Campuchia-Thái Lan: Giao tranh tiếp diễn bất chấp kêu gọi của Liên hợp quốc
(Dân trí) - Hôm qua, lực lượng quân sự Thái và Campuchia lại đấu súng lần thứ tư trong bốn ngày qua, vào lúc Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hai nước giữ bình tĩnh và chấm dứt giao tranh.
Theo lời thủ tướng Campuchia Hun Sen, chiến sự lại bùng phát ngày 7/2 - ngày thứ tư liên tiếp. Thiệt hại sinh mạng của hai bên đã lên đến 6 người, trong đó phía Campuchia là 3 binh sĩ, 1 thường dân và phía Thái Lan có 1 binh sĩ và 1 thường dân.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Thái Lan đã giảm thiểu qui mô cuộc đọ súng mới nhất và cho nguyên nhân là “do hiểu lầm gây ra chạm súng khoảng 2 phút”.
Trước đó, có tin cho biết địa điểm chạm súng xảy ra ở làng Phalan Yao, phía Tây núi Phu Makhua, và kéo dài khoảng 20 phút.
Cuộc đối đầu ác liệt nhất diễn ra từ 6 giờ 30 phút chiều 6/2 kéo dài đến gần nửa đêm, gây thương vong nặng cho cả hai bên. Giao tranh xảy ra tại khu vực Phnom Trop, Chak Chreng và Sambok Khmum gần ngôi đền Preah Vihear. Hàng nghìn gia đình Campuchia và Thái Lan sống gần đền đã phải di tản gấp. Chính quyền Campuchia thông báo đền Preah Vihear bị trúng đạn pháo nặng.
Người Campuchia gần khu vực đền Preah Vihear sơ tán khỏi vùng chiến sự ngày 7/2
Hôm qua, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tỏ thái độ rất lo lắng khi lên tiếng kêu gọi Thái và Campuchia nên trở lại bàn thương lượng ngay vì tình hình ngày càng xấu đi đã gây tổn hại đến hình ảnh của cả khối và nó cũng tác hại đến lĩnh vực du lịch, sự phục hồi kinh tế và triển vọng đầu tư trong toàn vùng Đông Nam Á.
Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi cả hai nước kiềm chế.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon thúc giục hai láng giềng Đông Nam Á dàn xếp chấm dứt xung đột.
Một ngày trước đó, Thủ Tướng Hun Sen lên đài truyền hình kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp “để tìm biện pháp ngăn chặn cuộc tấn công toàn diện của Thái vào biên giới Campuchia”. Ông Hun Sen muốn Liên hợp quốc phái lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực này.
Một phán quyết năm 1962 của Tòa án Quốc tế đã xác định ngôi đền Preah Vihear thuộc chủ quyền của Campuchia, nhưng không giải quyết chủ quyền của khu đất quanh khu đền này. Cuộc tranh chấp về khu vực đó đã bùng lên hồi năm 2008, khi UNESCO tuyên bố ngôi đền này là một di sản của thế giới. Kể từ đó đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ nhỏ giữa quân đội hai nước.
Trong cuộc biểu tình tại Bangkok cuối tuần trước, người biểu tình thuộc phong trào Liên minh Dân tộc tranh đấu cho Dân chủ đã đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức. Họ yêu cầu chính phủ Thái có lập trường cứng rắn hơn đối với Campuchia liên quan đến vấn đến ngôi đền đang trong vòng tranh chấp.
Tuệ Nhi