Campuchia lập đội đặc nhiệm phòng chống nạn buôn người
(Dân trí) - Hàng năm có hàng nghìn người bị đem ra buôn bán ở trong và qua Campuchia. Do đó, chính phủ nước này vừa phải thành lập đội đặc nhiệm quốc gia đầu tiên chống nạn buôn người.
Campuchia hiện có ít nhất 200 tổ chức khác nhau cùng hoạt động chống lại nạn buôn người và các nhà tài trợ đã chi hàng triệu đôla nhằm giúp đỡ các nạn nhân và trừng trị những kẻ tham gia buôn bán con người. Tuy nhiên, việc có quá nhiều tổ chức hoạt động cùng mục đích lại khiến người ta không thể đánh giá được hiệu quả của công tác phòng chống nạn buôn người. Tệ hơn, nhiều tổ chức còn cạnh tranh với nhau để giành được tiền tài trợ, khiến tình hình có chiều hướng xấu đi.
Bà Mariel Sander Linstrom của Quỹ Châu Á (Asia Foundation) làm cố vấn kỹ thuật cho đội đặc nhiệm. Bà cho biết hiện có khoảng hơn 5.000 người ở Campuchia cùng nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người, nhưng họ lại không có liên hệ với nhau hoặc không hoạt động theo cùng một hệ thống hoặc tiêu chuẩn.
Do đó, việc giảm thiểu sự trùng lắp trong hoạt động của các tổ chức này cũng là một trong những mục tiêu chính của chính phủ Campuchia khi thành lập đội đặc nhiệm.
Đội đặc nhiệm này được kỳ vọng sẽ là đơn vị kết nối nguồn lực của các bộ, tổ chức thực thi pháp luật và các cơ quan quốc tế, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống nạn buôn bán trẻ em, phụ nữ và cả đàn ông để làm nô lệ lao động, ăn xin, đưa vào nhà chứa hoặc các mục đích khác.
Tăng cường việc thực thi luật pháp là một mục tiêu khác của chính phủ Campuchia. Trước đây, nỗ lực của cảnh sát trong việc bắt giữ bọn buôn người giảm dần xuống khi mà tòa án không truy tố các nghi phạm hoặc bác bỏ các vụ án.
Dù vậy, đã có một số dấu hiệu cho thấy Campuchia đang đạt được một số bước tiến. Năm ngoái, Mỹ đã đánh giá đây là nước có tình trạng buôn người ở mức thấp nhất trong danh sách theo dõi.
Theo các báo cáo chính thức, hiện có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn, người Campuchia đang bị bóc lột như những nô lệ tình dục ở Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Qatar, Somali, và Ảrập Saudi.
Nhật Linh
Theo BBC, Xinhua