1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cần 300 triệu USD đối phó hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam

(Dân trí) - 35 năm chiến tranh đã trôi qua, 300 triệu USD là cái “giá” được đưa ra để giải quyết hậu quả chất độc da cam gây ra đối với đất nước và con người Việt Nam, Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin hôm qua cho biết.

 

 
Cần 300 triệu USD đối phó hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam - 1
Hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại vẫn còn nhức nhối

 

Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin đã tổ chức họp báo công bố Bản tuyên bố và Chương trình hành động 2010-2019, theo đó kêu gọi chính quyền Mỹ và các nhà tài trợ khác cung cấp ước tính khoảng 30 triệu USD mỗi năm trong vòng 10 năm để làm sạch những vùng bị nhiễm dioxin, hoá chất độc hại quân đội Mỹ dùng trong cuộc chiến tranh 35 năm trước tại Việt Nam.

 

Nhóm Ðối thoại đã đề ra kế hoạch hành động gồm ba giai đoạn trong thời gian khoảng 10 năm để đạt được hai mục tiêu chính là: Làm sạch đất bị nhiễm dioxin và khắc phục hệ sinh thái đã bị tàn phá; mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người khuyết tật có liên quan đến chất độc da cam/dioxin và cho những người bị khuyết tật khác cũng như cho gia đình họ.

 

Washington trong suốt nhiều năm qua đã trì hoãn giải quyết vấn đề chất độc da cam, viện lý do cần thêm các nguyên cứu khoa học để chứng tỏ chất da cam quân đội Mỹ thả xuống Việt Nam gây ra các vấn đề về sức khỏe và gây dị tật.

 

Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin được thành lập vào năm 2007 để tìm kiếm cách giải quyết đối với vấn đề dai dẳng này. Nhóm đối thoại được Quỹ Ford và Viện Aspen, những tổ chức phi lợi nhuận, tài trợ.

 

Theo bản kế hoạch, cần gần 100 triệu USD để phục hồi hệ sinh thái đã bị tàn và và làm sạch các khu vực nhiễm dioxin, với ưu tiên cho 3 địa điểm trước kia là căn cứ không quân của Mỹ ở Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, và các địa điểm ở Biên Hòa, Phú Cát – những “điểm nóng” dioxin, nơi chất da cam được trộn, tích trữ và chất lên máy bay trong cuộc chiến 35 năm trước. Chất dioxin bị đổ ra đã ngấm vào đất và hệ thống nước ở đây.

 

200 triệu USD nữa sẽ dùng để mở rộng các dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người Việt Nam bị khuyết tật liên quan đến chất độc da cam và cho những người bị khuyết tật khác cũng như cho gia đình họ.

 

Ông Nguyễn Văn Son, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của quốc hội nêu rõ, chiến tranh đã qua đi, nhưng những vết thương  của cuộc chiến để lại vẫn còn  nhức nhối trên nhiều vùng đất của Việt Nam. Hiện tại, nhiều nạn nhân da cam đã chết nhưng cũng còn rất nhiều các nạn nhân, các trẻ em bị dị tật đang phải chống chọi với bệnh tật trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn và họ đang rất cần sự giúp đỡ và hỗ trợ để được chữa trị.

 

Từ năm 1962 - 1971, Mỹ đã phun, rải hơn 20 triệu ga-lông (hơn 80 triệu lít) chất độc da cam trên khoảng một phần tư lãnh thổ miền nam Việt Nam, huỷ hoại môi trường sinh thái.

 

Chất da cam/dioxin đã hủy hoại khoảng 2 triệu hecta rừng và 202.000 hecta mùa màng.

 

Ít nhất có 4,5 triệu người Việt Nam và 2,8 triệu quân nhân từ năm 1962 đến 1975 đã bị phơi nhiễm. Tới thời điểm này các nghiên cứu đã đưa ra 28 điểm nóng là các vùng miền bị ô nhiễm dioxin, đặc biệt chất độc da cam chứa dioxin có liên quan đến nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo cho người bị phơi nhiễm.

 

Dioxin đã có mối liên hệ tới ung thư, gây dị tật ở người và cá bệnh khác. Một nghiên cứu được công ty môi trường Hatfield Consultants của Canada đưa ra vào năm ngoái cho thấy lượng dioxin trong một số mẫu máu và sữa ở những người sống gần căn cứ không quân Đà Nẵng cao gấp 100 lần mức an toàn.

 

Phan Anh

Tổng hợp