây, tôi thấy nhẹ nhõm hơn và đã bắt đầu làm việc".
Jamuna, 26 tuổi, tâm sự: "Cuộc sống của tôi trước đây là những chuỗi ngày đi ăn xin. Sau khi được học những kỹ năng về làm đẹp, tôi có thể làm một công việc đáng trọng. Ngày xưa, người ta rất hay chế giễu tôi nhưng giờ đây họ đã nhìn tôi với ánh mắt tôn trọng. Thậm chí chúng tôi đã trở thành gương cho nhiều người khác học theo".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu công chúng có hào hứng đối với công việc của những người này hay không. Nikkila bày tỏ niềm tin rằng chương trình của cô sẽ thành công. "Các mỹ viện đang nở rộ ở Ấn Độ. Nhu cầu làm đẹp ngày một tăng lên. Hơn chục khách hàng của tôi cho hay họ sẵn sàng để cho các học viên của tôi chăm sóc", cô nói. "Sắp tới, tôi có dự định sẽ dạy cho những người câm điếc các kỹ năng tương tự và đưa họ vào làm việc".
Theo Vnexpress/BBC