1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Campuchia bác tin thiếu vốn thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định không có bất kỳ trở ngại nào trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Campuchia bác tin thiếu vốn thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo - 1

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (Ảnh: Hun Manet Media).

Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 23/11 đã bác bỏ các thông tin trên truyền thông quốc tế rằng không có nguồn vốn cho việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Ông Hun Manet khẳng định không có bất kỳ trở ngại nào cản trở việc thực hiện dự án.

Ông Hun Manet cho biết chính phủ Campuchia có một kế hoạch tổng thể rõ ràng với một số đối tác dự phòng sẵn sàng tiếp quản dự án nếu gặp sự cố.

Ông Hun Manet cho biết chính phủ Campuchia đang triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo với sự quan tâm lớn hơn dành cho người dân địa phương, giải quyết các tác động để đảm bảo quy trình diễn ra suôn sẻ và có trách nhiệm.

Thủ tướng Campuchia cho biết dự án kênh đào đòi hỏi các quy trình triển khai phù hợp và không có rào cản nào cản trở quá trình triển khai dự án này.

Ông Hun Manet nói rõ rằng nhóm công tác đang triển khai dự án một cách cẩn trọng, tuân theo các hướng dẫn rõ ràng để giảm thiểu tác động đến người dân địa phương.

"Các vị muốn chúng tôi hoàn thành kênh đào trong 3 tháng sao? Các vị không thể khởi công dự án hôm nay rồi triển khai ngay vào ngày hôm sau được", ông Hun Manet bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào dự án kênh đào.

"Chính phủ cần xác định rõ ràng quy trình, xem xét địa điểm và giải quyết tác động của dự án đối với người dân trước khi cho phép đào kênh", ông nói, đồng thời cho biết hiện tại là mùa mưa và mực nước đang dâng cao, khiến việc đào ở một số khu vực trở nên khó khăn.

Trước đó, vào ngày 22/11, chính quyền Campuchia đã ra thông cáo báo chí bác bỏ thông tin trên báo Bangkok Post Reuters rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia đang gặp vấn đề về tài chính.

Theo thông cáo, chính phủ Campuchia đã tích cực triển khai dự án và nhóm kỹ thuật đã hoàn thành nghiên cứu chi tiết, tiến hành đánh giá chuyên sâu dựa trên tác động thực tế đối với người dân, đường thủy và nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng khác nhau.

Thông cáo nêu rõ, trong quá trình làm việc, nhóm kỹ thuật đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức có liên quan ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Thông cáo khẳng định, các kênh truyền thông đang phát tán thông tin sai lệch và vô căn cứ với mục đích phá hoại quá trình xây dựng dự án kênh đào của Campuchia.

Thủ tướng Hun Manet ngày 5/8 đã khởi động dự án kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD nhằm mục đích mở một tuyến đường mới từ sông Mekong ra biển. Ông Manet gọi dự án dài 180km này là "lịch sử".

Trước đó, Thủ tướng Campuchia thông báo dự án sẽ do liên doanh giữa Cảng tự trị Sihanoukville, Cảng tự trị Phnom Penh và một công ty tư nhân nắm 51% cùng các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành theo hợp đồng BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao).

Theo kế hoạch, kênh đào Phù Nam Techo sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m. Kênh kéo dài khoảng 180km (chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km) từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia.

Kênh đào sẽ chạy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên đường thủy. Dự kiến, Campuchia sẽ hoàn tất dự án vào năm 2028.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cho biết, kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho hàng hóa của Campuchia bằng cách giảm chi phí vận chuyển, đồng thời kênh đào này cũng sẽ đóng vai trò là hệ thống thủy lợi ở phía tây nam Campuchia.

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho hay lưu lượng nước qua kênh đào Phù Nam Techo dự kiến là 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong.

Theo ông Sun Chanthol, con kênh sẽ được sử dụng để tưới tiêu trên đất liền và đánh bắt cá. Ông cho biết tuyến đường ngắn hơn của kênh đào ra biển dành cho sà lan và tàu từ và đến Phnom Penh chở hàng dệt may và nguyên liệu thô, điều này sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Khmer Times